Tuyên bố không bất ngờ
Trong tuyên bố ngày 12/4, Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết nước này không trả được tất cả các nghĩa vụ nợ nước ngoài, bao gồm cả các khoản vay từ các chính phủ nước ngoài, trước khi nhận được gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. “Chính phủ chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp này như biện pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng tài chính ngày càng xấu đi”, thông báo từ Bộ Tài chính Sri Lanka nêu rõ. Bộ trên cho biết thêm, các chủ nợ được tự do vốn hóa chi phí lãi vay đến hạn hoặc lựa chọn hoàn vốn bằng đồng rupee của Sri Lanka.
Một quốc gia được tính là vỡ nợ khi chính phủ không thể thanh toán tiền gốc hoặc tiền lãi của các khoản vay; hoặc phải thảo luận lại các điều kiện của khoản vay với chủ nợ. Trong trường hợp của Sri Lanka, Thống đốc Ngân hàng Trung ương P.Nandalal Weerasinghe đã thông báo tạm ngừng việc thanh toán nợ nước ngoài và tiền lãi (vỡ nợ mềm), đồng thời tránh vỡ nợ cứng (tức hoàn toàn không còn khả năng chi trả).
Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka bắt đầu với việc không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, sau khi đại dịch Covid-19 làm sụt giảm doanh thu quan trọng từ du lịch và kiều hối. Chính phủ Sri Lanka đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu rộng rãi để bảo tồn số dự trữ ngoại tệ và sử dụng nguồn dự trữ đó để trả các khoản nợ hiện đã vỡ nợ.
|
(ảnh minh họa). |
Tuyên bố vỡ nợ nước ngoài nói trên giúp Sri Lanka tiết kiệm khoảng 200 triệu USD tiền lãi lẽ ra phải trả trong ngày 11/4. Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Nandalal Weerasinghe, số tiền tiết kiệm được này sẽ được chuyển sang để thanh toán hóa đơn các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu.
Một ngày sau khi phát đi tuyên bố vỡ nợ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cũng cho biết đã chỉ đạo thiết lập các tài khoản ngân hàng để nhận các khoản quyên góp ngoại hối của công dân Sri Lanka đang sinh sống, làm việc ở Mỹ, Anh và Đức. Cùng với việc kêu gọi công dân Sri Lanka ở nước ngoài hỗ trợ đất nước trong thời điểm quan trọng này bằng cách quyên góp nhiều ngoại hối cần thiết, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cam kết số tiền nhận được sẽ chỉ được sử dụng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm, nhiên liệu và thuốc.
Vì đâu nên nỗi?
Sri Lanka là một quốc đảo được thiên nhiên ưu ái với bãi biển dài đầy cát mịn, làn nước trong vắt và ấm áp cùng những khu rừng hoang sơ tuyệt đẹp. Nước này cũng có nền ẩm thực hấp dẫn cùng nhiều di tích lịch sử đã được UNESCO công nhận. Cùng với các khu nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản, ngành du lịch Sri Lanka từng phát triển rất mạnh mẽ.
Du lịch là ngành trọng điểm của Sri Lanka, đóng góp 12% GDP và là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ 5 của nước này. Trong giai đoạn 2009-2021, doanh thu từ du lịch của Sri Lanka đạt trung bình 178 triệu USD/năm, cao nhất đạt 475 triệu USD vào tháng 12/2018. Đầu năm 2019, tạp chí Lonely Planet đưa Sri Lanka vào danh sách điểm đến hàng đầu về du lịch.
Ngoài ra, Sri Lanka cũng mạnh về sản xuất chè. Nước này là quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới vào năm 1995, với 23% thị phần toàn cầu. Ngành trồng chè mang về nguồn thu 1,3 tỷ USD cho Sri Lanka trong năm 2021. Bên cạnh đó, từ năm 2000, Sri Lanka đã bắt đầu phát triển các ngành chế biến lương thực, dệt may, viễn thông. Quốc đảo Ấn Độ Dương này cũng thúc đẩy xuất khẩu hàng may mặc và thu hút ngoại tệ từ du lịch và kiều hối. Doanh thu từ xuất khẩu hàng dệt may của Sri Lanka năm 2020 đạt 4,4 tỷ USD.
Trong lúc nền kinh tế đang phát triển đi lên mạnh mẽ như vậy, ngày 21/4/2019, khi Sri Lanka chuẩn bị kỷ niệm 10 năm kết thúc nội chiến, một loạt vụ đánh bom liều chết nhằm vào 3 nhà thờ đông người và 3 khách sạn sang trọng ở Thủ đô Colombo đã khiến 279 người chết, trong đó ít nhất 45 người nước ngoài, cùng hơn 500 người bị thương. Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công. Vụ việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch quan trọng của đảo thiên đường này.
Ngay sau đó, đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Sri Lanka từng kỳ vọng dựa vào nguồn thu từ du lịch để trang trải các khoản nợ nước ngoài vốn tích tụ ngày càng lớn sau nhiều năm vay nợ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng chính sách quản lý tài chính lại yếu kém. Việc ngành du lịch bị tàn phá do khủng bố và đại dịch đã đẩy Sri Lanka vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau khi giành được độc lập vào năm 1948 do thiếu ngoại tệ trầm trọng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nhiêu liệu.
Hồi tháng 2, Sri Lanka thông báo nước này còn 2,31 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, trong khi phải trả nợ khoảng 4 tỷ USD riêng trong năm nay. Tình hình càng tồi tệ hơn khi Tổng thống Rajapaksa thừa nhận thâm hụt thương mại 10 tỷ USD.
Do nguồn dự trữ ngoại tệ ngày một eo hẹp, Chính phủ Sri Lanka đã phải áp đặt nhiều biện pháp hạn chế tiền tệ mạnh mẽ và cấm nhập khẩu nhiều hàng hóa. Số ngoại tệ dự trữ chủ yếu được dùng để trả nợ nước ngoài. Tuy nhiên, hậu quả mà Sri Lanka phải đối mặt là tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu, kết hợp với tình trạng mất điện kéo dài, do không có ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
Việc thiếu nguồn cung nhiêu liệu tại quốc gia 22 triệu dân này đã khiến hoạt động giao thông vận tải công cộng tê liệt trong ngày 31/3. Ngoài ra, công ty điện lực quốc gia Sri Lanka thông báo tăng thời gian cắt điện hằng ngày lên 13 giờ do không có đủ dầu nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.
Giữa lúc khủng hoảng leo thang, hôm đầu tháng, toàn bộ 26 Bộ trưởng trong Chính phủ Sri Lanka đã từ chức. Ngày 5/4, chỉ một ngày sau khi được bổ nhiệm, Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry cũng đã từ chức. Ngày 8/4, đảng đối lập chính Samagi Jana Balawegaya (SJB) tại Sri Lanka đã yêu cầu chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, nếu không sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Các nhà kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn do sự quản lý yếu kém của chính phủ, nhiều năm vay nợ tích lũy và việc cắt giảm thuế không khéo léo. Các tổ chức xếp hạng quốc tế cũng đã hạ xếp hạng của Sri Lanka vào năm ngoái, ngăn chặn hiệu quả việc nước này tiếp cận thị trường vốn nước ngoài để tăng các khoản vay mới.
Dự kiến, trong tuần này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ có các cuộc thảo luận với Sri Lanka về chương trình cho vay nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á này vượt qua khủng hoảng.