Thạc sĩ, bác sĩ Lan Hải đã từng đề cập đến những tình huống khiến con hư mà cha mẹ không biết. Theo đó, ThS, BS Lan Hải kể, một bạn của tôi lên vùng cao thấy học sinh khi đi học về, gặp người lớn đều chào rất lễ phép, nhưng khi cùng cha mẹ đi thăm nhà ai đó hoặc đi chơi đâu về thì lại không chào. Hỏi ra mới biết, ở trường thầy cô dạy: “Khi đi học về nhà gặp người lớn là phải khoanh tay nói: “Con chào bố mẹ con đi học về” hoặc: “Cháu chào bác (chú, cô, dì...) cháu đi học về”, nên các em thực hiện rất bài bản. Còn ở nhà hoặc đi đâu chẳng thấy bố mẹ nói gì nên thôi không làm.
Các con đến lớp lễ phép với thầy cô, thân ái với bạn bè, còn phụ huynh chen nhau đứng chờ con ở cổng trường chẳng may giẫm vào chân nhau hay va quệt xe thì lại quay qua nói những lời rất khiếm nhã với nhau.
Ở câu chuyện khác, một phụ huynh kể, hôm ấy trời tối nhập nhoạng rét mướt, chị đi đón con thì thấy một bé gái đứng co ro cạnh cổng trường vắng vẻ. Thương bé, mẹ con chị ở lại đợi cùng vì không đành lòng về trước. Gần 20 phút sau mẹ cháu phóng xe đến, miệng gầm rít vì bố quên đón. Con bé sợ mẹ thin thít leo lên xe, chỉ dám ngoái đầu lại lí nhí cảm ơn, còn bà mẹ phóng xe đi thẳng, vừa đi vừa chửi chồng.
Một phụ huynh khác kể trên mạng xã hội: Sáng thứ bảy đón con ở lớp học thêm. Trong lúc đứng chờ trước cổng trường thì một cháu học sinh đến: “Chú ơi cho con gọi nhờ điện thoại báo bố con đến đón với”. Coi con người cũng như con mình nên anh ấy gọi giùm luôn. Đổ chuông được 2 hồi thì bên kia ngắt. Chờ vài phút gọi lại, kết quả vẫn thế. Cháu bé tần ngần: “Cho con gọi mẹ con vậy”.
Anh ấy lại bấm số. Cũng lại hai hồi chuông thì báo “User busy”. Thằng bé cứ ngẩn ra lẩm bẩm: “Sao lại thế nhỉ!?”. Anh ấy đành nhắn một cái tin cho bố cháu để biết đường đến đón con kẻo lại thấy số máy lạ không biết ai gọi gì. Đứng một lúc lâu thì bố cháu đến đón. Thằng bé chạy đi mấy bước còn quay lại: “Con cám ơn chú!” trong khi ông bố lầm lì rồ ga phóng thẳng, không nói một lời.
Ra đường ngày nay thấy rất nhiều trẻ em không biết giữ vệ sinh chung hoặc thản nhiên vi phạm luật giao thông. Tất cả những kiến thức này nhà trường đều đã dạy nhưng tại sao các em vẫn vi phạm. Và câu chuyện của Thạc sĩ, bác sĩ Lan Hải sau đây chính là câu trả lời.
Đi chơi công viên, thấy lon bia con định cúi xuống nhặt thì bố tiện chân đá văng đi cho rộng đường, con hỏi sao mình không lượm bỏ thùng rác thì bố bảo: “Việc ấy là của mấy công nhân vệ sinh môi trường”.
Một thầy giáo đang chạy xe trên đường ngay sau cặp vợ chồng chở đứa con mặc đồng phục học sinh và quàng khăn đỏ, bỗng nghe “bịch! bịch!” và 3 ly chè ăn xong được bà mẹ liệng xuống đường. Thầy chạy lên nhắc: “Sao chị không bỏ vào thùng rác ngay kia ạ?” thì ông chồng quay qua nói lớn: “Uống xong không vứt thì cầm làm đếch gì?”, bà vợ phụ họa: “Đàn ông mà nhiều chuyện thấy ớn”. Thầy hơi bị choáng với câu trả lời của hai “đấng sinh thành” trước mặt đứa con của mình.
Nhiều bậc phụ huynh đưa con đi học, sợ trễ giờ, sẵn sàng vượt đèn đỏ. Nếu kẹt xe, có người còn chở con leo lên vỉa hè như một làn đường dự phòng. Các bé lúc đầu còn mắc cỡ, ngại ngùng nhắc bố mẹ nhưng sau khi nghe giải thích: “sợ trễ...” thì từ đó còn reo hò thúc giục bố mẹ như trong cuộc đua kỳ thú (!)…
Nhiều bậc cha mẹ thường có câu than vãn cửa miệng rằng: “Sao tôi đàng hoàng thế này mà con lại hư hỏng?”. Rồi vẫn phê bình nhà trường dạy đạo đức cho học sinh không tốt và đổ lỗi việc con mình kém ngoan là do nhà trường. Nhưng có một thực tế là trẻ con bậc mầm non và tiểu học lễ phép và kỷ luật ở lớp, chứng tỏ nhà trường dạy rất kỹ trong khi chính đứa trẻ ấy lúc ở nhà hoặc đi chỗ khác lại không làm được như vậy.
Phải chăng ở môi trường khác, các em không được “văn ôn võ luyện” và đang dần học theo cái xấu của người lớn? Hay nói cách khác nhà trường chỉ dạy được học sinh, chứ đâu có dạy được dạy phụ huynh.