Một phần ba dân số mất nhà cửa
Hơn 5 năm nội chiến khốc liệt đã tàn phá nền kinh tế của Nam Sudan và cướp đi sinh mạng của gần 400.000 người. Một phần ba dân số nước này bị mất nhà cửa, cứ hai người thì có một người bị thiếu ăn, trong khi hàng trăm nghìn người đứng trước nguy cơ chết đói ở quốc gia non trẻ nhất thế giới này, số liệu của Liên Hợp Quốc cho hay.
Nhiều nơi thuộc Nam Sudan, trong đó có những khu vực nông nghiệp then chốt, gần như vắng bóng người bởi dân cư đã chạy trốn xung đột hoặc đến nơi khác tìm cái ăn. Điều đó có nghĩa là những người còn bám trụ Nam Sudan đang sống dựa vào hàng hóa nhập khẩu, bất chấp tỷ giá hối đoái giảm mạnh khiến thực phẩm vô cùng đắt đỏ.
Dù được quốc tế trợ cấp hàng tỷ đô lương thực, người dân nước này hiếm khi được nhận những gì mà họ cần do hệ thống đường sá không cho phép, lũ lụt triền miên, các chuyến hàng thường xuyên bị tấn công và sự can thiệp có chủ đích của chính phủ.
Kết quả là giá thực phẩm bị đẩy lên cao, một bữa ăn dành cho một người nhưng có giá gấp hai lần thu nhập hàng ngày và người dân không thể mua được những gì họ nhìn thấy ở các siêu thị hay cửa hàng. Tình trạng này đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Nam Sudan và dẫn đến cuộc di cư lớn nhất châu Phi kể từ sau nạn diệt chủng ở quốc gia Đông Phi Rwandan những năm 1990.
Nicholas Kerandi, nhà phân tích thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, cho hay người dân Nam Sudan đang phải chật vật tìm cách để sinh tồn. Một số người chỉ ăn mỗi ngày một bữa, những người khác cắt các chi phí về giáo dục và y tế, nhiều người trở thành dân tị nạn. "Đó là một cách đối phó. Thu nhập của bạn có ít thế nào thì bạn vẫn phải ăn", Kerandi nói.
Với những người như John Leju ¬Celestino Ladu, phó giáo sư tại đại học Juba, những khó khăn trên đã quá quen thuộc. "Tình hình rất tồi tệ. Rất đáng buồn. Chúng tôi thực sự khó khăn", ông nói.
Thu nhập hàng tháng của ông là khoảng 40 USD, nhưng để bắt xe buýt đi làm, Ladu đã mất khoảng 10 USD một tháng. Giống như nhiều người Nam Sudan, ông không chỉ nuôi vợ con mà tới 10 người thân khác. Một số người không được học hành và không kiếm được việc làm giữa thị trường lao động đầy cạnh tranh. Những người khác mất người thân trong chiến tranh và cần được trợ giúp.
Một kg thịt bò đủ cho 15 người ăn có giá khoảng 5 USD, nên thay vì chi tiền mua thịt, gần như ngày nào họ cũng ăn đậu và bột ngô nấu chín gọi là ugali.
Ladu, người có bằng tiến sĩ về khoa học môi trường, kiếm thêm thu nhập bằng cách lái xe ôm hoặc làm công nhân thời vụ. Ông là một trong những người có trình độ học vấn cao nhất ở một quốc gia mà chưa đến một phần ba dân số biết đọc. Thế nhưng Ladu vẫn phải tính đến con đường tị nạn để sinh tồn.
Tháng 7/2013, hai năm sau khi Nam Sudan trở thành quốc gia độc lập và trước khi xung đột nổ ra, một giáo viên hay nhân viên chính quyền kiếm được khoảng 350 USD một tháng. 5 năm sau nội chiến, mức lương trên chỉ tương đương khoảng 6 USD vì đồng bảng Nam Sudan mất giá. Với những người làm nghề giáo, nửa gallon sữa (gần 2 lít) hiện có giá gần bằng nửa tháng lương của họ, 2,7 USD.
Một cốc trà vỉa hè cũng phải cân nhắc
Peter Garang là một trong những người may mắn hơn ở Nam Sudan. Anh làm bảo vệ tại một tòa nhà ở thủ đô Juba và được trả lương bằng đôla Mỹ. Điều đó có nghĩa là bất kể khi nào đồng bảng của Nam Sudan giảm thì anh lại đổi được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, anh vẫn không thể sống sót nếu không chắt bóp. "Từng đó tiền không đủ để mua thức ăn", Garang nói. "Khi bạn hết sạch lương, bạn không thể mua gì cả".
Garang có bốn con nhưng chỉ một đứa được đi học vì học phí quá cao. Anh còn phải nuôi 3 em trai, hai em gái, bố mẹ anh và bố mẹ vợ. Đã lâu Garang không dám mua gà hay cao lương. Thậm chí giá một cốc trà vỉa hè cũng khiến anh phải cân nhắc.
Một đứa trẻ cõng em trên lưng ở Aweil, Nam Sudan |
Năm 2017, Liên Hợp Quốc tuyên bố nạn đói đang xảy ra ở một số vùng của Nam Sudan và thêm hàng triệu người đang đối mặt với nguy cơ chết đói. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tố cáo chính phủ và các lực lượng đối lập Nam Sudan thường xuyên chặn hàng viện trợ đến những khu vực khẩn cấp.
Mỹ, nhà viện trợ lớn nhất cho Nam Sudan, đã hỗ trợ 1,78 tỷ USD kể từ khi nội chiến nổ ra, trong đó có 336 triệu USD vào năm ngoái, theo Cục Phát triển Quốc tế Mỹ. Tuy nhiên, tháng 5/2018, chính quyền Tổng thống Trump đã dọa cắt viện trợ nếu cuộc xung đột ở Nam Sudan không chấm dứt.
Nhiều cuộc đàm phán giữa các phe phái ở Nam Sudan đã thất bại. Khi thỏa thuận hòa bình sụp đổ vào tháng 7/2016, hơn một triệu người phải vượt biên tị nạn. Đến tháng 9 năm ngoái, khi Tổng thống Salva Kiir và thủ lĩnh phe đối lập Riek Machar ký thỏa thuận hòa bình mới, xung đột mới được xoa dịu phần nào và giá cả có giảm nhẹ.
Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan Michael Makuei Lueth tuyên bố những ước tính của Liên Hợp Quốc về số người bị đói ở nước này là vô căn cứ và thực tế khác xa với số liệu. Ông thừa nhận một số người dân phải đi tị nạn nhưng cho rằng tình hình đang tiến triển dựa trên một thỏa thuận hòa bình gần đây. "Chắc chắn với thỏa thuận này, kinh tế sẽ cải thiện", ông nói.
Dầu là mặt hàng xuất khẩu chính và là động lực chủ chốt cho nền kinh tế Nam Sudan. Khi quốc gia này tách khỏi Sudan năm 2011, chính quyền đã đồng ý nối đường ống dẫn đầu về phía bắc. Xung đột khiến nhiều mỏ dầu bị phá hoại nhưng Sudan cam kết giúp chúng hoạt động trở lại nếu Nam Sudan đạt được thỏa thuận hòa bình.
Bên cạnh dầu mỏ, nước này chủ yếu dựa vào việc xuất khẩu các tài nguyên như vàng, các nông sản như rau và các loại gỗ. Tuy nhiên, phần lớn khu vực trồng trọt của Nam Sudan không có người ở kể từ khi nội chiến lan rộng hơn hai năm trước. Sợ bị cáo buộc hỗ trợ phe đối lập hoặc để tránh nguy hiểm trong cuộc xung đột, nhiều người đã bỏ lại các nông trang.
Tổ chức lương thực Liên Hợp Quốc ước tính diện tích thu hoạch của Nam Sudan đã giảm gần 50%, đẩy giá cả thị trường tăng vọt. "Gia đình tôi bị ảnh hưởng rất nặng nề", giáo sư Ladu nói. "Cuộc sống vô cùng khốn đốn".
Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc hôm 20/3 công bố Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2019, gồm bảng xếp hạng mức độ hạnh phúc của 156 quốc gia dựa trên các yếu tố GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, số năm sống khỏe mạnh, sự tự do, sự hào phóng và tình trạng tham nhũng.
Việt Nam xếp thứ 94, sau các nước Đông Nam Á như Singapore (34), Thái Lan (52), Philippines (69), Malaysia (80), Indonesia (92) và láng giềng Trung Quốc (93). Việt Nam đã tăng một hạng so với bảng xếp hạng năm ngoái.
Quốc gia đứng đầu là Phần Lan, nơi có thiên nhiên đẹp, an toàn, dịch vụ trông trẻ giá cả phải chăng, giáo dục miễn phí và y tế được trợ cấp nhiều. Phần Lan cũng giữ danh hiệu này vào năm ngoái. Các quốc gia Bắc Âu khác và Hà Lan, Thụy Sĩ, Canada, New Zealand, Áo cũng nằm trong top 10. Mỹ đứng ở vị trí 19.
Xếp cuối là quốc gia Bắc Phi Nam Sudan. Các quốc gia có xung đột như Yemen, Afghanistan và Cộng hòa Trung Phi cũng nằm ở cuối bảng.
Các nhà phân tích xây dựng bảng xếp hạng dựa trên dữ liệu thu thập năm 2016 - 2018. Những người tham gia khảo sát được yêu cầu đưa ra ý kiến dựa trên thang điểm từ 0 đến 10, với 0 là tệ nhất và 10 là tốt nhất.
Báo cáo định nghĩa sự tự do là tự do ra quyết định trong cuộc sống. Sự hào phóng là mức độ sẵn sàng làm từ thiện còn mức hỗ trợ xã hội được tính toán dựa trên câu trả lời trước câu hỏi "nếu bạn gặp rắc rối, bạn có người thân hay bạn bè luôn sẵn sàng giúp mình hay không?".
10 nước hạnh phúc nhất thế giới: Phần Lan; Đan Mạch; Na Uy; Iceland; Hà Lan; Thụy Sĩ; Thụy Điển; New Zealand; Canada; Áo
10 nước ít hạnh phúc nhất thế giới: Nam Sudan; Cộng hòa Trung Phi; Afghanistan; Tanzania; Rwanda; Yemen; Malawi; Syria; Botswana; Haiti