Chúa tể thành phố tài chính London
Theo sự phân công của cha, ngay khi mới 21 tuổi, Nathan Mayer Rothschild đã chuyển tới định cư ở Manchester, Anh sau đó chuyển đến London. Trong số 4 người con trai của Rothschild được phân công ra nước ngoài, con trai thứ ba là Nathan (1777-1836) đã đạt được thành công lớn nhất. Nathan chuyển đến Manchester, Anh vào năm 1798 để thành lập một doanh nghiệp dệt may.
Sau đó, ông chuyển đến London để thành lập ngân hàng NM Rothschild vào năm 1810. NM Rothschild & Sons vẫn đang hoạt động cho đến ngày nay. Năm 2019, ngân hàng báo cáo doanh thu 1,87 tỷ bảng Anh và 76 tỷ Euro tài sản đang được quản lý.
Về phần mình, Trung tâm tài chính London thuở ban đầu chẳng liên quan gì đến tài chính và ngân hàng. Ngay từ đầu thế kỷ thứ 17, ở London đã có một trong những hải cảng lớn nhất thế giới. Đế chế thực dân Anh khi ấy là cường quốc thuộc địa và quân sự, cường quốc biển và thương mại. Nước Anh giàu lên nhờ chiếm thuộc địa trên khắp thế giới và mở rộng giao thương buôn bán đi khắp thế giới nhờ đội ngũ thương thuyền và lực lượng hải quân hùng mạnh.
Trung tâm tài chính London. |
Chỉ từ thế kỷ 18-19, các ngân hàng mới dần được thành lập ở Trung tâm tài chính London và ngày càng có thêm nhiều ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh và hoạt động tại đây. Bởi vậy, chẳng mấy chốc mà London đã đánh bật Amsterdam của Hà Lan ra khỏi vị trí trung tâm tài chính quan trọng nhất của thế giới. Nơi đây không chỉ là trung tâm tài chính của nước Anh mà thậm chí là toàn thế giới với hệ thống tư pháp độc lập, giống với một quốc gia nhỏ trong một đất nước lớn.
Bởi nắm giữ trong tay toàn bộ cơ cấu tài chính chủ yếu của thế giới mà ngay từ lúc bấy giờ, Trung tâm tài chính London hàng năm đã đóng góp đến 1/6 GDP cho nước Anh. Bởi vậy, người ta thường nói rằng: Kẻ nào nắm được thành phố London thì sẽ trở thành chúa tể của nước Anh.
Và kẻ đã nhanh chóng tận dụng được những cơ hội vàng để trở thành chúa tể của nước Anh không ai khác chính là Nathan Mayer Rothschild. Khi đến Anh, Nathan gặp ngay cuộc đối đầu giữa Anh và Pháp, đối với gia tộc Rothschild thì đây chính là cơ hội hiếm có để làm giàu.
Khi cả hai nước Anh và pháp ban hành lệnh cấm vận lẫn nhau thì hàng hóa của Anh rất có giá ở châu Âu. Nhìn thấy cơ hội kiếm tiền, Nathan đã liên lạc với người em của mình đang ở Pháp làJakob Mayer Rothschild để vận chuyển hàng hóa từ Anh sang Pháp, công việc này đã đem lại rất nhiều tiền cho họ.
Chỉ cần một cái nhíu mày, Nathan đã từng khiến cho Ngân hàng Anh náo loạn (Ảnh minh họa). |
Chưa dừng lại ở đó, Nathan sau đó đã làm quen với John Harris - một nhân vật quan trọng trong Bộ Tài chính Anh, và thông qua người này biết được quân Anh đang gặp khó khăn ở Tây Ban Nha.Lúc đó quân Anh do Huân tước Wellington chỉ huy đã chuẩn bị xong việc tấn công Pháp, nhưng cái thiếu duy nhất lúc bấy giờ là lương thực.
Huân tước Wellington tuy có sự đảm bảo của Chính phủ Anhnhưng dù có tìm mọi cách ra sức thuyết phục thì cũng không được các ngân hàng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chấp nhận chi phiếu ngân hàng do ông ta đưa ra. Khi đó, đại quân của Huân tước Wellington đòi hỏi phải có vàng khẩn cấp để phục vụ cho cuộc chiến.
Khi biết được điều này, Nathan đã ngay lập tức lên kế hoạch kiếm trọn một mẻ lớn. Ông ta đã đi khắp nơi để hỏi nguồn vàng nhàn rỗi. Cũng may lúc đó có một lô vàng mới về do Công ty Đông Ấn vận chuyển đến và chuẩn bị đem ra tiêu thu. Đây là lô vàng mà Chính phủ Anh muốn đặt mua, chỉ có điều họ còn chần chừ muốn chờ giá vàng giảm mới chịu mua vào.
Sau khi nắm được tình hình, Nathan bèn lập tức dồn hết số tiền 3 triệu USD của Hoàng tử William cùng số tiền mình buôn bán hàng hoá kiếm được ở Anh để đặt mua trước một lượng vàng trị giá 800.000 bảng Anh của Công ty Đông Ấn và sau đó lập tức nâng giá vàng lên. Thấy giá vàng chỉ tăng mà không giảm trong khi tình hình quân đội ở tiền tuyến ngày càng nguy cấp nên Chính phủ Anh chỉ còn cách mua lại vàng từ tay của Nathan với giá cao hơn. Phi vụ này đã giúp Nathan kiếm được bộn tiền.
Phi vụ vận chuyển vàng cho Huân tước Wellington đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Nathan (Ảnh minh họa). |
Chưa dừng lại ở đó, Nathan tiếp tục đề xuất với Chính phủ Anh phương án hộ tống số vàng này đến cho Huân tước Wellington. Phương án này đã nhanh chóng được chấp thuận bởi Pháp khi đó đã phong tỏa đường bộ hết sức nghiêm ngặt đối với Anh. Và lẽ dĩ nhiên, số tiền Chính phủ Anh phải trả cho Nathan trong phi vụ này là không hề nhỏ.
Không ai có thể ngờ rằng, sau khi thương thảo xong với Chính phủ Pháp, Nathan liền bảo em trai mình là Jakob thông báo cho Chính phủ Pháp biết ông muốn vận chuyển vàng đến Pháp. Chính phủ Phápkhi đó đã rất vui mừng với thông tin này, bởi vì việc vàng chảy sang Pháp sẽ khiến cho khả năng tài chính của Anh suy yếu đi rất nhiều.
Nhìn thấy lợi ích đó, nhà cầm quyền Pháp đã lập tức hạ lệnh cho cảnh sát bảo vệ dọc tuyết đường vận chuyển vàng của Nathan, thậm chí một số quan chức còn được hối lộ những khoản tiền lớn để “mắt nhắm mắt mở” cho số vàng có thể tới tay Huân tước Wellington.
Bởi số vàng mà Nathan nhận vận chuyển có thể đem lại lợi ích cho cả Anh và Pháp nên không có gì ngạc nhiên khi chúng được nhập một cách chính thức vào ngân hàng Paris. Sau đó, trong bữa yến tiệc chào đón Nathan của chính phủ nước Pháp, ông ta đã ngấm ngầm phái người đem đổi toàn bộ số vàng này thành tiền vàng mà công tước Wellington đang cần, rồi vận chuyển đến tay quân Anh ở Tây Ban Nha thông qua hệ thống bí mật của gia tộc Rothschild.
Kẻ khiến Ngân hàng Anh khiếp sợ
Trước những sự việc và các phi vụ làm ăn của Nathan, một nhân vật ngoại giao của Bỉ thường trú ở Anh đã nói rằng: “Sự ảnh hưởng của Rothschild đối với nền tài chính ở đây (London) lớn đến mức đáng sợ. Họ hoàn toàn quyết định giá giao dịch ngoại hối của thành phố tài chính London. Khi Nathan nổi giận thì Ngân hàng Anh cũng phải run rẩy”.
Một lần, Nathan cầm một tờ chi phiếu được mở bởi ngân hàng Rothschild tới Ngân hàng Anh để đổi thành hiện kim.Nhưng lấy lý do là chỉ đổi chi phiếu do mình phát hành, ngân hàng này đã từ chối. Nathan tức giận vô cùng. Sáng hôm sau ông ta đã dẫn theo 9 nhân viên của mình, đem theo một xấp chi phiếu của ngân hàng Anh đến và yêu cầu đổi ra vàng, chỉ trong một ngày đã khiến lượng dự trữ vàng của Ngân hàng Anh giảm xuống rõ rệt.
Ngày thứ hai, Nathan lại đem đến nhiều chi phiếu hơn. Một quản lý cao cấp của Ngân hàng Anh lập bập hỏi Nathan còn muốn đổi trong mấy ngày nữa, Nathan lạnh lùng trả lời: “Ngân hàng Anh từ chối nhận chi phiếu của tôi, tội gì tôi còn phải cần nó?”.
Nhận thấy sự tức giận của Nathan có thể khiến mình sụp đổ, Ngân hàng Anh khi đó đã phải lập tức triệu hồi cuộc họp khẩn cấp. Sau đó quản lý cao cấp của Ngân hàng Anh đã phải hạ mình thông báo cho Nathan biết rằng, từ nay về sau, Ngân hàng Anh sẽ rất hân hạnh được quy đổi tất cả những chi phiếu do Rothschild phát hành.
Câu chuyện này đã cho ta thấy, Nathan chỉ cần một cái nhíu mày cũng đã có thể kiểm soát được trung tâm tài chính London, từ đó nắm giữ mạch máu của nền kinh tế Anh.