Khẳng định vai trò, tiềm năng của phụ nữ trong giai đoạn mới

(PLVN) - Sáng qua (23/10), Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề “Những vấn đề về phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới”. 
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Vai trò, vị trí của phụ nữ được đề cao

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam khẳng định, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII thể hiện những quan điểm, chủ trương, phương hướng lớn, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy tinh thần dân chủ, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm sâu sắc thêm truyền thống “ý Đảng hợp lòng Dân”.

Ngay từ đầu năm, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức đợt sinh hoạt trong các cấp Hội Phụ nữ nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp phụ nữ đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hiện một số đề xuất của Hội đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo văn kiện, nhất là quan điểm về xây dựng lực lượng phụ nữ.

Cụ thể: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi; hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định, lao động nữ đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có chỉ số phát triển giới cao nhất thế giới. Quan điểm giải quyết các vấn đề liên quan đến các chỉ số này được nêu trong dự thảo văn kiện thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác phụ nữ và bình đẳng giới. 

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng vừa xác định quyền làm chủ của phụ nữ với tư cách công dân, tư cách chủ thể chính trị như các lực lượng chính trị - xã hội khác, vừa xác định quyền làm chủ với tư cách một tập hợp giới đông đảo, ngày càng có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, để thực hiện quyền làm chủ thực tế của mình, phụ nữ cần thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện của Hội LHPN Việt Nam - tổ chức đại diện và bảo vệ nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp, vì hạnh phúc, sự tiến bộ của bản thân phụ nữ, gia đình, thế hệ trẻ nói riêng, sự phồn vinh của đất nước nói chung. 

Tạo nền tảng tiến tới bình đẳng giới

Tại Hội thảo, các đại biểu bày tỏ mong muốn dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ nêu bật được vị trí, vai trò cũng như tạo điều kiện để phụ nữ thực sự là một nguồn nhân lực quan trọng, nền tảng tiến tới bình đẳng giới, qua đó đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước. 

Cho rằng bình đẳng giới ở nước ta đã có bước tiến dài từ sau Cách mạng tháng 8/1945, nhưng PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nhận định kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ Việt Nam.

Bởi vậy, bà An đề nghị cần phải tiếp tục khẳng định vai trò và tiềm năng của người phụ nữ trong giai đoạn mới. Về phía chị em phụ nữ phải kiên quyết loại bỏ tư tưởng “phụ nữ chỉ bếp núc”, “chỉ làm hài lòng chồng”… Phải thay đổi quan điểm phụ nữ đồng thời phải làm tất cả mọi việc đều tốt; chất lên vai người phụ nữ gánh nặng như giỏi việc nước, đảm việc nhà. Những điều này chỉ đúng với thời chiến - khi nam giới đang ra trận.

Đề cập đến việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, PGS. TS Bùi Thị An mong muốn người phụ nữ phải làm thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu mà không bị bỏ lại phía sau; phải ngang hàng để “ra sân” cạnh tranh bình đẳng với những người khác giới.

Tán đồng với quan điểm này, một số ý kiến cho rằng, bảo đảm công bằng là đúng nhưng chưa đủ, bởi vậy cần thêm cụm từ “bình đẳng giới” cùng với cơ sở bảo đảm công bằng xã hội và các giá trị cơ bản khác của định hướng xã hội chủ nghĩa trong mục “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”. Bởi hiện nay, giới nữ nước ta có nhiều tiềm năng nhưng chưa được bình đẳng và tạo điều kiện. 

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị dự thảo văn kiện Đại hội XIII thể hiện rõ quan điểm gia đình là tế bào của xã hội, cái nôi nuôi dưỡng và là môi trường quan trọng hình thành, giáo dục nhân cách của trẻ em. Những năm qua, công tác trẻ em được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội rất quan tâm.

Nhưng một số quy định của Luật Trẻ em chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, chế tài xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng chống xâm hại trẻ em còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe. Pháp luật về trẻ em trên môi trường mạng quy định chưa đầy đủ, việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh chưa được quan tâm đúng mức…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, vấn đề xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục chiếm đa số, nạn nhân phần lớn là trẻ em gái. Mặc dù công tác tuyên truyền về bảo vệ trẻ em được quan tâm nhưng chưa đủ để tạo sự thay đổi về hành vi.

“Nói đến trẻ em và phụ nữ là chúng ta nói đến gia đình. Vì vậy trong dự thảo văn kiện, chúng tôi mong muốn đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng con người Việt Nam. Đây là chủ trương lớn, làm sao để chúng ta thấy được gia đình phải đóng vai trò lớn trong việc này”- bà Hòa bày tỏ.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ, tổng hợp, hoàn thiện nội dung nhằm góp ý cho dự thảo Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng sắp tới. 

Đọc thêm