3h sáng ngày 26/1/1969, 24 chiến sĩ trên đảo Phú Quốc bất chợt từ lòng đất nổi lên, thoát ra khỏi trại giam địch. Cuộc vượt ngục thần thánh thành công mỹ mãn.
Không bó tay chịu chết
Bóng chiều đổ dài trên ngôi nhà ba gian nằm sâu trong xóm nhỏ. Khoác trên người chiếc áo dạ tránh cái lạnh buốt giá ngày cuối đông, cụ Hồ Quốc Phú (ngụ huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) hồ hởi kể lại chuyện cũ. Vẻ mặt linh hoạt, ánh mắt long lanh, ông cụ tỏ ra nhanh nhẹn hẳn so với cái tuổi 87 của mình.
Tháng 8/1966, cụ Phú lúc bấy giờ là tiểu đoàn phó K10. Trong trận chống càn ở Niêm Phò (Huế), cụ Phú bị thương ở chân, rơi vào tay địch. Sau khi bị giam ở đồn Mang Cá một thời gian, ông được đưa vào trại giam ở Đà Nẵng, rồi bị đưa lên máy bay ra giam ở đảo Phú Quốc.
Năm đó, trại giam ở Phú Quốc chỉ vừa mới xây dựng xong. Ông Phú nhận định, muốn vượt ngục thành công, phải triển khai kế hoạch độc, lạ, để giặc trở tay không kịp.
Ông đề nghị đào đường hầm. “Tui nói ở quê tui là xứ Thừa Thiên, nơi được gọi là thừa trời thiếu đất. Đất đào lên rồi dập xuống thế nào cũng thiếu. Nếu đào hầm, chỉ cần tính toán cụ thể, rồi nén đất xuống, không cần phải đổ đất đi đâu cả”, ông kể.
Mọi người chọn vị trí căn nhà số 3, sát hàng rào là địa điểm đào hầm. Để tránh bị phát hiện, anh em yêu cầu bác sĩ Hồ Hữu Phi khi khám bệnh cho các tù binh, tuyên bố một số người đã được lựa chọn “bị bệnh lao”, cho ra ở biệt lập ở căn nhà số 3. Lính tuần canh sợ lây bệnh, khi đến căn nhà này cũng chỉ đứng xa xa nói vọng vào. Công việc bên trong vì vậy không lộ ra ngoài.
Thực hiện nhiệm vụ đào hầm, gồm có 12 người, chia thành 3 tổ, mỗi tổ đào một đêm. Ngoài ra, còn có đội bảo vệ bên ngoài có nhiệm vụ canh gác. Đội canh gác làm nhiệm vụ báo động. Khi cai ngục đến kiểm tra, anh em đào hầm bên dưới chưa lên kịp, đội này sẽ tìm cách gây rối, đánh lộn lôi kéo sự chú ý của địch, kéo dài thời gian.
|
Một số chiến sĩ tham gia cuộc vượt ngục thần thánh |
Gian nan đào hầm
Dụng cụ để đào hầm là muỗng inox ăn cơm, nắp cà mèn đựng cơm do các chiến sĩ giấu được. Đêm xuống, khi bốn bề vắng lặng, anh em lại bắt tay vào việc. Nhóm 3 người gồm một người đào đất, một người xúc đất bỏ vào bao, người còn lại kéo đất ra và nén đất lại. Mỗi đêm, đào được chừng 1m, đường hầm cách mặt đất 1,5m. Khoảng 5m thì đào một chỗ tránh rộng chừng nửa mét.
Do dưới đất không xác định được phương hướng, nên ban đêm, anh em đào hầm dùng sợi thép gai dài đâm xuyên lên. Sáng ngày, nhìn sợi thép gai nổi lên để điều chỉnh cho đúng hướng. Tuy nhiên, khi đường hầm càng dài ra, cách sử dụng sợi thép gai không còn hiệu quả. Mọi người lại nghĩ ra cách, dùng lưỡi dao để làm la bàn. Lưỡi dao lam này khi đặt vào chén nước, sẽ chỉ hướng bắc, mọi người theo đó để cân bằng.
Trong giai đoạn đầu đào hầm, đất đào lên đều được nén lại xuống. Nhưng càng vào sâu bên trong, đất bắt đầu thừa ra, không nén hết được. ông Phú lại tổ chức họp khẩn, tìm cách “thủ tiêu” đất.
Mọi người nghĩ cách xin đào đường mương thoát nước, cai ngục cho phép. Anh em mừng rỡ, đem đất bên dưới lên, hòa vào đất đào mương. Tuy nhiên, việc này chỉ diễn ra vài ngày, nên những ngày tiếp theo, không thể mang đất bên dưới lên được. Cuối cùng mọi người quyết định đem đất đổ vào thùng đi vệ sinh. “Tụi lính thấy gánh thùng vệ sinh đi đổ là đứng xa để nhìn, không dám lại gần. chúng tôi dự tính nếu bị phát hiện bỏ đất bên trong, sẽ nói tránh là để át mùi hôi”, ông Phú nhớ lại.
Nhưng mỗi sáng chỉ gánh hai thùng đất đi đổ vẫn không hết, các chiến sĩ mỗi người lại bỏ đất trong ống quần, sáng sớm ra giếng đánh răng, rửa mặt mới tuồn xuống giếng. Vì giếng nước vốn rất đục, đất đổ xuống không bị phát hiện, lâu ngày giếng đầy đất, tù binh lại xin nạo vét.
Một khó khăn nữa lại xảy ra, khi hầm đào tương đối dài, sợ xe của trại khi chạy trên nên đất rỗng, sẽ “sập hầm”. Để tránh bị lộ, tù binh lại nghĩ cách đào hầm theo đường zích zắc, tránh việc xe chạy lọt cả hai bánh lên đường hầm.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc đường hầm đã dài hơn 100m. Bốn tháng cũng trôi qua trong chớp mắt. Bất thình lình, địch đưa xe đến để san bằng đất, xây dựng thêm hàng rào, và chôn mìn. Không thể chậm trễ, Ban thường vụ Đảng ủy nhà tù triệu tập cuộc họp khẩn. Mỗi đoàn lên danh sách về số người sẽ thoát ra ngoài.
“Anh em tù binh hồi đó trên 200 người. Nhưng thời gian vượt ngục có hạn. Chỉ chọn những người cốt yếu ra ngoài để hoạt động. Danh sách được lập gồm 120 người. Mọi người quyết định chọn đêm 26/1/1969 để lên đường”, ông Phú hồi ức.
Nghẹt thở đêm vượt ngục
Cụ Phú nhớ lại đêm vượt ngục, cảm giác phấp phỏng, hồi hộp vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào. Đêm ấy, dưới sự chỉ đạo của cụ Phú, một nhóm 3 người là lính đặc công đi tiên phong mở đường. Theo kế hoạch, nhóm người này đi lên, thả dây xuống, đến những người đi sau men theo ra ngoài, tránh bom mìn dày đặc bên ngoài.
Sau khi 3 đặc công ra ngoài đã lâu, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ sợ dây nào được thòng xuống, mọi người bên trong bồn chồn lo lắng. “Ông Cường cứ nói với tui, “anh Phú hè, hay anh em dao động phản bội rồi?”.
|
Cụ Phú thuật lại cuộc vượt ngục thót tim
Tui bảo “yên tâm, anh em ở đây ai cũng một lòng với cách mạng. Đồng cam cộng khổ bao lâu nay, giờ giải thoát, sao có thể trở mặt được””. Nói xong, cụ Phú xung phong đi trước, 10 người trong tổ ông Phú bám theo sát nút. Tiếp đến là 11 người trong tổ ông Cường nối gót theo.
Ra đến miệng hầm, ông Phú bàng hoàng thấy đèn đuốc sáng trưng. Nghe hai lính canh nói chuyện qua lại, ông Phú biết đã hơn 3h sáng. Quyết định một sống hai chết, ông nhảy ra khỏi miệng hầm, bò ra ngoài. Đất khô cằn nhiều ngày không có mưa, ông Phú vừa bò vài mét, quay đầu nhìn lại, đã thấy bụi bay lên tứ tung mù mịt.
Hoang mang xen lẫn lo lắng, nhưng không thể quay đầu lại, ông Phú nhổm người, quyết định bò cả hai tay hai chân. Phía sau, đồng đội bám theo một đoàn dài nhấp nhô. Nhìn thấy cảnh tượng bên ngoài, anh em trong trại giam sau một hồi thót tim im lặng, bất chợt bừng tỉnh.
Bọn lính canh hôm ấy không biết vì lý do gì đi tuần tra ráo riết, anh em tù binh lại làm náo loạn bên trong, “báo hại” giặc phải đến xem xét. “May mắn các anh em còn lại đã gây được sự chú ý, nên bọn chúng tập trung đến trại xử lý, mà không một lần ngoái nhìn ra bên ngoài”, ông Phú.
21 người tù nối nhau chạy được ra bên ngoài. Anh em chia nhau thành hai đoàn, một đi về hướng núi do ông Phú chỉ huy, một đi về hướng biển theo chân ông Cường nhằm phân tán lực lượng. Ba người đặc công thoát ra ngoài trước thì quyết định ở lại bên ngoài thăm dò tình hình trong trại giam ngày hôm sau.
Sau khi thoát ra bên ngoài, các chiến sĩ cách mạng đã liên lạc được với tổ chức để xin về đất liền. Nhận được chỉ đạo của cấp trên “ở đâu cũng có địch, ở Phú Quốc cũng có kẻ thù, anh em ở lại tiếp tục hoạt động”, cụ Phú cùng đồng đội nhận nhiệm vụ mới, tiếp tục ở lại đảo hoạt động. Lúc bấy giờ, cụ Phú làm tham mưu trưởng huyện đội Phú Quốc.