Công dân sẽ được "đánh số" từ lúc sinh đến chết?

“Mỗi một cá nhân sẽ được cấp một mã số, mã này chỉ được cấp một lần trong đời vào lúc họ đăng ký khai sinh và được sử dụng cho đến chết”, ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp cho biết về dự án Luật hộ tịch.

“Mỗi một cá nhân sẽ được cấp một mã số, mã này chỉ được cấp một lần trong đời vào lúc họ đăng ký khai sinh và được sử dụng cho đến chết”, ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp cho biết về dự án Luật hộ tịch.

Ảnh minh họa

Hôm qua (29/12), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo Luật hộ tịch, Ban soạn thảo đã tiến hành họp phiên thứ nhất.

Ông Trần Thất cũng nhận định: thời gian qua công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những hạn chế như hệ thống văn bản pháp luật phân tán, phức tạp, trình tự thủ tục, thẩm quyền đăng ký còn rườm rà, nhiều cấp, cơ sở dữ liệu lớn nhưng thủ công và hiệu quả khai thác kém. Việc xây dựng Luật Hộ tịch hướng đến thân thiện với người dân, tiện lợi cho quản lý nhà nước.

Luật có hiệu lực mới cấp mã số

Thực tế, vấn đề mã số cá nhân cũng từng được bàn luận đến trong các thập niên trước đây. Hiện mã số cá nhân chưa được áp dụng trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch.

Một số loại mã số cá nhân đang được áp dụng ở nước ta để phục vụ cho hoạt động quản lý của một số ngành như số CMND, số hộ chiếu, mã số thuế cá nhân, mã số bảo hiểm xã hội…

Trong các mã số nêu trên thì số CMND là phổ biến nhất, được áp dụng cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên. 

Như vậy, mã số CMND đã được thừa nhận như một mã số cá nhân. Tuy nhiên, theo Tổ biên tập, hạn chế của mã số này là chỉ được cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, người dưới 14 tuổi không được cấp.

Một trong những vấn đề mà dự thảo Luật hộ tịch đề cập đó là việc cấp mã số cá nhân. Dự thảo luật hộ tịch quy định việc thực hiện cấp mã số cá nhân ngay từ khi đăng ký khai sinh lần đầu cho công dân.

“Theo phương án này thì tất cả mọi công dân đều có mã số cá nhân ngay từ khi mới sinh ra. Quá trình cấp mã số cá nhân sẽ được thực hiện theo quy định chuyển tiếp, chỉ thực hiện cấp mã số cá nhân cho những trường hợp đăng ký khai sinh mới kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, sau một khoảng thời gian nhất định chúng ta sẽ có được toàn bộ mã số của công dân. Vấn đề này Luật sẽ quy định trách nhiệm của Chính phủ”, ông Thất nói rõ hơn.

Trước đề xuất cấp mã số cá nhân, ông Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an thông tin: hiện nay việc cấp số định danh (theo quy định của Nghị định 90 về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) Công an đang làm. Trong mã số định danh đó đã bao gồm cả mã số thuế, mã số hộ tịch, chứng minh thư nhân dân… với chi phí khoảng 5 ngàn tỷ đồng. Ông Quân cho rằng vì đã có dự án này nên không nên đặt ra mã số cá nhân trong lĩnh vực hộ tịch.

Đại diện đến từ Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cũng phân vân: “ngành Công an đang làm rồi mà Tư pháp làm nữa sẽ khó”. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính lại ủng hộ: mã số cá nhân là vấn đề cực kỳ văn minh, có thể dùng thay cả cho mã số thuế. Nếu triển khai được thì rất tốt nhưng cần đánh giá rõ hơn về những tác động của nó.

Hiện nay, đa phần các nước trên thế giới đều thực hiện việc cấp mã số cá nhân (có thể bằng nhiều tên gọi khác nhau). Thuận tiện lớn của việc này là tất cả các dữ liệu về cá nhân chỉ cần tích hợp qua mạng điện tử là sẽ cho kết quả. Điều này rất thuận lợi cho việc tra cứu cũng như công tác quản lý nhà nước.

Tất cả các việc đăng ký hộ tịch: giao xã làm

Hiện nay theo quy định của pháp luật về hộ tịch, 4 cấp đều làm công tác quản lý, trong đó 3 cấp vừa quản lý vừa trực tiếp đăng ký hộ tịch. Theo Bộ Tư pháp, chính vì quy định như vậy dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý lại sa vào giải quyết những sự vụ cụ thể.

Khắc phục tình trạng này, dự thảo quy định hộ tịch viên cấp xã sẽ giúp UBND cấp này quản lý hộ tịch ở địa phương, thực hiện tất cả các công việc về hộ tịch, cả khai sinh, khai tử, kết hôn, thay đổi cải chính hộ tịch….cho mọi trường hợp cả trong nước và có yếu tố nước ngoài. Có thể nói, quy định trên là một sự “đột phá” lớn. Theo đó, việc đăng ký ở cả cấp huyện và cấp Sở như hiện nay sẽ không còn tồn tại.

Trù tính những khó khăn của việc phân cấp về một đầu mối cho cấp xã, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương sau khi dẫn chứng nhiều ví dụ thực tế ngay trên địa bàn nội thành Hà Nội, tỏ rõ sự băn khoăn: cả những việc có yếu tố nước ngoài mà đưa xuống cấp xã với số lượng, chất lượng cán bộ hộ tịch cấp xã hiện nay có thể giải quyết được không?. Chưa kể công tác phối hợp với các ngành, lưu trữ…

Nhiều ý kiến đồng tình với ông Phương vì lo ngại phân cấp sẽ dồn gánh nặng cho cơ sở, quá tải ắt dẫn đến làm sai, nhất là trong điều kiện hiện nay, cán bộ hộ tịch tư pháp cơ sở đang phải làm quá nhiều việc. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng về lâu dài thì nên thống nhất mô hình đăng ký hộ tịch mới cấp như dự thảo.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường:

 “Thực trạng đăng ký hộ tịch hiện nay rất bức xúc, đến Bộ trưởng  Bộ Tư pháp cũng không nắm được chính xác một năm có bao trẻ sinh ra, bao nhiêu trai, bao nhiêu gái, ở địa phương cũng vậy, như thế không thể tham gia hoạch định chính sách xã hội ở địa phương. Đây là điểm nghẽn lớn. Luật Hộ tịch phải hiện đại hóa dù làm từng bước, không bắt đầu thì không bao giờ hiện đại được. Luật cũng phải cải cách căn bản thủ tục hành chính, cái gì khó cơ quan nhà nước phải gánh chứ không thể bắt người dân chịu”.

Thu Hằng

Đọc thêm