Cuộc ly hôn 'cởi trói' của người đàn bà sinh 3 con gái

Bà muốn ly hôn vì chồng bỏ bê chăm lo gia đình, thường xuyên bạo hành vì chán vợ sinh 3 con gái, còn ông phủ nhận nói bà ham tiền nên không coi chồng ra gì.
Tại phiên toà phúc thẩm mở tại TAND Hà Nội, ngồi cạnh chồng cũ (ông Thành) nhưng hầu như không hề nhìn, bà Thu bức xúc cho hay 20 năm trước từ ngày cưới, là con dâu trưởng nên phải đảm trách, lo toan nhiều việc trong gia đình chồng. 
Bà nghĩ dốc sức chăm lo tổ ấm thì sẽ được chồng ghi nhận nhưng kết cục không phải thế. Từ khi sinh đôi hai con gái, cuộc sống vợ chồng liên tục mâu thuẫn bởi sâu xa bà hiểu chồng muốn có con trai, chán có tới 3 con gái. Ông không còn chăm lo kinh tế, liên tục kiếm cớ để mắng, xúc phạm vợ con.
“Gia đình chồng cũng vì thế mà không gần gũi 3 cháu gái nội”, bà Thu trình bày.
Mâu thuẫn kéo dài từ năm 1998, đến đầu năm 2013, ông Thành đâm đơn ly hôn. Gia đình hai bên khuyên bảo, ông sau đó rút đơn nhưng từ đây "sóng" trong tổ ấm của bà lại càng mạnh hơn. Và bà Thu là người gửi đơn xin ly hôn với lý do “tình cảm vợ chồng không còn”.
Bà trải lòng cho hay nghĩ đến tương lai của các con đã cố nhịn nhưng hai năm nay thì đã vượt quá sức chịu đựng. Việc bạo hành của chồng trong gia đình đã ngày càng tác động xấu tới tâm lý, học tập của các con.
Bà Thu đề nghị toà chia đều cho mình và ba con gái phần tài sản chung là căn nhà gần 170m2 và mảnh đất nông nghiệp khoảng 1.000 m2.
Trái ngược với trình bày của bà Thu, ông Thành nói mình làm công nhân, vợ ở nhà làm gia công mũ nan. Hai vợ chồng có cửa hàng vật liệu xây dựng. Ngoài ra, ông còn đi nấu cỗ thuê, làm vườn.
Ông cho hay bà Thu là con dâu trưởng nhưng không có trách nhiệm với gia đình nhà chồng. Khi bố ông ốm nặng tại bệnh viện, bà đều kiếm cớ để không phải tới chăm sóc, trông nom và còn xúi các con xa lánh bên nội. “Bà ấy đặt đồng tiền lên trên hết, coi thường chồng và gia đình chồng, thường xuyên xúc phạm tôi”, ông nói. Ông đồng tình ly hôn vì tình cảm vợ chồng không còn.
Ông không đồng ý chia 1.000m2 đất nông nghiệp cho vợ vì đây là hương hỏa của tổ tiên để lại không phải tài sản chung vợ chồng. "Bà ấy không phải là người làm nông nghiệp sao lại coi đó là đất được chia", ông nêu quan điểm.
Tòa sơ thẩm quận Nam Từ Liêm sau khi ra phán quyết ly hôn đã chia ông Thanh được hưởng 3/5 phần nhà và đất nông nghiệp, số còn lại thuộc về 4 mẹ con. 
Tại phiên phúc thẩm mới đây, xét kháng cáo của bà Thu, cấp phúc thẩm TAND Hà Nội nhận định việc chia trên chưa thỏa đáng nên tuyên bà Thu và các con được hưởng 3/5 số tài sản, ông Thành chỉ được 2/5./.

Đọc thêm