Hôm 14/12, Công ty chứng khoán (CTCK) Đông Dương thông báo với khách hàng sẽ tạm dừng nghiệp vụ môi giới và chuyển mảng này qua CTCK Kim Eng. Trước đó, hôm 12/12, CTCK SME tuyên bố mất khả năng chi trả tiền mặt cho nhà đầu tư, chứng khoán của nhà đầu tư nằm tại SME được chuyển sang tài khoản mới mở CTCK GoldenBridge (GBVS), trong khi tiền mặt thì vẫn phải chờ…
Thị trường chứng khoán lụi tàn, nền kinh tế mất kênh dẫn vốn quan trọng. Ảnh minh họa |
Cầm cự với thua lỗ
Trong thông báo gửi các nhà đầu tư, CTCK Đông Dương cho biết, việc chuyển đổi này chỉ là tạm thời, sau khi tìm kiếm được đối tác hợp tác để tăng vốn, Đông Dương sẽ mở lại nghiệp vụ này. Tuy nhiên, ai cũng hiểu việc tìm được đối tác hợp tác để tăng vốn chẳng khác nào “nằm mơ giữa ban ngày”.
Còn nhớ, hồi đầu năm, khi CTCK Đông Dương triển khai phần mềm giao dịch trực tuyến mới. Công ty này đã hào phóng tặng ngày 100 triệu đồng phí giao dịch cho khách hàng mới mở tài khoản. Thậm chí, tham vọng của công ty thời điểm đó là đưa Đông Dương trở thành một trong số những CTCK hàng đầu, vững mạnh về công nghệ với những phương tiện giao dịch hiện đại nhất Việt Nam!
Không chỉ Đông Dương, nhiều CTCK cũng có sự đầu tư bài bản về công nghệ, thế nhưng đầu tư càng lắm thì lỗ càng nhiều, CTCK SME là một ví dụ. Thời gian đầu, số tài khoản mở mới tại công ty này tăng vọt song đa phần lại là tài khoản ảo, mở ra để xài phần mềm là chính, còn tiền vẫn để ở công ty khác!
Hôm 12/12 vừa qua, CTCK này đã phải tuyên bố mất khả năng chi trả tiền mặt cho nhà đầu tư. Khoảng 2 tháng gần đây SME đã 2 lần rơi vào tình trạng mất thanh khoản và bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đình chỉ hoạt động lưu ký. Lần 1 là từ 3/11 đến 3/12 và lần 2 là từ 7/12/2011 đến 7/1/2012. Ngoài SME, ngày 22/11, CTCK Tràng An (TAS) cũng bị VSD cảnh cáo vì mất khả năng thanh toán cho các giao dịch chứng khoán.
Theo báo cáo quý 3/2011 của SME, tiền và các khoản tương đương tiền của SME chỉ là 7,7 tỉ đồng. Trong đó, tiền của nhà đầu tư là 6,3 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức 44,6 tỷ đồng quý 2/2011. Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 2,91 lần. Cùng thời gian này, một vài CTCK khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như TAS có tỷ lệ tiền mặt và tương đương tiền so với nợ ngắn hạn là 12,27%, APG là 11,22%, GBS 3,02%... Bên cạnh đó, nhiều CTCK đang có những “cục nợ” và những liên quan tài chính khó hiểu như ORS, WSS, SBS..
Tái cấu trúc - bao giờ?
Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa có CTCK nào phá sản, bởi việc phá sản lại gắn với nguy cơ mất khả năng trả nợ chứ không phải chuyện kinh doanh lãi lỗ, và các CTCK vẫn còn bấu víu vào các mảng kinh doanh khác trong “group”.
Hồi đầu năm CTCK Vincom đã được bán cho Xuân Thành Group. Tuy nhiên, cơ hội đó không nhiều vì thực ra không có nhiều DNmuốn “ôm” thêm mảng kinh doanh CK trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay.
Theo Phó chủ tịch UBCKNN, ông Nguyễn Đoan Hùng, dự kiến trong tháng 12, đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó tái cấu trúc các CTCK được xem là nội dung quan trọng nhất. Nhóm các CTCK sẽ được phân loại thành 3 nhóm mạnh - yếu khác nhau, dựa trên việc đánh giá tình hình hoạt động của từng công ty, đặc biệt chú ý đến tình hình tài chính có lành mạnh hay không. Theo đó, Thông tư 226/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính được xem là cơ sở cốt lõi để thực hiện.
“Việc tái cơ cấu sẽ không chỉ với những công ty yếu kém mà cả những công ty "khỏe" cũng làm theo chuẩn và thông lệ quốc tế. Số lượng 105 CTCK đang hoạt động trên TTCK Việt Nam đúng là nhiều quá, chúng ta sẽ phải giảm xuống. Quan điểm của UBCKNN là sẽ xử lý căn cứ vào các tiêu chuẩn về tài chính, chứ không phải chỉ là CTCK lớn hay nhỏ…”- Chủ tịch UBCKNN, ông Vũ Bằng phát biểu.
Tái cấu trúc các CTCK chỉ là vấn đề thời gian, song theo các chuyên gia, không ai hết, chính các CTCK cần phải chủ động tái cấu trúc lại chính mình trước khi có sự can thiệp của nhà nước.
Thống kê kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2011 của các CTCK niêm yết trên HOSE có tới 2/3 trong số này thua lỗ, trong đó 18 CTCK có số lỗ trên 1.350 tỷ đồng. Một khảo sát mang tính thử nghiệm để áp dụng chuẩn an toàn tài chính mới cho thấy, tính đến đầu tháng 10/2011, 12 CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 180%. Trong số đó có năm CTCK có tỷ lệ này ở dưới mức dưới 120% - mức có thể bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt... |
My My