Gần 90 tuổi vẫn... trèo cây
Người làng không lạ gì hình ảnh cụ Lê Văn Sâm (87 tuổi, trú tại làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội), vóc người nhỏ thó, chân tay khòng khoèo, lưng đã còng gập vẫn kéo bon bon hai khúc gỗ lớn trên chiếc xe cải tiến thô sơ. Có người cho rằng cụ bị “giời đày” nên dù đã ở cái tuổi ấy vẫn lao vào làm việc nặng. Nhưng cũng có người cho rằng cụ được trời cho sức khỏe, gần 90 tuổi vẫn có thể làm những việc mà trai tráng tuổi đôi mươi còn phải e ngại.
Cụ Sâm kể, ở cái tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu” đã bắt đầu hành nghề “chặt cây”. Ban đầu cụ chỉ được người ta thuê đi chặt cây theo cả đội rồi trả công bằng bữa cơm và vài bó củi nấu. Lâu dần cụ biết mối nên tự tìm mua cây, chặt rồi đem về bán lại. Cành thì bán củi, thân thì bán gỗ cho người có nhu cầu làm nhà.
Cụ nhớ lại: “Trước đây, thời buổi còn nghèo khó, việc chặt gỗ, bán củi cũng kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình. Tôi đi chặt cây đem về, còn bà nhà tôi thì tìm mối bán. Cứ như vậy mà hai vợ chồng cũng nuôi được bốn đứa con ăn học bằng người”.
Vậy là cái nghề thành cái nghiệp. Suốt 70 năm, cụ Sâm theo đuổi công việc vất vả và nguy hiểm này. Cho đến giờ, khi vợ đã mất, con cái đã trưởng thành, bản thân bước sang tuổi “gần đất xa trời” cụ vẫn chưa chịu “gác nghề”. Người dân làng “nón” hàng ngày vẫn cứ thấy một ông cụ gầy gò, lưng còng gập, hàm răng móm mém kéo chiếc xe cải tiến chở những thân gỗ to đi khắp xóm làng. Cũng không ai lý giải nổi tại sao cụ lại có sức khỏe tốt đến vậy.
Đồ nghề của cụ là dao rựa, búa, dây thừng và chiếc xe cải tiến cũ. Cụ bảo: “Chặt cây không chỉ cần dao sắc, sức mạnh mà còn phải có mẹo. Tôi có thể đốn một thân cây lớn mà khi nó ngã chỉ nhẹ nhàng như đặt một em bé nằm ngủ”.
|
Cụ chặt cây rất khác người. Trước khi chặt cụ phải lấy dây thừng “gông” chặt cây vào một điểm cố định nào đó, để khi đốn xong cây sẽ ngã từ từ, không gây nguy hiểm. Cách cụ trèo cây lấy cành cũng chẳng giống ai. Cụ phải sắm một cây tre dài có nhiều mấu, rồi buộc chặt nó vào thân cây cần chặt để leo lên. Nếu cây tre không có mấu, cụ sẽ đóng đinh lớn vào thân để làm “mấu nhân tạo”. Nhìn cụ thoăn thoắt trèo cây theo cách riêng của mình, chúng tôi phần nào hiểu được tại sao một cụ ông gần 90 tuổi lại có thể trèo cây, chặt củi kỳ lạ như vậy(!).
Cụ cười tươi để lộ hàm răng móm mém: “Hồi trẻ tôi làm hăng lắm, cứ hễ ở đâu có cây bán là tôi lại tìm đến đốn về, bất chấp đường sá xa xôi. Bây giờ, dù đã già nhưng có những cây đến trai tráng phải chịu mà tôi lại đốn được”.
Cụ hăm hở kể về chiến tích của mình: “Cách đây ít lâu, ở Trạm điện Vân Đình có vướng một thân cây dài 8 mét, đường kính 50 phân. Họ muốn chặt đi nhưng không dám dùng cưa máy, cũng không chàng trai nào dám làm. Vậy mà khi nhờ đến tôi, tôi chỉ mất một ngày đẽo chặt là có thể đốn ngã và rủng rỉnh kéo cây về”.
Khi được hỏi bí quyết nào giúp cụ trường thọ và có sức khỏe kì lạ như vậy, cụ chỉ cười: “Tôi không ăn nhiều, mỗi bữa hai bát cơm và một cái bánh mỳ buổi sáng. Đặc biệt, tôi rất thích ăn của ngọt, trong lúc chặt cây, bổ củi tôi thường ngậm một viên kẹo và sau đó uống nước chanh đường”.
Nhưng có lẽ tinh thần lạc quan, yêu đời mới chính là bí quyết trường thọ của cụ. Bà Đỗ Thị Lạc (hàng xóm của cụ) cười rằng: “Trong lứa tuổi già chúng tôi, cụ Sâm là người lạc quan nhất. Từ lúc khốn khó, đói kém như thời xưa cho đến khi có điều kiện như bây giờ, cụ đều không than vãn gì, chỉ hăm hở làm. Đến nay, dù đã gần 90 tuổi nhưng sức khỏe của cụ thì nhiều trai làng không địch nổi”.
“Không làm không chịu được”
Ngôi nhà nhỏ của cụ Sâm chất đầy những thân cây lớn và đống củi đang xẻ dở. Nhìn cụ cầm chiếc rìu sắc giơ lên rồi nện xuống những khúc gỗ to, không khỏi ngỡ ngàng trước sức khỏe lạ kỳ của cụ. Lau giọt mồ hôi chưa kịp lăn xuống má, cụ lại cười: “Làm việc nặng thế này nhưng tôi không thấy mệt, chỉ là đôi lúc nện nhiều thì thấy hơi mỏi tay thôi”.
Ở tuổi của cụ Sâm, chỉ cần có thể đủ sức khỏe vui vầy bên con cháu đã là hạnh phúc. Còn cụ vẫn đều đặn một ngày hai buổi đốn gỗ, bổ củi, bởi theo cụ “Không làm không chịu được. Càng ngồi chơi lại càng mệt”. Cụ có bốn người con và đàn cháu thành đạt, ai cũng muốn được đón cụ về phụng dưỡng tuổi già nhưng tất cả đều bất lực trước sự “ham làm” của cụ.
Bà Mai Thị Hợp (55 tuổi), con dâu cụ thở dài: “Cách đây 5 năm, gia đình tôi quyết định đưa cụ vào Nam ở với anh trai cả để cụ quên nghề, quên việc. Nào ngờ, vài tháng sau cả nhà sửng sốt khi nhìn thấy cụ về làng, rồi lân la hỏi các ông bà về chuyện đốn cây. Hỏi ra mới biết, trong thời gian đó cụ đã tích cóp tiền ăn sáng để bắt xe về quê”.
Biết không thể cản được cụ, con cháu trong nhà chỉ còn cách nhờ bà con trong xóm không bán cây, mua củi của cụ nữa để cụ tự chán nản mà bỏ nghề. Nhưng đến nay, cách đó vẫn chưa có tác dụng. Hàng ngày, bà con xung quanh vẫn nhìn thấy cụ kéo gỗ bằng chiếc xe cải tiến và nghe thấy tiếng rìu bổ củi “đều như vắt chanh” của cụ Sâm.
Bà Hợp tiếp lời: “Mỗi lần con cháu khuyên ngăn, cụ đều trả lời: “Làm để dân chê mới giữ, chứ làm dân khen thì giữ làm gì. Chưa kể, đi làm như vậy lại khỏe thêm ra”. Vậy là con cháu đành chịu không dám ngăn cản nữa. Chỉ biết chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ của cụ cẩn thận”.
Đến giờ, bằng chiếc rìu thô sơ, mỗi ngày cụ Sâm vẫn xẻ được gần tạ củi. Sau mỗi giờ làm cụ đều dọn dẹp, xếp củi ngăn nắp vào sân. Có khách gọi, cụ tự tay vận chuyển đến tận nơi. Còn những khúc gỗ lớn thì hoặc cụ kéo xe cải tiến đem đến, hoặc họ đến tận nơi vận chuyển.
Trong suốt cuộc nói chuyện, cụ đều hăm hở, phấn khởi chia sẻ về công việc của mình. Chỉ khi nhắc đến người vợ quá cố, cụ mới có phần nín lặng, tiếc nuối. Cụ bảo, điều tâm đắc và hạnh phúc nhất của đời cụ là lấy được một người vợ tuyệt vời. Nhìn lên di ảnh vợ, cụ Sâm rớm nước mắt: “Tôi và bà ấy là bạn “thanh mai trúc mã”, bà ấy về sống với tôi khi mới 15 tuổi. Lúc đó, tôi không có một tấc đất trong tay, bao nhiêu vốn liếng, đất đai đều là của bà ấy đem về. Bị bao nhiêu người ngăn cản mà bà ấy vẫn quyết lấy tôi”.
Cụ lại say sưa kể về sự tần tảo, đảm đang của vợ mình. Cụ bảo, cụ chỉ biết bỏ sức chặt cây, đốn củi, còn việc buôn bán đều một tay bà lo liệu. “Bà ấy lại khéo léo, biết chiều khách xa lẫn khách gần nên việc làm ăn của hai vợ chồng ngày càng phát đạt. Cũng bởi vậy mà chúng tôi nuôi được bốn đứa con ăn học chỉ bằng việc chặt cây” - cụ tâm sự.
Sau mỗi ngày làm việc cực nhọc, cụ Sâm lại thả mình xuống ao làng tắm giặt. Cụ bảo, chỉ có tắm ao làng cụ mới được vùng vẫy, mới thấy từng thớ thịt được nở ra và sức khỏe lại căng tràn.