Cuộc cách mạng mà Bộ Công an 'lĩnh ấn tiên phong'

(PLO) - Đó là một nhận định của vị tướng Công an về việc tinh gọn bộ máy đang diễn ra tại Bộ Công an. Đã 40 năm công tác tại ngành và giữ chức Viện trưởng nên ông quá biết rõ những khó khăn, trở ngại khi phải sắp xếp lại một bộ máy khổng lồ từ khi không có một tổng cục nào mà nay có đến 8 tổng cục và rất nhiều các cục ở trong bộ.
Hình minh họa

Gọi là cuộc cách mạng trong tổ chức bởi trước hết cần có sự quyết liệt từ nhận thức đến hành động và thay đổi hoàn toàn cái nhìn cố hữu cùng với cách làm xưa cũ, thiết lập nên một bộ máy hiệu quả và phù hợp với hiện trạng đất nước và chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Bộ Công an đã “lĩnh ấn tiên phong” trong lĩnh vực này bởi một cuộc sắp xếp nhân sự, giảm bớt đầu mối rất lớn. Trước đó, đã có việc tinh gọn bộ máy ở Bộ Công thương nhưng có lẽ chỉ là việc sắp xếp và thay đổi nhân sự, hợp nhất một số đơn vị, còn việc diễn ra một cuộc “cách mạng” thì hiển nhiên là chưa.

Trong cuộc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế này rất cần có một ngành, một bộ đi đầu như một điển hình, một sự đột phá khẩu. Chủ trương đã rõ song tình trạng “nhìn nhau”, lừng chừng là khá phổ biến. Các cơ quan ở Trung ương nên làm gương, tinh giản bộ máy của mình, trước hết là chấm dứt tình trạng “lạm phát cấp phó” hoặc “thí điểm” phong “hàm” mà chưa có quy định trong luật. Nếu ở Trung ương quyết liệt thực hiện thì hẳn là sẽ tác động tích cực đến các địa phương và có vị thế để thúc đẩy địa phương làm tốt việc này.

Hiện tại, vấn đề sáp nhập các đơn vị hành chính cũng đang nổi lên với rất nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đủ tiêu chuẩn do Bộ Nội vụ thống kê. Việc phức tạp nhất vẫn là giải quyết biên chế thừa ra sau khi sáp nhập.

Phức tạp nhưng lại chính là cơ hội để tuyển chọn những người xứng đáng trong bộ máy. Cứ thi tuyển công khai, minh bạch thì những người bị loại ra cũng chẳng oán thán gì. Vị tình, nể nang, con ông cháu cha, quan hệ tình cảm hay tiền bạc,... không có chỗ trong một cuộc cách mạng.

Đã có một “tiền lệ” là ngành Thuế, khi thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế thì cũng không gây ra biến động lớn, ngược lại, còn vững mạnh hơn khi họ đảm đương từ nay đến cuối năm, mỗi ngày cả nước bình quân phải thu 4.000 tỷ tiền thuế.

Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là việc phải làm và làm ngay, không ai khác là cấp lãnh đạo ở từng bộ, ngành, địa phương và mỗi đơn vị, cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc này. Phân cấp rõ ràng, không làm được thì “đứng sang một bên”, không cần kêu gọi thì cũng chẳng ai dám lừng chừng nữa!