Cùng giang tay bảo vệ bé gái

(PLVN) - Xâm hại tình dục trẻ em là một vấn đề vẫn khá nóng tại Việt Nam mặc dù nhận được sự quan tâm từ chính phủ, các cơ quan, các tổ chức xã hội và người dân tại cộng đồng. Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã đưa vấn đề xâm hại tình dục trẻ em vào chương trình nghị sự. 
Bắt nạt trẻ em trên không gian mạng ngày càng gia tăng.
Bắt nạt trẻ em trên không gian mạng ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2014 có 1.544 vụ, năm 2015 có 1.355 vụ, năm 2016 có 1.248 vụ, năm 2017 có 1.370 vụ, và năm 2018 có 1.269 vụ xâm hại tình dục. Chính vì thế, việc bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng là mối quan tâm của toàn xã hội, chứ không của riêng ai.

Truyền thông là tấm khiên 

Đó là ý tưởng mà các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến “An toàn cho trẻ em gái – Phòng tránh quấy rối, xâm hại trẻ em” diễn ra mới đây trong khuôn khổ của chiến dịch “Hành động ngay cùng GBVNet bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục” do Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet - tập hợp các tổ chức xã hội và cá nhân có cùng mối quan tâm và hoạt động nhằm xóa bỏ bạo lực giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam) phát động trong thời gian 2 tháng 10-11/2020 nhằm nâng cao năng lực cho các bậc cha mẹ, những người chăm sóc và làm việc với trẻ em, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng hiểu đúng và nắm bắt được những kỹ năng giúp trẻ phòng ngừa quấy rối và xâm hại tình dục. 

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới- Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết, theo thông tin do Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 công bố, trong năm 2017-2018, 86% số trẻ bị xâm hại bởi thủ phạm là chính người thân, người quen. Trong đó, người quen, hàng xóm chiếm 59%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6%; đặc biệt, trên 21% là người thân trong gia đình. 

“Trước những vụ việc đau lòng liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em, chúng ta thường đưa ra những lời cảm thán, đau xót và giật mình trước những con số báo cáo, thế nhưng chúng ta lại quên ngay sau đó và thờ ơ khi cho rằng đó không phải chuyện nhà mình.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc bảo vệ trẻ em là câu chuyện không của riêng ai, là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Trẻ em, dù là trai hay gái, dù ở độ tuổi nào cũng đều cần bảo vệ bởi mọi sự xâm hại, quấy rối đều sẽ để lại những vết thương rất sâu trong lòng trẻ em. Tôi tin rằng nếu mỗi chúng ta đều có ý thức với việc lên tiếng tố giác các hành vi xâm hại, quấy rối và nhận thức được trách nhiệm bảo vệ trẻ em, những trường hợp đau lòng sẽ giảm đi rất nhiều” – bà Vân Anh nhấn mạnh. 

Là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) với kinh nghiệm nhiều năm truyền thông giáo dục phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng nhấn mạnh phải truyền thông làm sao để có thể phòng ngừa từ gốc rễ chứ không để xảy ra các sự việc xâm hại đau lòng rồi mới đi xử lý, răn đe.

“Việc giáo dục truyền thông ở Việt Nam trước giờ vẫn còn mang tính lý thuyết, nhiều khi né tránh các vấn đề giáo dục tình dục, giới tính của trẻ em vì cho là nhạy cảm, trẻ em không biết gì. Tôi nghĩ quan niệm này nên bỏ và phải nhìn thẳng vào vấn đề, hành động ngay. Việc giáo dục trẻ về giới tính, gọi tên chính xác các bộ phận, tôn trọng cơ thể mình và người khác, các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, xử lý các tình huống…, cần được đưa vào trong nhà trường và gia đình càng sớm càng tốt.

Phương pháp cũng cần cải tiến thân thiện với gia đình và trẻ em như trò chơi, cuộc thi xử lý tình huống, phim hoạt hình, ứng dụng trò chơi điện tử…, để trẻ dễ tiếp thu, dễ nhớ. Nếu việc giáo dục truyền thông cho trẻ em, gia đình, nhà trường và cộng đồng được làm tốt, chúng ta có thể xây dựng một tấm khiên, sức đề kháng và tự bảo vệ cho trẻ em”, theo bà Linh. 

Hiện nay, tình trạng bạo lực, bắt nạt trẻ em trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Báo cáo của Quốc hội cho biết, trung bình mỗi ngày có 720,000 hình ảnh và các đăng tải có nội dung bạo lực và xâm hại đối với trẻ em. Tuy nhiên nhiều người lớn lại nghĩ rằng cứ tắt máy tính, điện thoại đi là mọi việc sẽ kết thúc.

Nhưng thực tế cho thấy với các trường hợp trẻ em đã từng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng, phải lắng nghe mới hiểu được phần nào những tổn thương về mặt tâm lý mà các em phải chịu đựng. Từ lý do này mà Đào Thị Bảo Thư - Điều phối viên dự án Thành phố an toàn và thân thiện với em gái - Tổ chức Plan International khuyến cáo rằng người lớn cần nhận thức được rằng, mọi hành vi khiến cho trẻ em cảm thấy không thoải mái, kể cả sự trêu chọc, đụng chạm thoáng qua đều là xâm hại, quấy rối và sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, cuộc sống và trải nghiệm của các em. Vì vậy, đừng thờ ơ khi cho rằng đó không phải chuyện nhà mình và hãy lên tiếng. 

Người trẻ đồng hành

Thực tế đã và đang cho thấy tình trạng bạo lực, bắt nạt trẻ em trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Báo cáo của Quốc hội cho biết, trung bình mỗi ngày có 720,000 hình ảnh và các đăng tải có nội dung bạo lực và xâm hại đối với trẻ em.

Còn theo khảo sát toàn cầu của Plan International thực hiện đã chỉ ra rằng có hơn một nửa (58%) em gái từng bị quấy rối và xâm hại trên mạng. Nghiên cứu cũng cho thấy Facebook là nền tảng có nhiều vụ quấy rối xảy ra nhất, với tỉ lệ bị xâm hại lên tới 39%. 

Nói về hậu quả của việc bị bắt nạt trên mạng xã hội này, Ý Nhi 18 tuổi sinh viên Đại học Luật Hà Nội là người được giao quyền Tổng biên tập Ehomebooks (thương hiệu sách giáo dục gia đình) trong sự kiện “Trao quyền cho trẻ em gái #GirlsTakeover” do Tổ chức Plan International thực hiện trên phạm vi toàn nhằm tạo cơ hội để trẻ em gái được lên tiếng, trở nên tự tin hơn khi nắm giữ những chức vụ quan trọng, đã cho biết: “Tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái đều có nguy cơ bị công kích, chỉ trích và bắt nạt trên mạng xã hội. Từng được coi là nền tảng để chia sẻ suy nghĩ cá nhân, ngày nay nhiều bạn không dám thể hiện bản thân trên Facebook, Instagram nữa bởi lo sợ những lời chê bai, khinh miệt, chỉ trích khắt khe và không hề mang tính xây dựng từ “cộng đồng mạng”.

Trước thực tế này, Ý Nhi mong muốn khi trở thành Tổng biên tập của thương hiệu sách Ehomebooks, dưới sự hướng dẫn của các đồng nghiệp, trong vòng 12 tháng tới, em sẽ cùng Ehomebooks xuất bản một tựa sách với chủ đề “An toàn trên mạng cho trẻ em gái”.

Ý Nhi và Thùy Dương trong sự kiện Trao quyền cho trẻ em gái.
Ý Nhi và Thùy Dương trong sự kiện Trao quyền cho trẻ em gái.

“Tôi sẽ trực tiếp tham gia vào việc lựa chọn tựa sách, kiểm duyệt và đảm bảo nội dung cho cuốn sách này. Với góc nhìn và ý kiến của một người trẻ đã từng tham gia công tác xã hội, tôi sẽ cố gắng đảm bảo nội dung và hình thức của cuốn sách phù hợp với đối tượng độc giả là trẻ em và thanh thiếu niên” - Ý Nhi tự tin chia sẻ. 

Đồng hành cùng Ý Nhi trong sự kiện “Trao quyền cho trẻ em gái #GirlsTakeover” là Thùy Dương, 17 tuổi, học sinh trường THPT Vân Nội. Cùng với cơ hội trở thành Giám đốc quốc gia của một tổ chức phi chính phủ hoạt động về quyền trẻ em gái, Thùy Dương mong muốn gửi đi nhiều thông điệp truyền thông tích cực tới các bạn trẻ để ngăn chặn hành vi quấy rối trên mạng.

“Tôi sẽ đồng hành cùng mạng lưới thanh niên của tổ chức Plan International Việt Nam tại tất cả các tỉnh thành để xây dựng những chiến dịch truyền thông hiệu quả, nhằm lên án và chấm dứt hành vi bắt nạt trên mạng xã hội. Đồng thời tôi sẽ hợp tác với chị Nhi, Tổng biên tập nhà sách Ehomebooks để phát triển bộ sách ý nghĩa giúp trẻ em gái cảm thấy an toàn hơn trên Internet” - Thùy Dương cho biết về kế hoạch của mình. 

Là người đã đạt giải Nhất trong cuộc thi “Tôi lên tiếng – Tôi hành động" do Trung tâm CSAGA phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức, Nguyễn Thanh Tùng cũng có cách đi riêng của mình. Tùng nhận thấy trong thời đại công nghệ số, người trẻ với sự sáng tạo và năng động của mình có thể có rất nhiều cách thức để truyền thông, thay đổi nhận thức của xã hội trong việc bảo vệ trẻ em.

“Vì thế, trong thời gian tới tôi sẽ cùng cộng sự của mình có kế hoạch cho một chuỗi phim ngắn về bạo lực giới, quấy rối tình dục trẻ em và phụ nữ nhằm cung cấp kiến thức cho trẻ em và phụ huynh để phần nào đó góp công sức nhỏ bé cho xã hội và thay thế các kênh xấu, độc trên mạng xã hội hiện nay” – Tùng cho biết. 

Đọc thêm