Con vào viện tâm thần vì cha mẹ nói xấu nhau

(PLO) - Cha mẹ xích mích, ly hôn xong lại đẩy mẫu thuẫn ấy cho con cái gánh chịu khiến lũ trẻ con phải khốn khổ trong mớ bòng bong tới mức phát điên. 
Minh họa nguồn internet
Minh họa nguồn internet
Bênh cha, coi mẹ như kẻ thù
Bi kịch ấy xảy ra trong gia đình anh Dương Hải và chị Lê Thị Liêm ở Phú Thọ. Vì miếng cơm, manh áo hàng ngày và mâu thuẫn về lối sống, anh Hải và chị Liêm luôn sống trong cảnh “cơm sượng, canh nát”. Họ không ngần ngại chửi bới, mạt sát nhau trước mặt hai đứa con đang tuổi lớn. Không muốn bị thua cuộc trong những lần “khẩu chiến”, cả hai ra sức nói xấu và lôi kéo các con về phía mình. 
Một lần, hai lần rồi rất nhiều lần như thế, hai anh em Dương Công Lý và Dương Xuân Xuyên phải sống trong cảnh đứa bênh bố, đứa bênh mẹ. Gia đình họ chia thành hai phe. Mỗi khi xung đột xảy ra, thay vì khuyên can, Lý và Xuyên nhảy bổ vào cuộc chiến “quân ta” chửi “quân mình”.
Xuyên bênh mẹ, Lý bênh bố, chúng không từ lời nói hỗn hào, độc địa nào đối phó với người sinh thành ra mình để giành phần thắng. “Được” hai con “cổ vũ”, vợ chồng họ thi nhau đập phá tài sản, đánh đập nhau khiến mâu thuẫn gia đình ngày càng trầm trọng. Không sống cùng được trong cảnh đó, họ ly thân nhưng vẫn chung nhau mảnh ruộng.
Ngỡ không sống cùng nhau thì chuyện cãi vã sẽ biến mất, ai ngờ mối thù hằn của đôi vợ chồng ấy không dứt, kéo theo hai đứa con chẳng coi bố mẹ ra gì. Một buổi chiều, Lý đi xát gạo, thấy mẹ đang hái rau, Lý dừng xe hất hàm, quát: “Bà dám hái rau trên ruộng của bố con tôi à? Có nhanh mà biến không, nếu không đừng trách thằng này!”. 
Thấy con trai dám quát, dọa nạt mình, chị Liêm tức giận chửi con loạn cả xóm làng. Mọi người đang gặt gần đó vội ngăn và đẩy Lý đi. Một mình uất ức về nhà, chị Liêm vội kể với con trai út: “Thằng Lý láo toét quá, dám chửi mẹ, mày phải trả thù cho mẹ!”. 
Nghe vậy, Xuyên lôi mẹ sang nhà bố. Thấy mẹ và em sang, Lý nhổ nước bọt. Thấy vậy, chị Liêm lấy đòn gánh ra đánh. Lý tránh được, đánh lại mẹ mình. Chị Liêm choáng váng, ngất xỉu. Lý còn định đánh người em trai thì mọi người chạy đến kịp can ngăn. Chị Liêm được hàng xóm chở đi cấp cứu. 
Trong lúc đó, thấy anh Hải đi làm về, Lý mách: “Mẹ con chúng nó kéo tới bắt nạt con”. Anh Hải tức giận lôi con trai sang nhà chị Liêm để xử “mẹ con chúng”. Nhà không có ai, Lý và bố đập phá tài sản của chị Liêm “cho bõ tức”.
Lặng lẽ ngồi khóc tại phiên tòa, anh Hải và chị Liêm mãi không bao giờ tha thứ cho mình khi chứng kiến con trai Dương Công Lý bị Tòa án xử phạt 3 năm tù vì tội “Cố ý gây thương tích” cho mẹ của mình với tỷ lệ thương tật là 13%. 
Vào bệnh viện tâm thần vì... lời thủ thỉ của cha mẹ 
Cùng bi kịch “lôi bè, kéo cánh” ấy còn có gia đình Nguyễn Thành Tích (SN 1972) và Lủ Vương Mơ (SN 1974) ở Bắc Kạn. Không sống được với nhau, cả hai giành việc nuôi con. Tuy Tòa phán xử bé Thảo được quyền ở với mẹ nhưng Tích không nghe, cho rằng Mơ không đủ tư cách nuôi dạy con. Hàng ngày, Tích đến nhà vợ cũ, không quên đem theo cuốn sổ nợ mà Mơ chơi cờ bạc. 
Mơ phát hiện và can ngăn thì bị Tích dọa đánh và nói: “Để con bé biết rõ bộ mặt của mày!”. Tích “nhồi nhét” chuyện Mơ bỏ đi cờ bạc, lô đề tối ngày vào tai bé Thảo, mong cô bé “hiểu” và về sống với mình.
Cũng không vừa, đêm đêm Mơ rủ rỉ kể cho con nghe về sự bất tài, lỗ mãng, trăng hoa của Tích. Từ thái độ yêu thương, kính trọng bố mẹ, Thảo tỏ ra hằn học với cả hai bậc sinh thành của mình. Cô bé mới 9 tuổi luôn sống trong căng thẳng, đau đớn khi phải nghe những chuyện “tày đình” của người lớn. 
Học hành sa sút, sức khỏe suy sụp, Thảo mắc chứng hoang tưởng. Cô bé cười, khóc trong vô thức. Giờ đây, ngôi nhà của bé Thảo là bệnh viện tâm thần.
Ám ảnh khôn nguôi
Cách đây không lâu, nhà văn người Mỹ Marina Sbrochi chuyên viết về đề tài biến cố gia đình đã dành 3 năm để gần gũi và lắng nghe tâm sự của những người con từng là nạn nhân của những trò “kết bè, kéo cánh” xúi giục “quân ta” đánh “quân mình” của các ông bố, bà mẹ. 
Và nhà văn này nhận thấy, việc người bố hoặc người mẹ liên tục nói xấu về vợ/chồng của mình sẽ gây nên những ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển nhận thức của con cái. Những lời nói không hay về vợ/chồng nếu liên tục lặp đi lặp lại sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới tâm trí trẻ thơ, trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi ngay cả khi các em đã trở thành những người trưởng thành.
Còn theo nhà tâm lý An Nhiên – chuyên gia tâm lý của Trung tâm Tâm lý Gia đình Hà Nội, khi bố mẹ bất hòa hoặc ly hôn, chắc chắn con trẻ sẽ không tránh khỏi sự buồn tủi, mặc cảm và xấu hổ với bạn bè. Nếu cộng thêm vào đó chúng phải hứng chịu “cơn bão” ngôn từ nói xấu từ bố mẹ nữa thì bi kịch là điều khó tránh khỏi. Có rất nhiều trẻ rơi vào trạng thái buồn bã, chán nản, căng thẳng và thiếu tự tin, dẫn tới dẽ bị sa vào các tệ nạn xã hội. 
“Nếu không duy trì được mối quan hệ tốt khi còn là vợ chồng hoặc sau ly hôn, thì ít nhất bạn cũng phải là người bố, mẹ tốt để giúp con vững bước trong tương lai, chứ đừng chỉ vì lòng ích kỷ, nhẫn tâm và kém hiểu biết mà giáng những tấn bi kịch lên đầu chính những đứa con thơ dại, yêu quý của mình” - nhà tâm lý An Nhiên khuyên. 

Đọc thêm