Cuộc gặp thiên mệnh của gia đình sở hữu những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

(PLO) - Nhắc tới gia đình đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử (94 tuổi) là người ta nhắc đến đại gia đình tỷ phủ hàng đầu ở Việt Nam. Bởi ông là cha đẻ của những người con tỷ phú, làm chủ các doanh nghiệp tầm cỡ của Việt Nam như Ngân hàng Tiên Phong; Công ty Vàng bạc đá quý Doji... 
Thưởng thức trà vợ pha là hạnh phúc của ông mỗi ngày.
Thưởng thức trà vợ pha là hạnh phúc của ông mỗi ngày.
Nhưng ít người biết, đằng sau sự nổi tiếng này là những bài học, những quãng thời gian tưởng chừng như ông Sử có thể gục ngã, nếu ông không gặp được mối thiên duyên của đời mình.
Cuộc gặp gỡ định mệnh…
Trong căn nhà ở ngõ Bà Triệu (Hà Nội), lão doanh nhân Đỗ Thế Sử hồi tưởng lại những quãng thời gian khốn khổ nhất cuộc đời mình. Khi ấy, ông đang là Tổng Biên tập Báo Sơn Tây. Sau cái chết đột ngột của người vợ, ông nhận thấy nếu cứ làm nghề báo sẽ không thể đủ điều kiện nuôi 9 người con ăn học. Ông quyết định từ bỏ sự nghiệp, quay sang làm chủ nhiệm hợp tác xã chuyên sản xuất các mặt hàng về gang nhôm và nhựa. 
Với công việc mới này, ông mày mò các nơi, tìm các mối mua nguyên liệu rẻ mà chất lượng, đặt mối quan hệ hợp tác với các đối tác có uy tín. Với các sáng kiến cải tiến kỹ thuật từ Chủ nhiệm Đỗ Thế Sử và sự lãnh đạo bằng cả tâm và tầm của ông, hợp tác xã được đi báo cáo điển hình. 
Và ở đây, lần đầu tiên ông đã gặp bà Nguyễn Kim Phương, cũng trong vai trò một chủ nhiệm hợp tác xã điển hình. Bà Phương khi ấy là một phụ nữ góa chồng đã 20 năm, chỉ sau 72 ngày làm vợ. Bà thật đẹp, cái đẹp toát lên từ một người phụ nữ Hà thành ở tuổi 40 khiến ông Đỗ Thế Sử (khi ấy đã 56 tuổi) cũng phải “thầm thương trộm nhớ”. 
Ông làm quen, nói chuyện với bà mà không dám nghĩ đến một mối duyên mới có thể hình thành, bởi đằng sau ông là 9 người con. 
Sau lần gặp đầu tiên, hai hợp tác xã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm khiến ông bà có cơ hội gặp nhau thường xuyên hơn và tình cảm lớn dần nơi hai con người “đơn chiếc”. Sau khi tìm hiểu được một phần đời bất hạnh của ông Sử, bà Phương đồng cảm và thấy thương ông, người đàn ông vất vả một mình nuôi con trong 15 năm. 
Nhận thấy “tín hiệu” từ người đàn bà giỏi giang, ông Sử thấy lòng mình ấm lại nhưng vẫn không dám ngỏ lời, tất cả chỉ vì ông quá lo lắng cho đàn con của mình và ông cũng lo cho bà, nếu bà chấp nhận lời tỏ tình của ông. 
Hai người cứ giữ ngọn lửa tình yêu trong lòng mình sau một thời gian dài quen nhau mà chưa ai dám tiến xa hơn. Bà Phương hiểu được tại sao ông chưa dám nói điều gì với mình nên đã chủ động... kể câu chuyện “làm chị cả của 9 người em” của mình cho ông nghe. Đây có lẽ là nút thắt bất ngờ cho “mối duyên trời định” của đại lão doanh nhân hiện đã ở tuổi 94 này. 
Ông Sử tâm sự: “Tôi chỉ biết bà ấy góa chồng khi còn quá trẻ, chưa kịp có con nên việc bắt bà làm mẹ kế của 9 người con là điều quá bất công đối với bà ấy. Đây chính là lý do khiến tôi không dám nghĩ tới chuyện tiến xa hơn với bà và cứ giữ khoảng cách dù “tình trong như đã”. Tôi thấy bất ngờ khi bà ấy kể cho tôi cuộc đời làm chị cả của 9 người em của bà và chính điều này khiến tôi vững tin hơn khi mạnh dạn đề nghị bà về ở cùng nhà với mình”. 
Quyết định ngỏ lời với bà Phương và được bà đồng ý, ông lại nghĩ đến đàn con của mình. Ông Sử cho biết: “Trước khi quyết định lấy nhau, đích thân tôi đã đến gặp hai bên thông gia của mình (thời điểm ấy 2 người con của ông đã lập gia đình – PV) nói chuyện trước với họ về việc họ sẽ thêm bà thông gia, sau nhiều năm chỉ quan hệ với ông thông gia. 
Tôi muốn con cái mình luôn luôn chủ động trong công việc, ăn ở, sinh sống với gia đình bên ấy, không muốn con cái vì chuyện của bố mà thành khó ăn khó nói với bố mẹ vợ (chồng) nó”. 
Duyên trời gắn kết hai người lại với nhau.
Duyên trời gắn kết hai người lại với nhau. 
Có vợ hai mới bắt đầu làm giỗ cho vợ cả 
Quyết định tục huyền có lẽ là quyết định lớn nhất cuộc đời ông bởi từ ngày bà về làm vợ ông, bà đã luôn chủ động trong vai trò một người phụ nữ chính trong gia đình. Ông kể: “Bà ấy nói với các con tôi, bà sẽ là người chịu trách nhiệm với gia đình, các con cứ yên tâm học hành, công tác. Quả thực, tôi phải có phúc lắm mới gặp được bà ấy”. 
Ngừng lời cho qua cơn xúc động, ông Sử kể tiếp: “Từ khi người vợ đầu của tôi mất, chưa bao giờ tôi làm giỗ cho vợ tôi vì trước đấy, cứ đến ngày vợ tôi mất là tôi cho con đi chơi, còn tôi ở nhà nhìn ảnh vợ, tưởng nhớ và khóc. Tôi khóc cho thân phận mình và thương các con tôi hơn khi chúng không được hưởng tình cảm của một người mẹ. Thế mà từ khi người vợ thứ hai về, bà bắt đầu làm giỗ cho vợ tôi”. 
Từ thời điểm ấy, cả nhà ông Sử có một ngày quây quần bên nhau để cùng nhớ về người đã khuất. Có lẽ vì hành động này mà các con ông thương yêu người vợ hai của bố tự nhiên như những người con đối với mẹ mình. Hai người lấy nhau và sinh thêm 2 người con nữa. Dù bận rộn công việc kinh doanh nhưng ông bà vẫn luôn phân công nhau “cùng học” với con cái mình và cùng nhau chuyện trò, nâng đỡ con cái trong việc kinh doanh và xây dựng giá trị gia đình. 
Khi con cái giỏi giang, thành đạt, đều là những nhà doanh nhân tầm cỡ của Việt Nam thì ông bà quyết định kinh doanh trở lại. Ông tâm sự: “Tôi ngồi một chỗ cảm giác như mình bị ốm. Bà nhà tôi hiểu được điều này nên đã động viên tôi đi làm trở lại”. 
Với quyết định này, ở tuổi 73, ông bà đã thành lập Công ty May mặc Megamex (ông làm Chủ tịch, bà làm Giám đốc), chuyên sản xuất đồ may mặc rồi xuất khẩu sang các quốc gia khác với hơn 300 nhân công, làm việc ở 2 xưởng may tại Ba Vì và Hoàng Mai (Hà Nội). 
Bây giờ, sau khi bị các con thuyết phục nghỉ ngơi, ông bà đã “dừng lại” công việc kinh doanh và đang cùng nhau sống hạnh phúc từng ngày trong một đại gia đình ở phố Bà Triệu. Bàn trà trong nhà luôn sẵn ấm trà nóng như biểu hiện của một tình yêu nồng nàn, đã soi rọi và sưởi ấm cho hai con người mà đúng là  phải có thiên mệnh, họ mới gặp được nhau.../.

Đọc thêm