Cuộc gặp cấp cao EU - Nga vẫn còn bỏ ngỏ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại hội nghị cấp cao vừa rồi, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) không đạt được sự nhất trí cần thiết cho việc tiến hành cuộc gặp cấp cao giữa EU và Nga trong thời gian tới.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Ý tưởng về mời Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ lãnh đạo EU được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng nhau đưa ra.

Một cuộc gặp cấp cao giữa EU và Nga trong bối cảnh tình hình hiện tại ở châu Âu và ở mối quan hệ song phương giữa EU và Nga có thể mở ra cơ hội giúp cho mối quan hệ song phương này được cải thiện. EU chưa thuận cho cuộc gặp như thế, hàm ý EU chưa sẵn sàng cho những bước đi mang tính đột phá để đưa lại chuyển biến cơ bản trong quan hệ với Nga cũng như mối quan hệ này chưa thể bớt căng thẳng và đối kháng trong thời gian tới.

Khi đưa ra đề xuất có cuộc gặp cấp cao giữa EU và Nga, bà Merkel và ông Macron vận dụng cách tiếp cận mà tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sử dụng để xử lý quan hệ của Mỹ với Nga và nhờ đó mà vừa mới có được cuộc gặp giữa ông Biden và ông Putin ở Geneva (Thuỵ Sĩ).

Cách tiếp cận này là gặp gỡ trực tiếp để trao đổi thẳng thắn với nhau, nếu không giải quyết được các mối bất hoà thì ít nhất bên này cũng nhận thức được chỉ giới đỏ mà phía bên kia đưa ra, kết quả tối thiểu có thể đạt được là quan hệ song phương không tồi tệ thêm.

Giống như mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, mối quan hệ giữa EU và Nga hiện trong tình trạng xấu như chưa từng thấy kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây. Mỹ và EU làm găng với Nga nhưng trong thực chất vẫn rất cần sự hợp tác với Nga trên nhiều lĩnh vực khác nhau. EU cần nó còn nhiều hơn Mỹ vì EU bị ảnh hưởng và tác động trực tiếp bởi biến động trong quan hệ giữa các thành viên với Nga.

Dù vậy, hiện EU chưa sẵn sàng cho cuộc gặp cấp cao với Nga bởi nhiều lý do khác nhau. Mỹ là một quốc gia trong khi EU là liên minh của 27 quốc gia nên có được sự đồng thuận quan điểm cho quyết sách lớn trong EU là không đơn giản. Đề xuất nói trên của Đức và Pháp bị “phá sản” trước tiên bởi cách làm của ông Macron và bà Merkel thiên về lấn lướt và áp đặt chứ không tham vấn, trao đổi và thuyết phục các nước thành viên khác của EU trước khi đưa ra công khai. Trong EU có không ít thành viên luôn nghi ngại về cái gọi là “Trục Đức - Pháp” chi phối liên minh. Cả bà Merkel và ông Macron đều bị sa sút uy tín và vai trò trong EU.

Trong EU hiện xung khắc 2 luồng quan điểm về định hướng quan hệ với Nga. Một luồng quan điểm được đại diện bởi Đức và Pháp thể hiện trong biện luận cho đề xuất về mời ông Putin gặp cấp cao. Luồng quan điểm thứ hai cho rằng EU đang áp dụng nhiều biện pháp chính sách trừng phạt Nga về việc nước này tiếp nhận Crimea và hậu thuẫn phe ly khai ở Ukraine, cũng như không đáp ứng các tiêu chí của EU về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền, đặc biệt hạn chế tự do báo chí và ngôn luận cũng như trấn áp phe đối lập.

Đặc biệt là những nước thành viên EU ở khu vực láng giềng của Nga kịch liệt chống phá mọi hình thức và mức độ cải thiện quan hệ giữa EU và Nga. Ở những nước này, căng thẳng và đối đầu, nếu như không muốn nói thù địch Nga, là một trong những định hướng trung tâm trong chính sách đối nội và đối ngoại. Các nước này chống phá bằng mọi giá việc thực hiện dự án hợp tác giữa Nga và một số nước thành viên EU về xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.

Rõ ràng là bà Merkel và ông Macron muốn tận dụng đà và tác động của cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Nga vừa qua để tạo bước đi mới trong xử lý quan hệ của EU và Nga, tránh để xảy ra tình trạng EU bị tụt hậu so với Mỹ trong xử lý quan hệ song phương với Nga. Nhưng cũng rõ ràng là mọi tiền đề khách quan cũng như chủ quan trong EU hiện chưa thuận lợi cho việc tiến hành cuộc gặp cấp cao giữa EU và Nga. Cách làm của ông Macron và bà Merkel lại không khôn khéo về chính trị, nếu như không muốn nói là có phần sai lầm. Quan hệ của EU với Nga vì thế còn tiếp tục trượt dốc.

Đọc thêm