Trong khi đó, VNPT vẫn đang triển khai chính thức cung cấp 4G lần lượt ở một số tỉnh, thành. Chiến lược thị trường khác nhau của các nhà mạng đang đem đến những màu sắc mới cho cuộc đua 4G.
“Nơi nào ở Việt Nam cũng có sóng 4G Viettel”
Với khẩu hiệu “Năm 2017 – năm của 4G”, Viettel vừa làm một cuộc hành quân thần tốc trong việc triển khai hạ tầng trạm 4G, với việc phủ rộng và sâu ngay từ đầu nhưng với tốc độ nhanh hơn gấp nhiều lần. Nếu việc xây dựng mạng 2G với khoảng 25.000 trạm BTS, phủ 95% dân số, mạng này làm mất 10 năm, làm mạng 3G với khoảng 30.000 trạm, phủ 95% dân số, mất 8 năm, thì Viettel đã triển khai mạng 4G với khoảng 36.000 trạm, phủ 95% dân số chỉ mất vỏn vẹn 6 tháng.
“Tại thời điểm khai trương 4G Viettel, chúng tôi sẽ có vùng phủ sóng 100% tới các quận, huyện trên cả nước với 36.000 trạm phát sóng 4G. Với vùng phủ rộng, sâu và liên tục với dung lượng lớn của 4G Viettel, tin rằng, khi bật máy lên bất cứ đâu ở Việt Nam sẽ có 4G thực sự của Viettel” – ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.
Chiều ngày 11/4, test (kiểm tra) tốc độ thực tế tại điểm cực Bắc – Cột cờ Lũng Cú và Test tốc độ 4G tại Lũng Cú, PV ghi nhận tốc độ 4G đạt trong khoảng từ 80- 105Mbps, upload 40- 50 Mbps. Sóng 4G dọc đường từ Hà Giang lên Đồng Văn khá ổn định.
Theo đại diện Viettel, việc đầu tư này thể hiện cam kết của Viettel, rằng đến năm 2020, mỗi người dân Việt Nam đều sẽ có một chiếc điện thoại smartphone có thể truy cập internet để giải trí, học tập, kiếm sống. Việc đầu tư này cũng thể hiện tầm nhìn của Viettel, theo đó smartphone và băng rộng di động là một cơ hội cho những quốc gia đang phát triển. Viễn thông có thể thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và người nghèo trong một thời gian ngắn, khi chi phí thiết bị và giá cước truy cập internet qua điện thoại giảm đi tới 10 lần truy cập qua băng rộng cố định, đem đến cơ hội cho nhiều người. Viễn thông giờ đây không chỉ là viễn thông nữa, nó có thể xâm nhập vào IT, vào các ứng dụng, vào giáo dục, y tế... len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hàng chục gói cưới đã được Viettel xác lập nhằm đảm bảo cước 4G rẻ hơn 3G.
Việt Nam là một trong những nước cuối cùng trên thế giới cấp giấy phép 4G. Theo đại diện Viettel, trong thành công của 2G, Viettel là tác nhân chính, là người dẫn dắt. Giờ đây, với 4G, Viettel cũng tự nhận cho mình vai trò này, là người dẫn dắt. Như vậy, sau đúng 12 năm sau 1 vòng quay, Viettel lại tiếp tục nhận cho mình vai trò là người tạo ra cuộc cách mạng viễn thông lần thứ hai và lấy lại vị thế của Việt Nam trong làng viễn thông thế giới.
“Ở đâu có VinaPhone 4G, ở đó VinaPhone 4G là tốt nhất”
Đó là khẳng định của VNPT trong việc triển khai 4G. Khác với Viettel chính thức cung cấp 4G trên cả 63 tỉnh, thành thì VNPT là nhà mạng đầu tiên cung cấp chính thức dịch vụ 4G từ cuối năm 2016, nhưng lại chỉ ở địa bàn Phú Quốc. Sau Phú Quốc (Kiên Giang), Bình Dương, VNPT vừa khai trương dịch vụ 4G tại tỉnh Cà Mau cách đây ít ngày.
Hiện nay, VNPT đã gần như hoàn thành giai đoạn 1 của đề án phủ sóng 4G tại 12 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Phước, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bạc Liêu. Mặc dù mới chính thức khai trương dịch vụ tại một vài tỉnh, thành, song người dùng hiện đã có thể đổi sim và sử dụng 4G tại tất cả 12 tỉnh, thành nói trên. VNPT đang triển khai chương trình đổi sim 4G miễn phí cho thuê bao trên toàn quốc.
Song song với việc tối ưu hoá chất lượng 4G tại những địa bàn đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ, VNPT VinaPhone cũng đang tập trung nguồn lực để triển khai giai đoạn II của đề án phủ sóng 4G. Dự kiến từ nay tới cuối tháng 5, VNPT sẽ bổ sung thêm hơn 3.000 trạm thu phát sóng 4G, đảm bảo phương châm đã đặt ra: “Ở đâu có VinaPhone 4G, ở đó VinaPhone 4G là tốt nhất”.
Trên nền tảng 4G, với việc tăng tốc cung cấp dịch vụ của các nhà mạng, tới đây, nhiều tiện ích sẽ được cung cấp hứa hẹn một bước đột phá trên thị trường viễn thông Việt Nam.