Công nghệ tiếp thêm sức sống cho di sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Các điểm đến di sản trên cả nước ngày càng nỗ lực ứng dụng công nghệ khoa học hiện đại trong xây dựng các chương trình tour tham quan phát huy giá trị di sản, tăng cường trải nghiệm cho du khách. Từ những câu chuyện thành công điển hình cho thấy, thế mạnh công nghệ có ý nghĩa quan trọng trong việc “đánh thức” những tiềm năng di sản vẫn còn “ngủ say”.
Tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Nguồn: vanmieu.gov.vn).
Tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Nguồn: vanmieu.gov.vn).

Trải nghiệm ấn tượng với di sản Thủ đô về đêm

Không gian di sản về đêm thường khó khai thác hơn so với ban ngày bởi nhiều nguyên nhân, nhất là những bất lợi về ánh sáng. Tuy nhiên, nhiều điểm đến di tích tại Thủ đô đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp “đánh thức” di sản về đêm, biến những hạn chế thành lợi thế thông qua thế mạnh công nghệ. Một điển hình gần đây là Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khởi động hành trình trải nghiệm không gian di sản về đêm vào đầu tháng 11. Trước đó, các tour du lịch đêm được đưa vào hoạt động tại các điểm đến di sản khách như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Điểm chung của những tour đêm này đều là sử dụng kết hợp nhiều ứng dụng khoa học công nghệ để làm nổi bật giá trị di sản. Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám lấy “tinh hoa đạo học” làm chủ đề xuyên suốt, ứng dụng công nghệ trình chiếu ánh sáng dẫn dắt người xem hòa mình vào không gian lung linh, ấn tượng, đặc sắc, tinh tế của ngôi trường quốc học đầu tiên của đất nước khác hẳn so với ban ngày. Tour đêm mở đầu từ khu nhập đạo, đến khu thành đạt, vườn bia tiến sĩ, khu bái đường và kết lại tại khu thái học. Bên cạnh những câu chuyện thú vị, thế mạnh công nghệ đem đến nhiều hiệu ứng độc đáo, khác lạ, chỉ về đêm mới có được. Tại vườn bia tiến sĩ, công nghệ “biến” bia đá thành những cuốn sách thực thụ, đem đến những thông tin vô cùng giá trị về lịch sử khoa cử nhiều triều đại phong kiến. Trong khi đó, khu bái đường cho khách tham quan trải nghiệm sản phẩm công nghệ kính thực tế ảo để khám phá lịch sử hình thành và phát triển của Quốc Tử Giám - cái nôi đào tạo nhân tài đất nước suốt gần 800 năm. Điểm nhấn đặc biệt nhất nằm ở cuối hành trình tại khu thái học với màn trình chiếu 3D theo chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trên sân thái học lúc này biến thành một màn hình khổng lồ giúp cho khách tham quan khám phá những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt.

Không gian di sản về đêm bấy lâu nay vẫn được xem là buồn tẻ, nhàm chán nhưng xu hướng khai thác thế mạnh công nghệ hiện đại trong các tour di sản đã góp phần “đánh thức” những tiềm năng tưởng chừng bị bỏ quên với du lịch Thủ đô. Trước đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã triển khai ứng dụng công nghệ nhiều hoạt động quảng bá. Trong đó, để giới thiệu những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ năm 2002 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức không gian trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”. Đặc biệt, du khách tham quan được trải nghiệm công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng lại những hoa văn độc đáo của hiện vật để khách tham quan nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và tính sang quý của đồ gốm ngự dụng Hoàng cung Thăng Long.

Việc ứng dụng công nghệ được thực hiện đồng bộ nhiều năm qua tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, góp phần mang đến cho du khách những trải nghiệm mới qua nhiều sản phẩm như: ứng dụng thuyết minh tự động trên smartphone với 5 ngôn ngữ, màn hình chạm tương tác diễn giải lịch sử, trưng bày trực tuyến và tour tham quan ảo… Trong đó, từ năm 2018, điểm đến này đã đưa vào hoạt động một phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động thông minh giúp khách tham quan có thể đọc nội dung diễn giải, xem các hình ảnh minh họa, nghe và xem nội dung hướng dẫn tham quan dưới dạng video. Những sáng kiến công nghệ góp phần quảng bá, thu hút du khách, đồng thời nâng cao trải nghiệm tương tác, để lại ấn tượng độc đáo cho khách tham quan sau mỗi chuyên đi.

Nhiều điểm đến khác tại Thủ đô cũng hướng tới các giải pháp công nghệ để tăng thêm giá trị cho di sản, nhất là các khâu giới thiệu, quảng bá, quản lý du lịch. Đơn cử, Bảo tàng Lịch sử quốc gia có ứng dụng công nghệ số cho trưng bày “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam triển khai tour 3D “Chiến thắng Hà Nội 12 ngày đêm”. Di tích Nhà tù Hỏa Lò có kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng Spotify (ứng dụng nghe nhạc) và Apple Podcasts. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt sản phẩm tour tham quan trực tuyến 3D. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng giới thiệu tour tham quan 360 độ. Trung tâm Văn hóa nghệ thuật - 22 Hàng Buồm có không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”…

Bên cạnh việc sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, số hóa tư liệu, nhiều điểm đến di sản còn liên kết với các công ty chuyên về công nghệ để phát triển các nền tảng số như hỗ trợ ứng dụng công nghệ QR code tương tác tại các điểm tham quan, bảo tàng, di tích; công nghệ thuyết minh tự động (audio guide); công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR), công nghệ lưu trữ điện toán đám mây... nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Với cách tiếp cận gần gũi, tạo hứng thú, tò mò, các điểm di sản ngày càng tạo nên sức hấp dẫn lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, nhất là người trẻ, du khách nước ngoài.

Xu hướng du lịch thông minh

Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” lung linh trong ánh đèn về đêm. (Nguồn: hoangthanhthanglong.com)

Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” lung linh trong ánh đèn về đêm.

(Nguồn: hoangthanhthanglong.com)

Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang trở thành xu hướng tất yếu, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, công nghệ đã từng bước được đưa vào ứng dụng bảo tồn di sản thông qua việc số hóa các di tích, di sản văn hóa phục vụ lưu trữ, tiếp cận quảng bá đến muôn nơi. Không chỉ ở Thủ đô, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển du lịch thông minh cũng là xu thế chung của ngành Du lịch.

Đơn cử, tại Ninh Bình, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư là một trong các đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số hóa di sản. Nhằm phục vụ công tác trưng bày và quảng bá giá trị di tích cho du khách, Trung tâm đã đưa vào sử dụng hệ thống trình chiếu phối cảnh 3D tại khu vực nhà trưng bày “Di sản văn hóa thời Đinh - Tiền Lê”. Phối cảnh 3D sử dụng thủ pháp ánh sáng, trình chiếu công nghệ Mapping trên sa bàn, trình chiếu media trên tường. Nội dung chính là giới thiệu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư trong không gian Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An. Với du lịch thông minh, mỗi du khách đều có thể tìm thông tin, lên ý tưởng cho chuyến du lịch cho tới việc đặt và thanh toán chi phí các dịch vụ trên môi trường số. Hiện nay, du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR Code là có thể dễ dàng tìm hiểu, cập nhật được những thông tin hữu ích về điểm di tích.

Bên cạnh đó, cũng nhờ ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản từ sớm, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đạt được nhiều thành tựu “kép”. Theo một thống kê gần đây, Trung tâm đến nay đã số hoá hơn 25.000 trang tài liệu Hán Nôm, 172 hồ sơ (hồ sơ di tích, hồ sơ khảo cổ, hồ sơ di sản), 250 ảnh sắc phong, 295 ảnh thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Hai công trình di tích tiêu biểu là điện Thái Hòa và Hiển Lâm các được số hóa; cùng 206 hiện vật/bộ hiện vật, trong đó có 33 hiện vật/bộ hiện vật là bảo vật quốc gia... Hiện đơn vị này đang chuẩn bị số hóa 3D hơn 10.000 cổ vật, hiện vật mà Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang bảo quản và thử nghiệm kết nối lên không gian Thực - Số một số hiện vật quý của Cung đình Huế để có thể giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

Trước đó, từ năm 2019, Di tích Cố đô Huế đã có hệ thống thuyết minh tự động sử dụng 12 ngôn ngữ khác nhau tại khu vực Hoàng cung và các lăng tẩm. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã sử dụng công nghệ mã QRcode trong ứng dụng VN Guide để hỗ trợ thông tin cho du khách. Du khách đến với Đại nội Huế cũng có thể trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR “Đi tìm Hoàng cung đã mất”, tái tạo các công trình kiến trúc hoàng cung trong không gian đa chiều, giúp du khách chiêm ngưỡng không gian Hoàng cung Huế của hàng trăm năm trước.

Đọc thêm