Những ngày qua, để có nơi trú ngụ qua ngày, cụ Biên cùng con gái là bà Hoàng Thị Thúy Thanh (51 tuổi) đã phải căng bạt trước căn nhà cũ của mình để làm nơi trú ngụ, tìm kế kiếm sống qua ngày. “Cuối đời rồi sống chẳng được yên thân. Nhiều lúc tức muốn tìm đến cái chết nhưng tôi vẫn phải gượng sống, sống để đi tìm công lý, đòi lại công bằng. Cũng may là chòm xóm giúp đỡ rất nhiều. Có ngày đưa cháu đi học về đã có ai đó treo nắm xôi, hôm thì túi cháo trước cửa”, cụ Biên rớm nước mắt nói.
Nói về nguồn gốc nhà, đất của mình, cụ Biên cho biết, năm 1954, mẹ cụ là Nguyễn Thị Va (đã mất) được chính quyền chế độ cũ cấp cho một lô đất để làm nhà (nay là số 110, thửa 333, tờ bản đồ số 3, xã Lạc Lâm). Năm 1958 gia đình cụ Va chuyển đến Bảo Lộc làm ăn và bán lại nhà đất cho ông Nguyễn Văn Huê (gọi là Tình).
Do việc làm ăn gặp khó khăn nên gia đình cụ đã trở về xã Lạc Lâm sinh sống, xin chuộc lại nhà đất và được ông Tình đồng ý. Năm 1981 do nhà, đất quá nhỏ nên gia đình cụ đã đổi nhà, đất tại số 110 lấy nhà, đất của bà Nguyễn Thị Phấn (nay là số 109, thửa 338, tờ bản đồ số 3, xã Lạc Lâm) và đến ngày 15/10/1996 thì được UBND huyện Đơn Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 153m2. Năm 2009 cụ Biên phá bỏ nhà cũ, xây dựng xong nhà mới kiên cố thì bà Phấn đến đòi lại nhà, đất với lý do trước đây cho gia đình cụ Biên ở nhờ? Sau đó, bà Phấn khởi kiện cụ Biên ra tòa.
Ngày 16/3/2011, TAND huyện Đơn Dương đưa vụ án “Tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ” ra xét xử và ra phán quyết: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phấn; buộc bà Biên phải có trách nhiệm thanh toán cho bà Phấn giá trị quyền sử dụng đất thửa 338 là 320 triệu đồng; kiến nghị UBND huyện Đơn Dương thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho bà Biên...; giao bà Biên toàn quyền quản lý, sử dụng diện tích đất thửa 338”.
Không đồng tình, cụ Biên kháng cáo. Ngày 16/1/2013, TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm và ra Bản án số 06/2013/DS-PT với nội dung: Bác yêu cầu kháng cáo của cụ Biên; sửa án sơ thẩm, xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phấn về việc kiện đòi nhà cho ở nhờ đối với cụ Biên; buộc cụ Biên thanh toán cho bà Phấn giá trị quyền sử dụng đất thửa số 338 số tiền 320 triệu đồng; kiến nghị UBND huyện Đơn Dương điều chỉnh lại giấy chứng nhận đã cấp cho cụ Biên thuộc thửa số 338, tờ bản đồ số 3, xã Lạc Lâm; giao cho cụ Biên toàn quyền quản lý, sử dụng diện tích đất thửa 338, tờ bản đồ số 3, xã Lạc Lâm...
Cụ Biên cho biết, trong quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Đơn Dương và TAND tỉnh Lâm Đồng đã đánh giá chứng cứ một cách hời hợt, thiếu khách quan dẫn đến những phán quyết gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình. Việc cả hai cấp tòa đều xác định nội dung tranh chấp là “Tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ” là chưa đúng với thực tế của vụ án mà cần phải xác định đây là vụ án về “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Hơn nữa, “Tại tòa, bà Phấn đều xác định nhà, đất tranh chấp là do bà mua lại của ông Nguyễn Văn Tĩnh (trú cùng địa phương) vào năm 1981, mua xong thì không ở mà cho gia đình tôi mượn để ở. Nhưng bà Phấn không hề xuất trình được bất cứ giấy tờ, tài liệu nào liên quan đến việc cho gia đình tôi ở nhờ nhà, đất này”, cụ Biên bức xúc.
Trong khi đó, các nhân chứng là cụ Nguyễn Thị Linh Tám (em ruột cụ Tình) và bà Nguyễn Thị Quả (con gái cụ Tình) đều xác nhận có việc gia đình cụ Biên chuộc lại nhà, đất và sau đó đổi lấy nhà, đất tại số 109 của bà Phấn. Trên thực tế, nhà, đất tại số 109 đã được gia đình cụ Biên sử dụng ổn định từ năm 1981 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1996.
Trong lúc gửi đơn đến TANDTC, VKSNDTC đề nghị xem xét lại bản án thì cũng là lúc gia đình cụ Biên bị cưỡng chế kê biên nhà đất để đảm bảo thi hành án đối với khoản tiền của nguyên đơn. Không còn chốn nương thân, cụ Biên cùng con gái và đứa cháu nhỏ 5 tuổi đành phải dùng tấm bạt quây lại sống trước căn nhà mình đã ở suốt 34 năm qua trong điều kiện vô cùng khổ cực.
Thiết nghĩ, vụ án cần được TANDTC và VKSNDTC xem xét lại một cách khách quan, toàn diện.