Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Chị trưởng phòng tổ chức bực bội bảo tôi: “Cô về thu xếp chuyện nhà cho xong rồi hãy trở lại làm việc, tôi hết chịu nổi rồi!”.
Đâu phải chỉ chị sếp bực mình mà chính tôi cũng hết chịu nổi với cách hành xử của Khanh. Ngày nào anh cũng đến công ty réo tên tôi mà chửi. Rồi anh gọi điện thoại cho giám đốc yêu cầu sa thải tôi. Chưa hết, anh gọi điện cho bất cứ ai trong công ty mà anh tìm được số điện thoại. Anh rêu rao trên mạng là tôi theo trai, bỏ bê nhà cửa, chồng con.
Anh làm tất cả những điều đó chỉ để bêu xấu tôi, làm cho tôi phải xấu hổ, nhục nhã mà bỏ việc, quay về những ngày tháng ăn bám, sống phụ thuộc vào anh như một dây tầm gởi. Nhưng lòng tôi đã quyết, 10 năm đã quá đủ cho một sự hi sinh nhưng không hề được báo đáp.
Trong mắt anh, từ một người vợ vì thương chồng, yêu con, chấp nhận lùi lại phía sau để chồng rảnh rang lo cho công danh sự nghiệp, tôi bỗng trở thành một người thừa thãi, đáng khinh, chẳng bằng ai, đúng hơn là chẳng giống ai.
Tôi không nhớ chính xác chuyện đó bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng, anh bắt đầu so sánh tôi với người này người khác. Khi tôi phản ứng thì anh còn khiêu khích: “Tao nói không phải sao mà mày cãi? Mày coi mày có bằng ai trong số vợ của bạn tao không? Chừng nào mày bằng họ thì mày mới có quyền nói”.
Hôm đó Khanh có rượu nên tôi không đôi co. Thế nhưng Khanh lại cho đó là “khi dễ” nên sấn tới bóp cổ tôi: “Tao nói với mày mà sao mày không trả lời? Mày không trả lời tao cho mày nín luôn”. Nếu không có bác Tư hàng xóm bất ngờ qua nhà mượn mấy cái ghế nhựa vì nhà có khách thì có lẽ tôi đã bị chồng bóp cổ đến chết.
Mấy hôm sau, Khanh lại kiếm chuyện: “Tiền tao đưa đâu hết rồi mà mày cho tao ăn như cho heo ăn vậy?”. Tôi biết Khanh kiếm chuyện nên cố dằn lòng: “Bây giờ cái gì cũng lên giá... Anh đưa 3 triệu đồng mỗi tháng, em gói ghém lắm mới đủ”. Khanh dằn mạnh chén cơm: “Hay là mày đút nhét cho bà già mày dưới quê?”.
Tôi hết chịu nổi rồi nên buông chén cơm: “Xin anh đừng có mày tao như vậy, nếu không, em không nói chuyện với anh nữa”.
Tôi vừa dứt lời thì đã nghe một tiếng “choang”. Chén cơm trên tay Khanh đã bay vô tường vỡ tan tành. Anh nhào sang túm tóc tôi: “Hôm nay mày dám trả treo hả? Vậy thì tao cho mày trả treo nè...”. Vừa nói, Khanh vừa đập mạnh đầu tôi vô tường.
Trước nay khi vợ chồng gây gổ, tôi luôn nhịn Khanh vì sợ xấu hổ với hàng xóm, nhưng lần đó, bản năng sinh tồn đã khiến tôi vùng dậy. Lấy hết sức bình sinh, tôi xô mạnh Khanh ra rồi chạy ra trước nhà la lớn: “Bớ người ta, giết người...”.
Chẳng mấy lúc mà bà con hàng xóm đã có mặt đông đủ. Khanh xấu hổ nên bỏ lên lầu, bác tổ trưởng dân phố và chị cán bộ phụ nữ gọi mãi vẫn không chịu xuống. Cuối cùng mọi người ra về sau khi căn dặn tôi, có chuyện gì thì phải kêu lớn như vậy.
Tối đó, sau khi dỗ hai đứa nhỏ ngủ, tôi chốt chặt cửa phòng, không dám ngủ vì sợ Khanh tiếp tục kiếm chuyện. Thế nhưng cả đêm đó không có chuyện gì. Sáng ra, vừa trông thấy tôi, Khanh đã cười nhạt: “Cô giỏi lắm nhưng đừng tưởng tôi chịu thua. Tôi chán cái bản mặt cô lắm rồi. Cô cứ ở nhà với hai đứa nhỏ, mẹ con tự lo đi”.
Tôi không biết Khanh định làm gì, mãi mấy hôm sau tôi mới nghe anh dọn đến ở với một người đàn bà làm chung công ty. Họ bồ bịch với nhau đã lâu, tôi có nghe đồn đãi nhưng không dám hỏi Khanh vì biết chắc, hỏi lơ mơ là ăn đòn.
Khanh đi biền biệt, không về cũng chẳng gọi điện thoại. Ba mẹ con tôi phải vay mượn tiền của anh em, bạn bè sống đắp đổi. Đến lúc ấy tôi mới thấm thía thân phận tầm gởi của mình. Giá mà tôi có công việc, có thu nhập thì đâu khốn khổ như bây giờ.
“Cô phải tìm một công việc để làm chớ không thể cứ mãi phụ thuộc vào chồng như vậy. Cô thấy rồi đó, chồng bỏ đi là mẹ con nheo nhóc”- chị cán bộ phụ nữ nói vậy khi đem tiền đến cho tôi mượn. Chị bảo có chỗ quen, có thể xin cho tôi làm nhân viên văn phòng, ít nhất thì cũng đủ tiền rau cháo...
Tôi đi làm được mấy bữa thì Khanh đến công ty quậy tưng bừng. Giám đốc công ty dù rất thông cảm nhưng cuối cùng cũng hết chịu nổi, phải cho tôi nghỉ việc. Tôi tự mình đi tìm nơi khác. May mắn là có một công ty đang cần nhân viên phục vụ. Tôi xin, họ nhận liền.
Lần này tôi làm được gần 1 tháng thì Khanh mới tìm đến. Vậy là bổn cũ soạn lại. Chồng tôi vẫn giở thói Chí Phèo như cũ. Trời ơi, tôi hết chịu nổi rồi, tôi bị ức chế lắm rồi. Tôi gọi điện thoại về quê cho anh hai của Khanh nhưng ông anh chồng chẳng giúp được gì vì “cái thằng đó nó du côn lắm, anh không dám rớ vô đâu”.
Tôi cầu cứu chị chồng ở gần đó thì chị cũng chịu thua: “Ai mà nói được nó, chị sợ nó lắm. Lơ mơ nó cào nhà chị”. Tôi lại báo tổ dân phố. Bác tổ trưởng lại dặn “chừng nào nó quậy thì la thiệt lớn...”.
Trời ơi, tôi phải làm sao đây? Hết cách rồi, giờ tôi phải tự cứu thôi. Tôi không biết chồng tôi đi, về lúc nào, tốt nhất là tôi phải thủ sẵn một con dao nhọn, cùng đường tôi sẽ liều với anh ta chớ tôi hết chịu nổi rồi. Cuộc sống bây giờ giống như hỏa ngục thì thà liều một phen sống mái rồi ra sao thì ra...
Tôi điên lắm rồi. Nếu cần tôi cũng sẽ thành Chí Phèo chứ lần này tôi nhất định không buông xuôi cuộc đời mình vì một người chồng mà trong mắt anh ta, vợ con không chỉ là của nợ mà còn không phải là con người...