Nhiều loại hình tội phạm mới
Internet là một bước tiến quan trọng trong lịch sử khoa học của loài người. Cùng với sự phát triển của công nghệ, thời gian này là thời điểm của sự phổ cập và giao thoa văn hóa thế giới. Không còn khoảng cách địa lý ngăn trở nào giữa các loại hình văn hóa nghệ thuật. Sự sáng tạo của mỗi tác giả đều có thể phục vụ cho bất kỳ khán thính giả nào ở mọi vùng miền trên địa cầu.
Chỉ với một chiếc máy tính hay smartphone có kết nối internet, bất kỳ ai cũng sẽ dễ dàng chủ động tiếp cận với thế giới giải trí đa dạng và phong phú. Nó rất khác biệt so với việc trải nghiệm chương trình giải trí qua truyền hình truyền thống. Điều này chính là nguyên nhân khiến cho loại hình báo chí truyền hình ngày càng trở nên yếu thế trước xu thế phát triển của các trang mạng xã hội trên hạ tầng số. Các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Tiktok... đang ngày càng đóng vai trò thiết yếu, định hướng luồng dư luận cũng như tạo lập các tư tưởng văn hóa mới.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của Internet với khả năng đáp ứng nhu cầu văn hóa không giới hạn của con người. Thì cũng chính nó đã làm nảy sinh ra nhiều loại hình tội phạm mới, xảo quyệt hơn và liều lĩnh hơn. Một phần nguyên nhân cũng là do khả năng thu lời bất chính quá nhanh và rất khó truy dấu, xử lý triệt để các đối tượng vi phạm.
Việc xử lý có thể không khó về nguyên tắc pháp lý, nhưng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tố tụng ở các quốc gia khác nhau với những thể chế chính trị và quan điểm pháp lý tương đối khác biệt. Có thể nêu ra ở đây là loại hình tội phạm mang tính chất chiếm đoạt quyền sở hữu, lừa đảo trên không gian mạng và tống tiền các nhà sáng tạo nội dung.
Đầu tháng 3/2024, nhiều YouTube tại Việt Nam đã bị một chủ thể xưng tên là Công ty T.N ở hải ngoại “đánh gậy” bản quyền (T.N Productions. Ltd tại Hoa Kỳ). Có thể kể tên ở đây như: Karaoke Nhật Nguyễn, Hiếu Organ, Ý Linh Official... Đây là các kênh sáng tạo tại Việt Nam có số lượng từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt đăng ký. Các kênh này có thể mang lại doanh thu đáng kể cho các nhà sáng tạo nội dung. Dính “gậy” bản quyền Youtube hay bị khiếu nại bản quyền Youtube thì có rất nhiều loại như: vi phạm nguyên tắc cộng đồng, bản quyền youtube video, bản quyền youtube âm nhạc, nội dung bị chặn ở 1 số quốc gia hoặc trên toàn thế giới…
Ở vụ việc này “đánh gậy” (strike) thuộc về hành động cảnh báo vi phạm bản quyền ở mức cao nhất của nền tảng YouTube. Nếu một kênh YouTube nào đó bị một bên khác đánh 3 “gậy”, sẽ bị sập kênh, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu mà Youtube chi trả cho chủ sở hữu. Nếu một video bị dính gậy bản quyền Youtube thì nó sẽ bị gỡ xuống khỏi Youtube ngay lập tức. Vì chủ sở hữu bản quyền đã gửi lên Youtube yêu cầu về việc gỡ bỏ video của người khác do video đó sử dụng nội dung được bảo vệ bản quyền Youtube của họ. Để tránh bị dính gậy bản quyền Youtube, các chủ kênh phải tiến hành xin bản quyền Youtube của chủ sở hữu kênh Youtube đó. Sau khi nhận được sự đồng ý của chủ sở hữu, mới có quyền sử dụng các video đó trong phạm vi cho phép.
Đi kèm với các “gậy”, mà chủ thể T.N ở hải ngoại còn gửi hồ sơ khởi kiện gồm Giấy báo nhận đơn, đơn khởi kiện, giấy tờ pháp nhân công ty T.N nộp cho Youtube nhằm khiến cho chủ kênh không thể khôi phục được video. Điều này đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính cho các chủ sở hữu kênh.
Để kháng được các “gậy” này đòi hỏi nhiều thao tác kỹ thuật - pháp lý cũng như cần nhiều thời gian xử lý kéo dài.
Theo thông lệ, các vụ khiếu nại bản quyền trên youtube nhằm khôi phục lại kênh sẽ thường dẫn tới các vụ kiện dân sự về bản quyền giữa những cá nhân/tổ chức tự nhận là các chủ sở hữu. Youtube không phải là chủ thể có quyền ra phán quyết ai là chủ sở hữu tác phẩm, đặc biệt lại là tranh chấp ở nước khác như tại Việt Nam. Quyền phán xử này thuộc về Tòa án các nước. Khi có phán quyết của Tòa án thì Youtube mới có thể cho khôi phục lại kênh.
Tại Việt Nam, mọi người đều thấy được thực tế là các vụ kiện dân sự này phức tạp, kéo dài mà các nhà sáng tạo nội dung thường không có nhân lực, công sức cho hoạt động pháp lý đó và theo thông lệ các vụ án về bản quyền cần khoảng thời gian tính bằng năm để có thể có kết quả cuối cùng.
Có nhiều nguyên nhân cho lý do này, chẳng hạn tính nghiêm khắc cho vi phạm bản quyền chưa cao, chưa có tòa án bản quyền riêng biệt, ý thức pháp luật chưa đầy đủ... Với thời gian và độ phức tạp trong các vụ kiện bản quyền, chỉ tính riêng tiền phí luật sư ở cấp sơ thẩm có thể đã tính bằng hàng trăm triệu. Đồng thời, các vụ án có yếu tố nước ngoài đòi hỏi thủ tục ủy thác điều tra có thể kéo dài miên man, khiến cho các nguyên đơn nản lòng. Sức phức tạp và nhiêu khê này đã khiến cho đa số các chủ sở hữu kênh phải cực chẳng đã phải lựa chọn phương pháp chuyển tiền cho đối tượng đã “đánh gậy” nhằm được “gỡ gậy” nhanh hơn. Có thể tính hiệu quả cho cá nhân thì nhanh hơn, nhưng nguyên tắc pháp chế XHCN đã bị xâm phạm nghiêm trọng, khi mà các cá nhân bị cưỡng ép phải trả tiền cho tài sản do chính bản thân mình tạo nên.
Nhìn sâu hơn về khía cạnh hình sự, việc cưỡng ép chủ thể khác phải chi tiền để tránh bị gây thiệt hại lớn hơn đã là cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Sự đe dọa trong vụ việc trên chính là khả năng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn tiền do Youtube chi trả cho các chủ sở hữu kênh. Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi trên chứ không phụ thuộc vào việc có chiếm đoạt được tài sản hay không.
Trong thực tế, các nhà sáng tạo nội dung (như: Karaoke Nhật Nguyễn, Hiếu Organ, Ý Linh Official...) đã phải đành phải lựa chọn một trong các giải pháp nhanh nhất và ít tốn kém để khôi phục lại kênh. Nếu như chấp nhận bị khóa kênh để đấu tranh pháp lý dông dài thì quả là “được vạ thì má đã xưng”. Do đó, “cắn răng” trả tiền ngay lập tức cho chủ thể T.N tại Hoa Kỳ là con đường hiệu quả nhất nhưng cũng phi lý nhất mà các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam phải thực hiện. Hơn nữa, quyền tác giả là quyền dân sự và là cuộc chiến giữa các chủ thể tự nhận là chủ sở hữu. Thủ tục pháp lý dân sự sẽ hạn chế và trói buộc các cơ quan chức năng vào cuộc để can thiệp. Việc phân định rõ ràng vụ việc thuộc lĩnh vực hình sự (cưỡng đoạt tài sản) hay thuộc lĩnh vực dân sự (chiếm đoạt quyền tác giả) là không dễ dàng ở thời điểm này. Do đó, thời gian khôi phục lại kênh càng nhanh thì họ càng nhanh kiếm được chi phí bù đắp lại cho các thiệt hại vô lý nói trên. Trong vụ việc cụ thể này, mới chỉ tính riêng 3 chủ sở hữu kênh đã buộc phải trả số tiền lên tới 650.000.000 đồng cho chủ thể T.N tại hải ngoại kia.
Gây nên sự mất ổn định nghiêm trọng trong hoạt động sáng tạo và kinh doanh
Đối chiếu với các quy định hình sự thì hàng loạt các yếu tố tăng nặng định khung đã có căn cứ xem xét như: có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, thực hiện nhiều lần, giá trị tài sản chiếm đoạt lớn. Nếu phân tích kỹ lưỡng thì hành vi phạm tội này có thể sẽ thuộc về Khoản 3 hoặc khoản 4 của Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.
Số tiền của các chủ sở hữu bị cưỡng đoạt chỉ là một khía cạnh dễ thấy nhất. Nghiêm trọng hơn chính là sự mất ổn định và công bằng của thị trường truyền thông Việt Nam cũng như sự suy giảm niềm tin vào kỷ cương pháp luật trên hạ tầng số.
Trong một xã hội pháp quyền XHCN mà tài sản thuộc sự sáng tạo của mình lại có thể bị người khác cưỡng đoạt mà không dễ có cơ quan nào xử lý nhanh được. Liệu có ai đo đếm được sự sáng tạo và tâm huyết của các tác giả sẽ bị thui chột như thế nào trước khả năng bị cưỡng đoạt trắng trợn và sự ngông nghênh của các đối tượng xấu. Cần nói thêm rằng, 3 kênh trên chỉ là một phần trong nhiều kênh youtube đang gặp phải tình trạng cưỡng đoạt tài sản này. Hậu quả thiệt hại cuối cùng chính sự suy giảm của nền văn hóa sáng tạo tại Việt Nam.
Trong Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ: “Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Nếu không giữ nghiêm kỷ cương pháp luật về bản quyền trên không gian mạng thì tinh thần phát triển văn hóa của Đảng ta có thể phần nào bị ảnh hưởng.
Bên cạnh dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản, một vấn đề nghiêm trọng khác của vụ việc này nằm ở chỗ các tài liệu mà chủ thể T.N cung cấp có dấu hiệu giả mạo tài liệu của Tòa án Việt Nam. Cụ thể, chủ thể này đã giả mạo giấy tờ có chữ ký của nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội (đã nghỉ hưu từ 1/10/2022) và sao chép con dấu của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, để gửi tới nền tảng YouTube. Sự giả mạo còn thể hiện ở chỗ khi nộp đơn kiện tại tòa, người nộp đơn sẽ được bộ phận hành chính của tòa gửi biên bản giao nhận tài liệu có kèm chữ ký của nhân viên bộ phận tiếp nhận đơn chứ không phải là Biên bản giao nhận tài liệu có chữ ký của thẩm phán, cũng như con dấu của tòa án như mẫu “Giấy báo nhận đơn” mà chủ thể T.N cung cấp (trong hình minh họa). Tài liệu này cũng có dấu hiện lẫn lộn bất hợp lý khi phần tiêu ngữ ghi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, nhưng phần cuối lại ghi nơi giải quyết là Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy.
Ngoài ra, hồ sơ khởi kiện đi kèm của chủ thể hải ngoại cũng không được sao y chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự trong khi chủ thể T.N này có yếu tố nước ngoài.
“Giấy báo nhận đơn” mà T.N cung cấp có chữ ký của thẩm phán Đỗ Quảng Oai (đã nghỉ hưu từ 01/10/2022), cùng con dấu của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. |
Vụ việc này có nhiều yếu tố để khẳng định sự giả mạo của công ty T.N trong việc “cưỡng ép” các chủ sở hữu kênh phải trả tiền. Chỉ riêng bản thân sự giả mạo này có lẽ đã đủ căn cứ để cơ quan có thẩm quyền có thể xử lý theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Hành vi giả mạo nhằm cưỡng đoạt tài sản của chủ thể T.N tại hải ngoại đối với các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam trên không gian mạng đã gây nên sự mất ổn định nghiêm trọng trong hoạt động sáng tạo và kinh doanh nội dung của các chủ sở hữu, gây mất niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đến các cơ quan chức năng của Việt Nam trước một dạng phạm tội tinh vi và khá mới trên hạ tầng số.
Để phát triển một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng của Đảng, thiết nghĩ đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có động thái xử lý nghiêm khắc. Sự mạnh mẽ của các cơ quan chức năng không chỉ vì mục tiêu bảo vệ cho những tác giả, những nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam, mà quan trọng hơn là để phát huy tối đa trí lực và tâm huyết của từng con người Việt Nam vì mục tiêu “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là động lực cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế” theo như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.