Công chứng viên được làm việc theo chế độ hợp đồng?

 Bộ Tư pháp cho rằng, quy định về việc công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng cho văn phòng công chứng sẽ giải quyết những bất cập từ thực tiễn hiện nay.
Bộ Tư pháp cho rằng, quy định về việc công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng cho văn phòng công chứng sẽ giải quyết những bất cập từ thực tiễn hiện nay.

Có “đất” cho công chứng viên hành nghề

Lý giải về điều này, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến nhấn mạnh: đây là quy định nhằm giải quyết bất cập của mô hình văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập hiện nay, khi công chứng viên bị ốm đau dài ngày, hoặc có công việc phải vắng mặt, nghỉ phép thì không có công chứng viên thường trực tại trụ sở để phục vụ dân.

Bà Yến cho biết thêm: kể cả văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập cũng có thể có nhu cầu bổ sung công chứng viên khi khối lượng công việc của văn phòng tăng lên, song lại không muốn bổ sung thành viên hợp danh vì liên quan đến vấn đề quản lý văn phòng. Vì vậy, việc bổ sung công chứng viên cho văn phòng công chứng không với tư cách thành viên hợp danh cũng là cần thiết và phù hợp.

Trong quá trình lấy ý kiến dự thảo thay thế Nghị định 02 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, Bộ Tư pháp cũng cho biết: đa số ý kiến Bộ, ngành, nhất là của địa phương đều tán thành với quy định của dự thảo luật, vì quy định này sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại trong hoạt động công chứng hiện nay liên quan đến vấn đề này.

Ngoài việc bổ sung nhân lực, quy định nói trên cũng để đảm bảo quyền lợi của công chứng viên sau khi được bổ nhiệm nếu chưa có điều kiện để thành lập văn phòng công chứng hoặc hợp danh với văn phòng công chứng đang hoạt động, khuyến khích phát triển các văn phòng công chứng có quy mô lớn, nhiều công chứng viên, hoạt động chuyên nghiệp.

Lo “vượt” Luật

Ủng hộ quan điểm nói trên nhưng theo Phó vụ trưởng Vụ Hành chính- Tư pháp Nguyễn Văn Toàn thì các công chứng viên nên ký với nhau hợp đồng hợp tác hành nghề thay vì hợp đồng lao động. Ông Toàn giải thích: “Công chứng viên hành nghề với tư cách bình đẳng như nhau vì thế, nếu ký hợp đồng lao động sẽ làm mất tư thế của công chứng viên khi một bên là chủ, bên kia là người làm thuê”.

Cũng có một số ý kiến quan ngại, quy định nêu trên là mới so với Luật Công chứng và đề nghị chỉ nên “khoanh vùng” trong phạm vi những gì luật cho phép. Dự liệu vấn đề này, Vụ trưởng Đỗ Hoàng Yến cho biết: dự thảo đã quy định thủ tục chặt chẽ khi công chứng viên ký kết hợp đồng làm việc với văn phòng công chứng, quy định mối quan hệ và trách nhiệm của công chứng viên với văn phòng công chứng trong trường hợp công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng.

Đặc biệt, Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định: Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng làm việc với công chứng viên, thì trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng làm việc, văn phòng công chứng phải thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hợp đồng đến sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động.

Công chứng viên không được ký văn bản công chứng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng làm việc với văn phòng công chứng.

Văn phòng công chứng đang hoạt động được ký hợp đồng làm việc với công chứng viên để bổ sung công chứng viên cho văn phòng với tư cách không phải là thành viên hợp danh. Trong thời hạn làm việc theo hợp đồng tại văn phòng công chứng, công chứng viên không được đồng thời ký hợp đồng để hành nghề công chứng tại một văn phòng công chứng khác.

(Điều 12 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng)

Việt Hòa

Đọc thêm