Công ty Trường Hải “chóng mặt” vì sự thay đổi của tòa án

Theo đơn khởi kiện cũng như quá trình từ khi thụ lý đến khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Công ty Trường Hải) tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đột nhiên, khi đưa vụ án ra xét xử, TAND TP.Đà Nẵng đã thay đổi tư cách của Công ty Trường Hải thành... bị đơn! 
Theo đơn khởi kiện cũng như quá trình từ khi thụ lý đến khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Công ty Trường Hải) tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đột nhiên, khi đưa vụ án ra xét xử, TAND TP.Đà Nẵng đã thay đổi tư cách của Công ty Trường Hải thành... bị đơn! 
“Ưu ái” nộp tạm ứng án phí
Ngày 6/8/2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH Ô tô Thaco Kia Đà Nẵng (gọi tắt Công ty Kia Đà Nẵng), vốn điều lệ 9 tỷ đồng. Đây là công ty do Công ty Trường Hải và ông Hồ Đắc Tuấn cùng nhau góp mỗi thành viên là 4,5 tỷ đồng thành lập. Ông Hồ Đắc Tuấn được bầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Mai Phước Nghê, Giám đốc là người đại diện pháp luật.  
 
Trong quá trình hợp tác làm ăn, hai bên xảy ra chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Ngày 27/12/2010, ông Tuấn nộp đơn ra TAND TP.Đà Nẵng khởi kiện Công ty Kia Đà Nẵng yêu cầu chia lợi nhuận sau thuế năm 2010 xấp xỉ 1 tỷ đồng và một số yêu cầu khác. TAND TP.Đà Nẵng đã yêu cầu ông Tuấn đóng tạm ứng án phí 21,394 triệu đồng cho phần yêu cầu chia lợi nhuận. 
Tranh chấp giữa ông Tuấn và Công ty Kia Đà Nẵng ngày càng quyết liệt. Phía bị đơn - Công ty Kia Đà Nẵng cho rằng, hoạt động kinh doanh tuy có lãi nhưng công ty luôn lâm vào tình trạng thiếu vốn vì số tiền đầu tư xây dựng ban đầu vượt cả phần vốn góp của các thành viên. Hiện vốn hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu chiếm dụng của Công ty TNHH VT-GN-PP Ôtô Chu Lai Trường Hải. Nếu phân chia lợi nhuận sẽ không đảm bảo hoạt động kinh doanh. 
Do vậy, ngày 1/12/2011, ông Tuấn đã có đơn thay đổi nội dung khởi kiện khi đề nghị TAND TP.Đà Nẵng giải quyết về việc chuyển nhượng vốn góp giữa ông và thành viên còn lại Công ty Trường Hải. Trong đơn, ông Tuấn vẫn xác định Công ty Kia Đà Nẵng là bị đơn, Công ty Trường Hải là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tài liệu ông Tuấn cung cấp kèm theo đơn khởi kiện thay đổi là chấp nhận 50% giá trị doanh nghiệp mà phía Công ty Trường Hải đưa ra là 6,2 tỷ đồng theo như kết quả kiểm toán đã được hai thành viên của công ty chấp nhận. 
TAND TP.Đà Nẵng đã chấp nhận đơn thay đổi nội dung khởi kiện của ông Tuấn nhưng lại không ra thông báo tạm ứng án phí bổ sung. Trong khi đó, khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án qui định: “Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm...”. 
Theo tố tụng, TAND TP.Đà Nẵng phải thông báo cho ông Tuấn thực hiện nghĩa vụ tạm ứng án phí theo qui định pháp luật. Mức tính giá ngạch tạm ứng án phí theo đơn bổ sung của ông Tuấn về việc chuyển nhượng 50% phần vốn góp công ty Kia Đà Nẵng như các bên thỏa thuận 6,2 tỷ đồng phải là 50% giá ngạch 112 triệu đồng cộng với 0,1% phần giá trị vượt quá 4 tỷ đồng. Lạ thay, TAND TP.Đà Nẵng lại “quên” yêu cầu ông Tuấn thực hiện nghĩa vụ tạm ứng án phí khi thay đổi nội dung đơn khởi kiện nhưng lại chấp nhận yêu cầu khởi kiện khi xét xử(!?).
Thay đổi tư cách của đương sự(!?)
Theo đơn khởi kiện cũng như quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý đến ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Công ty Trường Hải được TAND TP.Đà Nẵng triệu tập và tham gia với tư cách là “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” trong vụ án. Đột nhiên, khi nhận được Quyết định đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa, Công ty Trường Hải lại được Tòa án xác định là “bị đơn” trong vụ án. 
Việc TAND TP.Đà Nẵng thay đổi tư cách của đương sự đối với Công ty Trường Hải, liệu có đúng theo qui định pháp luật? Bởi lẽ, khoản 3 Điều 56 BLTTDS qui định: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”.
Còn theo qui định tại điểm d, khoản 1 Điều 60 BLTTDS thì Bị đơn có quyền “được Tòa án thông báo về việc mình bị khởi kiện” trong thời hạn 3 ngày làm việc (Điều 174 BLTTDS). Thế nhưng, TAND TP.Đà Nẵng khi thay đổi tư cách của Công ty Trường Hải từ “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”  sang tư cách “bị đơn” đã “quên” luôn việc ra thông báo thụ lý vụ án (?).
Chưa kể, theo Giấy ủy quyền số 18/2011/GUQQ-TGĐ/THACO, ngày 25/2/ 2011, ông Phạm Thanh Sơn, Trưởng Ban Thanh tra Công ty Trường Hải chỉ được Công ty ủy quyền tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Khi đưa vụ án ra xét xử, TAND TP.Đà Nẵng xác định Công ty Trường Hải là “bị đơn” nhưng không yêu cầu thay đổi nội dung ủy quyền. Rõ ràng, việc ủy quyền tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác với tư cách của bị đơn của vụ án. Ủy quyền trên vẫn được Tòa án cấp sơ thẩm chấp thuận và đưa ra xét xử với tư cách bị đơn, liệu có đúng qui định pháp luật?
Mặt khác, xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty Kia Đà Nẵng - đối tượng tranh chấp của vụ án - để làm cơ sở chuyển nhượng cũng như nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên. Đồng thời, nó cũng là cơ sở cho việc tính án phí một cách chính xác. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải trưng cầu định giá để xác định giá trị doanh nghiệp nhưng việc làm này cũng bị bỏ qua. Tại Bản án sơ thẩm số 07 ngày 9/5/2012, HĐXX đã áp dụng theo phương pháp tài sản qui định tại Điều 23, Điều 27 của Nghị định 109 ngày 26/6/2007 của Chính phủ để xác định giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, Nghị định này đã hết lực pháp luật vào ngày 5/9/2011 và thay thế bằng Nghị định số 59/CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ(?).  
Về phần phụ tùng tồn kho và sơn, Trường Hải chỉ đồng ý mua phụ tùng theo nguyên giá, còn vật tư ngành sơn tồn kho, Trường Hải chỉ mua khi xác định được giá trị và còn trong hạn sử dụng. Tuy nhiên, không cần lập biên bản xác định hiện trạng, đánh giá chất lượng sơn còn hay hết hạn sử dụng, HĐXX đã buộc “Trường Hải phải mua lại toàn bộ vật tư, phụ tùng tồn kho với giá 1,45 tỷ đồng”(!?).
Với hàng loạt những khuất tất như đã nêu, phải chăng TAND TP.Đà Nẵng đã có nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án trên? Câu trả lời xin nhường cho Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng.
Ngọc Trâm 

Đọc thêm