Cúp điện không báo trước: Phạt được không?

Từ 1/8/2010 Nghị định 68/NĐ-CP qui định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực có hiệu lưc, thay thế Nghị định 74/2003/NĐ-CP. Theo đó, mức xử phạt một số hành vi vi phạm của bên cung cấp điện tăng lên gấp 10 lần so với trước đây. Dù vậy, người dân vẫn băn khoăn liệu có phạt được không khi vẫn còn nhiều rào cản…

Từ 1/8/2010 Nghị định 68/NĐ-CP qui định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực có hiệu lưc, thay thế Nghị định 74/2003/NĐ-CP. Theo đó, mức xử phạt một số hành vi vi phạm của bên cung cấp điện tăng lên gấp 10 lần so với trước đây. Dù vậy, người dân vẫn băn khoăn liệu có phạt được không khi vẫn còn nhiều rào cản…

Tăng mức phạt không có nghĩa là phạt được

Nội dung được người dân, doanh nghiệp quan tâm nhất trong Nghị định 68 là hành vi cắt điện không báo trước bị xử phạt như thế nào?. Theo qui định mới, ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không đúng nội dung đã thông báo hoặc không thông báo cắt, giảm điện  theo đúng qui định về trình tự thủ tục đơn vị phân phối điện sẽ bị phạt từ 3- 4 triệu đồng mỗi hành vi. Đây là mức phạt được coi là cao so với mức cũ, 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng. Ngoài ra, mức phạt trên cũng áp dụng cho việc không tiến hành xử lý sự cố để khôi phục việc cấp điện sau 2 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của bên mua điện về sự cố lưới điện mà không có lý do chính đáng.

Người dân quan tâm tới qui định trên là bởi lâu nay họ đã quá bức xúc trước việc ngành điện cắt điện vô tội vạ. Cuộc sống, sinh hoạt của người dân từ nông thôn tới thành thị bị đảo lộn. Ngay trong tháng 6 này, với mật độ cắt điện luân phiên dày đặc, ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp khiến Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ứng bằng việc sẽ thống kê thiệt hại để qui trách nhiệm cho ngành điện.

Nghị định ra đời trong hoàn cảnh “nóng” như vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, người dân không hy vọng nhiều tình trạng sẽ được cải thiện. Đơn giản bởi cái lý của ngành điện là… vô cùng.

Theo một cán bộ Tổng Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, trung bình trong khoảng 50 lần Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội cắt thì chỉ có khoảng 10 lần đơn vị này được thông báo. Vì quá bức xúc, hai bên mới đây đã phải ngồi lại với nhau ký cam kết ưu tiên cấp điện cho ngành nước. “Nhưng rồi sau đó vẫn xảy ra việc thông báo một đằng nhưng cắt một nẻo. Rõ ràng những trường hợp đó, doanh nghiệp có quyền đòi bồi thường nhưng với Nghị định mới nâng mức phạt nhưng không có nghĩa là phạt được. Người mua điện sẽ vẫn thua thiệt vì không đủ chuyên môn để biết trường hợp nào là mất điện vì sự cố, trường hợp nào không phải vì sự cố”- vị cán bộ này nói.

b
Mất điện - giải pháp tốt nhất là ra công viên và dùng quạt nan

Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ cửa hàng điện lạnh ở Kim Mã, Hà Nội, Nghị định mới chưa thấy đề cập đến chất lượng điện mặc dầu trong Luật Điện lực đã qui định bên cung cấp phải đảm bảo điện áp, nếu không phải bồi thường. “Tôi làm nghề điện lạnh, người dân kêu điều hòa trục trặc nhưng thực chất là do thiếu điện. Thiết bị đo điện vào những giờ cao điểm không bao giờ đủ 220V, gây hỏng thiết bị điện nhưng chẳng có qui định cụ thể làm sao dân kiện được”

Dân vẫn thiệt

Tổng Công ty Điện lực Hà nội cho biết từ đầu năm đến nay chưa thống kê được số vụ cắt điện nằm ngoài kế hoạch, nhưng cho đến nay chưa có cá nhân, doanh nghiệp nào kiện đơn vị này đòi bồi thường. Trong đợt nắng nóng vừa qua trung bình một ngày có khoảng 2 ngàn cuộc điện thoại phản ánh mất điện. “Đa phần các doanh nghiệp chỉ đề nghị cung cấp điện đảm bảo cho sản xuất, còn chưa có kiện cáo gì”- ông Vũ Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.Hà nội nói. Tuy nhiên, theo ông Hùng thì khi Nghị định mới có hiệu lực, cả hai phía bên mua và bên bán phải nghiêm túc thực hiện hơn”.

Người dân không ngại kiện ngành điện nhưng rào cản lớn nhất theo luật sư Thêm, Công ty Luật Đại Việt thì đó là qui định trong trường hợp cắt điện do bất khả kháng, bên bán điện được miễn trách nhiệm bồi thường. “Trong thực tế, việc “đổ tội” cho sự cố bất khả kháng không có cơ quan nào giám sát, kiểm chứng độc lập điều đó thì người dân cũng đành chịu. Được biết hiện nay khi có sự cố thì chính ngành điện biết với nhau và người dân chỉ được thông báo lại, vì thế rất dễ có chuyện cắt bừa vẫn bảo là cắt vì sự cố’- Luật sư Thêm nói.

Dẫn chứng cho điều đó, một cán bộ của Tổng Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội cho rằng: “Đợt nắng nóng đỉnh điểm trong tháng 6 vừa qua, Hà nội cắt điện khiến người dân phản ứng dữ dội. Nhưng giải thích của điện lực Hà Nội là cắt theo kế hoạch để nâng cấp hệ thống, chuẩn bị cho mùa mưa bão…Trong ngành phục vụ như ngành nước chúng tôi, không thể chấp nhận giải thích đó, không thể có kế hoạch cắt điện để nâng cấp hệ thống vào thời điểm nắng nóng gay gắt như thế. Có nghĩa là kiểu gì ngành điện cũng nói được, dân kiện vào đâu được”.

Dù đồng ý với việc phải bồi thường khi cắt điện vô tội vạ, gây thiệt hại cho cho người dân, nhưng theo ông Cao sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thì “khi còn độc quyền về điện, có qui định cách gì cũng thiệt cho người tiêu dùng”.

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), trong các bản đánh giá hằng năm của VCCI về môi trường kinh doanh, năm nào cũng có nội dung “mất điện thường xuyên là một trong những khó khăn của DN”.

Hà Linh

Đọc thêm