Cuộc đấu khẩu trực diện cuối cùng

(PLVN) - Ngày 22/10 vừa qua, cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng trên truyền hình giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden, trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ đã được tiến hành.
Ông Joe Biden (phải) và ông Donald Trump trong cuộc tranh luận Tổng thống lần thứ nhất.
Ông Joe Biden (phải) và ông Donald Trump trong cuộc tranh luận Tổng thống lần thứ nhất.

Những quy định mới của ban tổ chức nhằm đảm bảo cuộc tranh luận diễn ra trong trật tự và hài hòa đã phát huy tác dụng và giúp nước Mỹ có được một cuộc tranh luận khá thực chất giữa hai ứng cử viên tổng thống này. Ông Biden thể hiện còn tự tin hơn cả ở lần trước trong khi ông Trump phải gắng gượng tự kiềm chế trong khuôn khổ quy định mới.

Các chủ đề nội dung đối nội chi phối cuộc tranh luận quanh các vấn đề dịch bệnh Covid-19, phân biệt sắc tộc, an ninh nội bộ, chính sách xã hội, biến đổi khí hậu và năng lực lãnh đạo đất nước là những chủ đề nội dung được ấn định cho lần đấu khẩu trực diện nhau này của ông Trump và ông Biden. Chủ đề nội dung về đối ngoại gần như bị gạt ra ngoài lề.

Cả ông Trump lẫn ông Biden đều không đưa ra được ý tưởng nào mới so với những gì thiên hạ đã biết về quan điểm của họ thể hiện trong cuộc vận động tranh cử đến nay. Sự khác biệt giữa hai người về nội dung cương lĩnh vận động tranh cử và định hướng quan điểm chính sách cầm quyền nếu thắng cử bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Kết quả thăm dò dư luận của hãng truyền thông CNN sau cuộc tranh luận cho thấy đa số công chúng ở Mỹ nhìn nhận ông Biden đã thắng và ông Trump bị thua ở lần tranh luận trực tiếp với nhau này.

Đối với cả hai người, cuộc tranh luận này là cơ hội lớn cuối cùng giúp họ chuyển tải thông điệp của họ tới số lượng lớn nhất cử tri Mỹ. Dịch bệnh đã làm cho cả hai đều không thể tiến hành nhiều hoạt động vận động tranh cử ở quy mô lớn và họ cũng không còn nhiều thời gian để tổ chức dồn dập những hoạt động vận động tranh cử ở quy mô nhỏ hơn. Ông Trump hiện phải trực diện với nhiều bất lợi hơn ông Biden và vì thế cuộc tranh luận này lại càng thêm quan trọng đối với ông Trump. 

Năm nay, ban tổ chức ấn định tiến hành 3 cuộc tranh luận trực tiếp với nhau trên truyền hình cho ông Trump và ông Biden. Cuộc thứ nhất trong thực chất đã bị ông Trump hủy hoại do cách ứng xử của chính mình trong tranh luận. Trận ấy, ông Biden được công nhận chung là người giành lợi thế. Cuộc thứ hai bị ông Trump hủy bỏ vì không chấp nhận cách thức tranh luận trực tuyến.

Phía ban tổ chức không dám tổ chức trực tiếp cuộc tranh luận ấy bởi ông Trump bị lây nhiễm dịch bệnh. Bởi vậy, người thắng trong các cuộc tranh luận trực tiếp năm nay giữa hai ứng cử viên tổng thống là ông Biden chứ không phải ông Trump. 

Đương nhiên, kết quả các cuộc tranh luận không phải là kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống, nhưng vẫn là một thước đo về triển vọng thắng cử hay nguy cơ thất cử của các ứng cử viên tổng thống. Điều hiện có thể chắc chắn là ông Trump đã không tận dụng được hai cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với ông Biden để xoay chuyển những biểu hiện bất lợi đối với mình.

Chiều hướng diễn biến tình hình chính trị xã hội nội bộ ở Mỹ tiếp tục thuận cho triển vọng thắng cử của ông Biden. Nhưng mức độ thuận ấy có đủ để giúp người này đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay hay không lại là chuyện khác.

Điều mà ông Biden và cộng sự không thể xem nhẹ nếu muốn giành về thắng cử năm nay là tác động phụ của lợi thế hiện tại. Cử tri trung thành với phe Đảng Cộng hòa và ông Trump sẽ càng có động lực và được khích lệ để đi bỏ phiếu. Bộ phận cử tri cực hữu sẽ tìm mọi cách để ngăn cản cử tri ủng hộ ông Biden và phe Đảng Dân chủ đi bỏ phiếu.

Ông Trump trong những ngày tới sẽ còn quyết liệt hơn nữa trong hoạt động vận động tranh cử. Chính trường và nội bộ nước Mỹ hiện bị phân hóa sâu sắc nên mọi chuyện đều vẫn luôn có thể xảy ra trong những ngày tới. Cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ vì thế kịch tính và khó dự liệu kết cục hơn hẳn những lần bầu cử trước đấy.

Đọc thêm