Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương: Cam kết pháp lý để bảo vệ di sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là biểu tượng quyền lực của triều Nguyễn, là báu vật hoàng cung, báu vật quốc gia. Sự kiện ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” chính thức hồi hương ngày 18/11 vừa qua khiến nhiều người xúc động.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trong buổi lễ bàn giao để hồi hương về Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà - TTXVN)
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trong buổi lễ bàn giao để hồi hương về Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà - TTXVN)

Gần 8 thập kỷ lưu lạc

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đặt tên “Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ” của Hoàng đế Minh Mạng (1791 - 1841), cao 10,4cm, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7cm. Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời Vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7kg). Đế ấn in dòng chữ “Hoàng đế chi bảo” (Báu vật của hoàng đế). Ấn được truyền từ đời Vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, Vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30/8/1945 tại Ngọ môn Huế, đưa ra Hà Nội.

Tuy nhiên, cuối năm 1946 khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, bộ ấn và đôi kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8/3/1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn - kiếm cho Bảo Đại tại Đà Lạt, với tư cách khi đó là Quốc trưởng của một chính phủ được ông đại diện thành lập năm 1948. Bộ ấn kiếm sau đó được thứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại.

Ông Nguyễn Thế Hồng - Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc, chủ nhân Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là người chủ động tìm hiểu về chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” khi Nhà đấu giá Millon (Pháp) đưa ra thông tin về đấu giá cổ vật này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, ông Nguyễn Thế Hồng tham gia đàm phán và nỗ lực đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về.

Ông Nguyễn Thế Hồng đã chi hơn 153 tỷ đồng, mua thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Chiều 16/11/2023, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cùng đại diện Bộ Công an Việt Nam và đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO đã chứng kiến buổi lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho Việt Nam. Việc đưa báu vật hoàng cung trở về cũng có sự góp sức của các chuyên gia bảo tàng là TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia và TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là hai chuyên gia tham gia vào quá trình thẩm định hiện vật.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sau khi hồi hương từ Pháp về Việt Nam đã được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) của doanh nhân Nguyễn Thế Hồng từ ngày 18/11/2023. Dự kiến trước Tết Nguyên đán 2024 sẽ có một buổi lễ long trọng để ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” ra mắt tại Bảo tàng Nam Hồng của gia đình ông Nguyễn Thế Hồng. Báu vật của hoàng đế cũng được mong chờ sẽ xuất hiện tại các trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế.

Pháp luật quy định như nào?

Xung quanh sự kiện, nhiều quan điểm bày tỏ mong muốn cần có hành lang pháp lý để bảo đảm ấn vàng không bị lưu lạc lần nữa. Về điều này, ông Trần Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH,TT&DL cho biết pháp luật về di sản văn hóa có những quy định có liên quan đến ấn “Hoàng đế chi bảo”.

Trước khi Bộ VH,TT&DL chọn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính liên quan, Cục Di sản văn hóa và Công ty này đã ký cam kết. Theo đó: “Bên A và cá nhân ông Nguyễn Thế Hồng cam kết và bảo đảm ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ chỉ chuyển giao cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ VH,TT&DL, trên cơ sở phù hợp với quy định của Điều 43 của Luật Di sản văn hóa, sau một thời gian phù hợp khi Bên A không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày, phát huy giá trị tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh, Việt Nam. Chi phí chuyển giao bao gồm: chi phí trả cho việc thuê luật sư đàm phán, chi phí mua ấn vàng từ nhà đấu giá Millon (Pháp), chi phí đưa ấn vàng về nước”.

Về vấn đề pháp luật về di sản văn hóa có những quy định có liên quan đến ấn “Hoàng đế chi bảo”, theo ông Trần Thành, những quy định nằm trong các Thông tư hướng dẫn bao gồm một Thông tư quy định về việc di vật, hiện vật, bảo vật quốc gia được đưa ra nước ngoài chỉ với mục đích tuyên truyền, bảo quản và bảo vệ; một Thông tư quy định về loại di vật, cổ vật không được đưa ra nước ngoài, trong danh mục có đề cập đến những ấn tín không được đưa ra nước ngoài. Các quy định của pháp luật này cũng quy định trình tự cũng như thẩm quyền xem xét thẩm định của Cục Di sản văn hóa với các loại di vật cổ vật để xác định xem phép mang ra nước ngoài hay không...

“Vì thế, nếu tư nhân tiếp tục đưa ra nước ngoài với mục đích trưng bày quảng bá văn hóa Việt Nam, hoặc đưa ra nước ngoài để tu sửa, bảo quản nếu hiện vật xuống cấp mà công nghệ và trình độ kỹ thuật của Việt Nam chưa thực hiện được, thì sẽ có Thông tư quy định. Trường hợp đưa ra với mục đích khác thì cũng đã có Thông tư ngăn chặn việc mang ra nước ngoài”, ông Thành nói.

Chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” trở về cũng mở ra “con đường” trở về của nhiều hiện vật quý khác của Việt Nam đang bị lưu lạc. Để thúc đẩy quá trình này, dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi hiện nay cũng có điều chỉnh liên quan đến việc đưa hiện vật văn hóa hồi hương. Theo đó, tại Chương IV Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, sẽ bổ sung quy định về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài trở về.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, việc một tư nhân đã bỏ ra mọi chi phí để mua và đưa ấn vàng này về nước thật sự là một tín hiệu rất vui trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản: “Việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là một điều hết sức có ý nghĩa. Một cá nhân ở Việt Nam mua được và đưa về nước thì đó là điều hết sức đáng mừng. Ông Nguyễn Thế Hồng với những tâm huyết rất đặc biệt, đã ký một cam kết với Cục Di sản Văn hóa sau này nếu Nhà nước hay là một tổ chức nào đó có điều kiện để phát huy tốt hơn thì ông sẵn sàng nhượng lại. Đó cũng là một tinh thần đáng biểu dương”.

Đọc thêm