Công cha như núi Thái Sơn sự ví von bắt nguồn từ tâm linh

(PLVN) - Người Việt Nam chúng ta ai ai cũng thuộc lòng câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Mặc dù là ca dao nằm lòng nhưng mấy ai biết được núi Thái Sơn ở đâu? Vì sao ông bà ta lại ví công ơn của người cha cao như núi Thái Sơn?
Công cha như núi Thái Sơn sự ví von bắt nguồn từ tâm linh

Núi thiêng xứ Hoa Hạ

Cách đây không lâu, có một phật tử đã hỏi Tổ biên tập của Báo Giác ngộ - cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM rằng: “Từ khi còn bé, chúng tôi đã được nghe câu “Công cha như núi Thái Sơn…”. Và trong suy nghĩ của chúng tôi, Thái Sơn hẳn là ngọn núi cao lớn, vĩ đại nhất nên được ví như tình thương và công đức của người cha.

Nhưng gần đây, chúng tôi mới biết Thái Sơn là một ngọn núi ở bên Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam, với lại đây là một ngọn núi có chiều cao khá khiêm tốn, thậm chí còn thấp hơn một số ngọn núi ở nước ta nữa. Xin hỏi Thái Sơn có những đặc điểm văn hóa, lịch sử gì mà được người đời dành cho một vị trí và tình cảm trang trọng như thế?”.

Câu trả lời là Thái Sơn nằm về phía Bắc thành phố Thái An - thủ phủ tỉnh Sơn Đông, là Đông nhạc trong Ngũ nhạc (5 ngọn núi lớn) của Trung Quốc. Thái Sơn được người Trung Hoa tôn xưng là “Hoa Hạ thần sơn” (Núi thiêng ở xứ Hoa Hạ - Trung Quốc).

Chiều cao của Thái Sơn khá khiêm tốn chỉ 1.545m, nếu so sánh với đỉnh Phanxipăng (Việt Nam) cao 3.143m và “nóc nhà thế giới” Everest cao 8.850m thì Thái Sơn thấp hơn nhiều. Dù vậy, Thái Sơn vẫn là biểu tượng của nền văn minh và tín ngưỡng của Trung Quốc cổ đại và cả đương đại. 

Truyền thuyết về Thái Sơn, theo sách Thuật Dị Ký của Nhiệm Phưởng, thế kỷ VI, viết: “Ngày xưa khi Bàn Cổ chết, truyền rằng đầu của Bàn Cổ là Đông nhạc, bụng là Trung nhạc, tay trái là Nam nhạc, tay phải là Bắc nhạc và hai chân là Tây nhạc. Các văn nhân ngày xưa kể rằng nước mắt của Bàn Cổ là sông, hơi thở là gió, giọng nói là sấm, đồng tử trong mắt là ánh sáng...”.

Theo thần thoại Trung Hoa, Bàn Cổ là vị thần đầu tiên sáng tạo ra thế giới, vạn sự vạn vật trong trời đất. Khi Bàn Cổ chết, đầu mình và tay chân biến thành năm ngọn núi, gọi là Ngũ nhạc (bao gồm Hằng Sơn, Hành Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và

Tung Sơn). Thái Sơn nằm ở hướng Đông, nơi mặt trời mọc, tương truyền là đầu của Bàn Cổ hóa thành, do đó Thái Sơn là biểu tượng cho sự ra đời, sáng tạo và hồi sinh. 

Thái Sơn chính là nơi cát tường phát sinh của muôn vật, biểu trưng cho quyền lực chính trị của vua chúa. Vì thế, Thái Sơn là ngọn núi linh thiêng nhất, đứng đầu trong Ngũ nhạc được tôn xưng “Ngũ nhạc độc tôn”.

Theo quan niệm của người Trung Quốc, “Thái Sơn an thì bốn biển đều an” nên các vị đế vương của các triều đại phong kiến Trung Quốc trong hơn hai ngàn năm lịch sử đều tế lễ trọng hậu tại Thái Sơn. Lễ tế tại Thái Sơn gọi là Đại lễ phong thiền, biểu trưng cho sự ổn định, củng cố chính quyền, đất nước thịnh vượng, phát triển và đoàn kết toàn dân.

Ngoài Đại lễ phong thiền, Thái Sơn còn là nơi thánh địa với rất nhiều đền, chùa, miếu vũ và là nơi các tao nhân mặc khách của nhiều thế hệ lịch sử lưu bút, đề thơ kết hợp cùng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp đã làm cho Thái Sơn trở thành ngọn núi uy linh bậc nhất. Người Trung Quốc rất tự hào về Thái Sơn qua hai câu ngạn ngữ: “Ngũ nhạc quy lai bất khán sơn/Thái Sơn quy lai bất khán nhạc”.

Nghĩa là những ai đã từng du ngoạn qua Ngũ nhạc thì không cần phải đến bất cứ ngọn núi nào trong thiên hạ làm gì nữa; nhưng nếu đã du ngoạn Thái Sơn trước thì 5 ngọn núi kia không cần phải tham quan làm gì. Điều đó cho thấy được sự độc đáo và hoành tráng của rặng Thái Sơn.

Năm 1987, Thái Sơn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Hội đồng Di sản thế giới đánh giá về Thái Sơn: “Là đối tượng triều bái của các đế vương trong hơn hai nghìn năm qua, các kiệt tác nhân văn trong núi hội nhập một cách hoàn mỹ và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Thái Sơn là dòng suối nguồn về tinh thần của các nhà nghệ thuật và học giả Trung Quốc, là biểu tượng của nền văn minh và tín ngưỡng của Trung Quốc cổ đại”.

Từ những giá trị văn hóa và lịch sử trên, trong tâm thức người Trung Quốc và Á Đông nói chung từ bao đời nay, Thái Sơn biểu trưng cho sự linh thiêng, to lớn, cao cả, vững chãi, phát tiết, sinh trưởng là yếu tố dương trong quan hệ âm dương, hai thành tố cơ bản của vũ trụ và cấu trúc vạn sự vạn vật. Vì vậy mà người xưa ca ngợi “Công cha như núi Thái Sơn”.

Trong một bài viết của mình, tác giả Ngọc Thu cũng lý giải thêm: “Tại sao ca dao Việt Nam lại ví công lao của người cha to lớn như núi Thái Sơn? Như chúng ta đã biết, ở Việt Nam đã có một giai đoạn lịch sử Nho giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần của người dân Việt.

Vì vậy, không có gì lạ khi “núi Thái Sơn”, quê hương của Khổng Tử xuất hiện trong ca dao Việt Nam để nói lên công ơn của người cha cao vời vợi tựa như núi Thái Sơn, đứng giữa bầu trời trong sáng và trở thành ánh thái dương soi đường chỉ lối, dẫn dắt các con đi đúng đường hướng”. 

Hiểu tình cha mạnh mẽ, thấu tình mẹ ngọt ngào

Quay trở về với câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, có thể nói cách thể hiện tình cảm của ca dao thật trữ tình khi người xưa so sánh cái trừu tượng như công cha, nghĩa mẹ với cái cụ thể như núi Thái Sơn, nước trong nguồn. 

Mang núi Thái Sơn ví với công cha, người xưa muốn nói lên một cách cụ thể để chỉ công cha thật là lớn lao, như ngọn núi Thái Sơn hùng vĩ. Ở câu ca dao khác, người xưa từng so sánh: “Công cha như núi ngất trời”. Núi Thái Sơn hay núi ngất trời cũng cùng chung một ý nghĩa rằng công lao của cha vô cùng to lớn, chúng ta không thể nào đo đếm được. Đó là những hình ảnh chỉ một khối lượng vô tận.

Nói về nghĩa mẹ, sự liên tưởng chuyển sang một mức độ cụ thể hơn, gần gũi hơn là nước trong nguồn chảy ra không bao giờ cạn. Trong một câu ca dao khác, nghĩa mẹ được so sánh như nước ngoài biển Đông. Nước trong nguồn hay nước biển Đông đều vô tận, không bao giờ hết, không bao giờ ngừng chảy, không bao giờ cạn. 

Cách so sánh đó thật tài tình và chứng tỏ người xưa rất hiểu quy luật của tự nhiên mà vận dụng vào đời sống. Hiểu tình cha mạnh mẽ, vững chắc, thấu tình mẹ thật ngọt ngào vô tận và trong sáng. Ân nghĩa đó to lớn, sâu nặng biết bao, chỉ có những hiện tượng to lớn bất diệt của thiên nhiên kỳ vĩ mới có thể so sánh bằng.

Có một câu chuyện rằng, vì bực mình với cha mình hay làm đổ đồ ăn ra bàn, làm vỡ bát cơm nên người con trai cho cha ngồi riêng một góc với chiếc bát gỗ. Cho đến ngày anh ta thấy con trai nhỏ của mình đang đẽo một chiếc bát gỗ.

“Để sau này cha già con cho cha ăn bằng chiếc bát này”. Người con trai sực tỉnh hiểu rằng “Gieo nhân nào thì gặt quả nấy”, ở hiền gặp hiền, ở ác gặp ác. Con cái chúng ta sẽ nhìn vào cách cư xử của bố mẹ với ông bà mà học tập. Bạn đối xử với bố mẹ mình thế nào thì sau này con cái bạn cũng sẽ đối xử với bạn đúng như thế. Đó chính là luật nhân quả ở đời.

Hiểu là vậy, thế nhưng ở đời vẫn luôn có một nghịch lý, chúng ta rất dễ nói lời yêu thương ai đó, ngoại trừ cha mẹ của mình. Nói một câu yêu thương vốn là điều rất dễ dàng, nhưng sao khi dành cho cha mẹ lại trở nên khó khăn như thế?

Những người con thường tự lừa dối bản thân rằng thời gian, khoảng cách đang đẩy mình và cha mẹ ngày một xa nhau. Nhưng dù có vượt qua được hàng trăm nghìn cây số, quay lại cách đây vài năm thì chắc gì mỗi người sẽ vượt qua được sự ngại ngùng và vô tâm của mình với cha mẹ.

Cuộc đời rất ngắn, chẳng mấy chốc mà cha mẹ rời xa, có khi chưa kịp thấy con mình trưởng thành, khôn lớn. Thế nên, hãy yêu thương cha mẹ mình thật nhiều khi còn có thể, vì chúng ta chỉ có mình họ trong cuộc đời này.

Đọc thêm