Anh làm chủ một doanh nghiệp, chị làm giáo viên. Hai công việc đòi hỏi khá nhiều kỹ năng ngoại giao. Chị luôn phải là một giáo viên mẫu mực từ cách ăn, cách mặc, cách nói năng. Anh cũng luôn phải giữ mình trong phong thái đường hoàng, đĩnh đạc, tin cậy …
Chiếc áo ấy dường như làm họ khá khó thở, vậy nên một quy ước được đưa ra giữa hai người là khi về nhà, họ sẽ được sống hoàn toàn bản năng, được quyền bày tỏ mọi suy nghĩ của mình, được làm những gì mình yêu thích…
Từ những ngày son rỗi, đến cả khi 2 đứa con lần lượt chào đời, họ vẫn thực hiện quy ước ấy, không mảy may bận tậm.
Chị có thể gắt gỏng um sùm vì bỉm sữa, anh có thể văng tục, chửi bậy sau một cuộc thương thảo không thành với vị khách khó tính… Những “mảng gồ ghề” trong cuộc sống của người này làm người kia không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, họ chấp nhận như một sự đánh đổi để lấy lại quyền tự do của mình.
Không chỉ được phép thoải mái xả những bực dọc của cuộc sống bên ngoài, họ cũng mặc sức “giãi bày” hết cảm xúc của mình trong các xung đột gia đình, vợ chồng. Chẳng những mặc sức thể hiện tâm tư của mình trước mặt nhau, họ còn mặc nhiên cho con cái được bình đẳng trong đời sống gia đình.
Điều đó cũng có nghĩa là những đứa con bé bỏng của anh chị được chứng kiến bố mẹ hồn nhiên “thể hiện tình cảm” với nhau ngay trong phòng khách. Điều đó cũng có nghĩa là chúng được là những vị khách bất đắc dĩ trong những lần xung đột của bố mẹ.
Từ việc mẹ cằn nhằn về bà nội đến chuyện bố ghen với bác đồng nghiệp trong cơ quan mẹ; từ việc mẹ nghi ngờ vết son trên áo bố đến chuyện bố chê mẹ không biết thu vén gia đình… đều diễn ra rất trung thực trước mặt 2 đứa con.
Rồi đến một ngày, thằng cu học lớp 8 của anh chị trốn học tụ tập đám bạn xấu đập đá, bị công an phát hiện. Chưa kịp để bố mẹ thuyết giảng những bài học đạo đức, thằng bé xả một tràng dài những thói hư tật xấu của bố mẹ mà chúng đã từng được nghe khi mẹ tố cáo bố, bố tố cáo mẹ.
Còn cô con gái lớp 10, biện minh cho việc vào nhà nghỉ cùng bạn trai, nó thành thật kể: Chỉ tại con muốn khám phá cảm xúc của mẹ khi được bố ôm trong lòng.
Nghe những lời “thú tội” của con, anh chị mới ngỡ ngàng đau xót. Giá như họ không sống quá trần trụi trước mặt con mình, họ sẽ không phải lãnh trái đắng như thế.
Theo các chuyên gia tâm lý, không ít gia đình, bố mẹ nóng giận chỉ trích lầm lỗi của nhau trước mặt con. Lối sống, những lời nói sai trái được con trẻ ghi nhận rất nhanh, có khi trở thành nỗi ám ảnh cả đời của con trẻ.
Thay vì to tiếng, đập phá hay "động chân động tay", bố mẹ nên học cách hết sức kiềm chế để giải quyết vấn đề. Bởi con trẻ bị ảnh hưởng cực kì lớn với những xung đột mạnh như vậy.
Các chuyên gia tâm lý cũng đã chứng minh: Việc thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi nhau gây ra nhiều hậu quả khôn lường cho trẻ. Đứa bé sẽ buồn bã, sợ hãi, thất vọng, chán nản,... rồi xấu hổ với bạn bè.
Thậm chí nhiều bé sinh ra trầm cảm, có bé thì trở nên hung hăng, phá phách do bị ảnh hưởng từ hành động của chính bố/ mẹ mình. Vì vậy, điều mấu chốt để không làm ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ lúc này, là bố mẹ phải có cách giải quyết vấn đề bình tĩnh, hợp lý để con học theo; thay vì cãi vã um sùm khiến bé bị tổn thương./.