Cụ bà 83 tuổi sống trong túp lều giữa mùa đông lạnh vì sự thờ ơ của chính quyền?

(PLO) - Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng bài phản ánh về đơn kêu cứu của cụ bà Nguyễn Thị Dóc (83 tuổi, ngụ tại thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên) vì đang rơi  vào hoàn cảnh sống không có nhà ở, không có chỗ nương thân. Trong quá trình về xác minh sự việc tại địa phương, chúng tôi đã được lãnh đạo chính quyền hứa giải quyết triệt để, nhưng không hiểu sao đến nay sự việc vẫn không được xử lý???
Miếng đất mất nghĩa tình?
Chúng tôi tìm đến gặp bà cụ Dóc trong  căn lều tạm bợ được dựng trên chính mảnh đất mà ông cha bà để lại, giữa trời đông giá buốt đến lạnh người. Bà cụ ở cái tuổi gần đất xa trời đang lọ mọ nơi góc bếp đơn sơ (là một góc nhỏ trong túp lều lụp xụp - pv) vừa nhóm củi nấu bữa cơm rau đạm bạc, vừa trải lòng với chúng tôi về mong muốn có một căn nhà nhỏ để sống nốt những ngày cuối đời. Do mắc bệnh xã hội từ nhỏ, lại tuổi cao sức yếu, bà không muốn phiền hà tới ai. Hơn nữa, bản thân bà thấy không thể hòa hợp khi sống với vợ chồng người cháu, bà chỉ mong có thể tự mình nuôi thân trong những ngày tháng cuối đời. Bà vừa kể chuyện, vừa nấc nghẹn khiến những người chứng kiến không khỏi chạnh lòng. 
Không thể tin nếu không tận mắt được nhìn thấy giữa cuộc sống hiện đại này mà vẫn có người sống trong một túp lều rách nát, trong điều kiện thiếu cả điện, cả nước ở trên chính mảnh đất hương hoả. Cái nghịch cảnh ấy phải chăng xuất phát từ sự vô cảm của những người “mang danh” là lãnh đạo chính quyền địa phương, hứa hẹn nhưng chưa hề có hành động cụ thể để giải quyết việc?
Như báo PLVN đã đăng tải, mảnh đất thừa kế đã ba đời truyền lại, chỉ vì lòng tin mà giờ đây bà bị đứa cháu “đẩy” ra đường, trở thành người không nơi nương tựa. Thậm chí chỉ vì mảnh đất mà giờ đây chẳng còn tình máu mủ ruột rà… Không biết kêu ai, bà cụ chỉ biết trông chờ nào công lý, vào sự công bằng của pháp luật, cho dù niềm tin đang có nguy cơ bị bụi thời gian phủ lấp bởi sự thờ ơ của những người có “trách nhiệm”…
Vô cảm, lỡ quên hay cố tình quên?
Trao đổi với PV ông Nguyễn Trung Thành (Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên) cho biết,  sự việc mang tính chất nội bộ gia đình, có nhiều sự hiểu nhầm và chưa nhất quán trong việc phân chia tài sản thừa kế. Chính quyền rất muốn giải quyết bằng hoà giải và thống nhất bằng tình cảm. Ông Thành cũng nói thêm: “Vì đây là việc nội bộ trong gia đình, nên tôi rất muốn mọi người tự thỏa thuận và cam kết với nhau. Sau khi thống nhất mới có thể tiến hành hoà giải và UBND phường Lam Sơn sẽ là đơn vị đứng ra giải quyết vấn đề này”. 
Ông Thành còn khẳng định: “Thành phố sẽ tham mưu, đốc thúc cấp cơ sở sớm tổ chức buổi hoà giải để giải quyết triệt để sự việc này, mang lại công bằng và quyền lợi chính đáng cho người dân”. Tiếp chúng tôi tại UBND phường Lam Sơn, ông Bùi Văn Bình (nguyên Chủ tịch UBND phường tại thời điểm đó - PV) nói: “Lãnh đạo UBND phường thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, trong sự việc này, phường sẽ xúc tiến nhanh buổi hoà giải với mong muốn thực hiện triệt để quyền và nghĩa vụ của người dân theo quy định của pháp luật”… 
Những tưởng vụ việc đến đây đã có thể giải quyết một cách triệt để và nhanh chóng, nhưng thật bất ngờ khi tìm đến địa phương vào ngày ông Bình (Chủ tịch phường Lam Sơn - pv) đã hẹn, phóng viên được biết ông Bình đã nghỉ hưu và mọi việc được giao lại cho ông Bùi Tuấn Anh (Phó Chủ tịch UBND phường - PV) đảm trách.
Lại một lần nữa với những lời hứa hẹn, những giấy mời lên giải quyết, nhưng vì những lý do không hiểu vô tình hay cố ý mà đã thêm gần 2 tháng trôi qua, sự việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Thậm chí, ông Tuấn Anh đã “hùng hồn” tuyên bố: “Chính quyền địa phương nắm rất rõ sự việc, yêu cầu hai bên lên giải quyết triệt để, nếu không thể giải quyết được thì sẽ đưa sự việc ra toà án để thực hiện theo quy định của pháp luật”. Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Phó Chủ tịch đã cho mời cả hai bên lên để hoà giải (nhưng không hiểu có sự vô tình nào không khi giấy mời lại vào ngày Chủ nhật và khi đối tượng được mời không đến thì đại diện chính quyền lại im lặng và hẹn sẽ mời vào ngày khác?). 
Pháp luật vốn dĩ là công bằng, là những điều luật được quy định cụ thể bằng những văn bản của Nhà nước, thì giờ đây bị một lực cản vô hình khiến lẽ phải, lòng nhân đạo không được thực hiện.
Thiết nghĩ, các cấp lãnh đạo, các cơ quan đoàn thể có trách nhiệm cần làm rõ, mang lại lợi ích chính đáng cho bà Dóc và trả lại niềm tin vào sự công bằng của pháp luật cho người dân. Không hiểu một cụ bà đã ngoài 80 tuổi, bệnh tật đầy mình sẽ chịu đựng được bao lâu để nhìn thấy ánh sáng của công lý, khi những người “cầm cân nảy mực” tại địa phương chưa hết sức hoàn thành trọng trách của mình?
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm