Cựu Thái tử Saudi Arabia muốn giữ mạng sống phải chi ra 15 tỷ USD

(PLVN) - Năm 2017, sau một cuộc “đoạt ngôi” chớp nhoáng, Thái tử Saudi Arabia (Ả-rập Xê-út) khi đó là Mohammed bin Nayef đã phải chấp nhận rút lui trong danh dự, nhường quyền kế vị cho người em họ là Thái tử Mohammed bin Salman bây giờ. Vậy nhưng, đến đầu năm 2020, cựu Thái tử cùng 2 hoàng thân khác bị bắt giữ vì liên quan tới tội bất trung và tham nhũng. Tân Thái tử bin Salman đã ra “tối hậu thư”, yêu cầu anh họ mình muốn được toàn mạng phải chi ra số tiền 15 tỷ USD.
Cựu Thái tử Saudi Arabia.

Cuộc chiến giành ngôi kế vị

Thái tử Mohammed bin Salman trong giai đoạn này đang tìm cách thâu tóm quyền lực trong cuộc đấu đá nội bộ ở hoàng gia Saudi Arabia. Thái tử Mohammed được xem là người cai trị thực tế ở quốc vương, người đã thay đổi mạnh mẽ các chuẩn mực xã hội, bất chấp những phản ứng dữ dội có thể xảy ra, trong kế hoạch lớn nhằm biến đất nước thành một cường quốc hiện đại.

Ba năm trước, vị thái tử trẻ tuổi đã thực hiện cuộc trấn áp sấm sét hàng loạt hoàng thân, nhà tài phiệt nắm giữ nhiều quyền lực trong hoàng gia vào cuối năm 2017. Một năm sau đó là vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Cả hai vụ việc đều làm lung lay niềm tin vào các kế hoạch cải cách trên diện rộng của vương quốc và nỗ lực thu hút đầu tư bên ngoài, để rút ra bài học về sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ. Sự ủng hộ của Quốc vương Salman dành cho con trai dường như không bị dao động, dù mối quan hệ với phương Tây đang căng thẳng nghiêm trọng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với vị tân thái tử, dù Quốc hội Mỹ đã phẫn nộ sau vụ ám sát nhà báo Khashoggi. 

Chuẩn bị cho việc kế vị

Theo một số nhà quan sát, trong khi nhiều người trong hoàng tộc cam kết trung thành với thái tử bin Salman thì động thái củng cố quyền lực và loại trừ những người có khả năng “đe dọa” đến quyền kế vị của Thái tử bin Salman khiến nhiều thành viên hoàng tộc “mếch lòng”.

Trong tình thế buộc phải nhường ngôi Thái tử vào năm 2017, ông bin Nayef đã chấp nhận rút lui trong danh dự và cam kết ủng hộ quyền kế vị của Thái tử bin Salman, vậy nhưng điều đó dường như là chưa đủ. Thái tử bin Salman vẫn quyết định giam lỏng, cấm anh họ của mình không được sử dụng điện thoại, luôn có người giám sát và không được phép rời vương quốc.

Hồi đầu năm nay, một nguồn tin giấu tên nói rằng bin Nayef muốn dàn xếp để được yên, bao gồm cả việc từ bỏ các khoản trợ cấp của hoàng gia. Thế nhưng câu chuyện đó đã không thành hiện thực. Tháng 3/2020, giới an ninh Saudi Arabia đã bắt giữ hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz al-Saud, cựu Thái tử Mohammed bin Nayef và em trai Nawaf bin Nayef với cáo buộc họ âm mưu tạo phản, những tội danh có thể đối mặt với án chung thân hoặc xử tử.

 Saudi Arabia nổi tiếng thế giới về cuộc sống sa hoa và chịu chơi. 

Đây có thể coi là động thái “chốt hạ” đối với những người có thể “ngáng đường” Thái tử bin Salman kế vị vua cha tại vương quốc giàu có này. Theo ông Kamran Bokhari (Giám đốc phân tích tại Trung tâm chính sách toàn cầu ở Washington) nhận định, các vụ bắt giữ làm bật lên chiến thuật của Thái tử bin Salman trong việc làm mất cân bằng các đối thủ trong nước trước khi ông lên ngôi. Nó đến vào thời điểm quan trọng, khi ông cố gắng loại bỏ chân rết từ kẻ thù trong và ngoài nước.

Động thái chống lại các nhân vật cấp cao trong hoàng tộc là một tín hiệu cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman cảm thấy vị trí của ông ta dễ bị tổn thương. Trong số những người bị bắt giữ vào tháng 3 vừa qua, Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz Al Saud - em ruột của quốc vương Salman vẫn là gương mặt được hoàng gia hết sức nể trọng.

Một số nguồn tin cho rằng ông Ahmed cũng chính là một trong 3 thành viên Hội đồng Tận trung, một nhóm hoàng gia bỏ phiếu cho các vấn đề về người kế nhiệm. New York Times cho biết con trai của hoàng thân Ahmed cũng bị bắt giữ. “Tôi thấy đây là một động thái có tính toán của MBS, loại bỏ những người thay thế ông về mặt lý thuyết.

Tôi không nghĩ rằng họ đặt ra mối đe dọa thực sự lớn cho thái tử, nhưng họ vẫn tiếp tục giữ địa vị xã hội, dựa trên các chuẩn mực vẫn còn tồn tại trong tâm trí của các thành viên hoàng gia”, Kristin Diwan, học giả tại Viện các quốc gia Vùng Vịnh có trụ sở ở Washington nói. 

15 tỷ USD để được toàn mạng

Tại Ả-rập Xê-út, tội phản quốc là rất nghiêm trọng, nếu nó trở thành lời buộc tội công khai và được thực hiện bởi cựu Thái tử bin Nayef thì nó sẽ đi vào lịch sử, còn cựu Thái tử có thể đối mặt với bản án cao nhất là tử hình. Hôm 5/7, cựu Thái tử bin Nayef đã bị cáo buộc tham nhũng, bất trung.

Theo nguồn tin của Washington Post, Mohammed bin Nayef bị cáo buộc chuyển hàng tỉ USD qua mạng lưới các công ty bình phong và tài khoản cá nhân, khi hoàng tử còn nắm quyền Bộ trưởng Nội vụ. Còn Thái tử bin Salman cũng đưa ra một thông điệp rõ ràng, đó là cựu Thái tử phải nộp lại số tiền 15 tỷ USD để bảo toàn mạng sống.

Các cộng sự của cựu Thái tử bin Nayef thì bác bỏ các cáo buộc trên, nói rằng hành động của Mohammed bin Nayef ở Bộ Nội vụ được hoàng gia ủy quyền thông qua một sắc lệnh vào năm 2007. Các tài liệu do cộng sự của hoàng tử bin Nayef cung cấp đã củng cố luận điểm trên. Cụ thể, các hoạt động tài chính của hoàng tử được cố Quốc vương Abdullah chấp thuận. Theo nguồn tin trên Washington Post, hoàng tử bin Nayef chuyển tiền sang các công ty tư nhân để giữ bí mật về “các hoạt động chống khủng bố của vương quốc”.

Theo một cựu quan chức CIA, Thái tử bin Nayef khi đó nắm toàn quyền chi ngân sách chống khủng bố và đã sử dụng một phần ngân sách cho các dự án có sự tham gia của Mỹ. “Bộ Nội vụ do hoàng tử bin Nayef đứng đầu được cấp ngân sách để tăng cường năng lực, tuyển thêm nhân viên, mở rộng mạng lưới tình báo trong hàng ngũ tổ chức khủng bố al-Qaeda”, cựu giám đốc CIA, John Brennan nói trên Washington Post.

“Cố quốc vương Abdullah rất trọng dụng hoàng tử bin Nayef, từ đó cấp những khoản tiền khổng lồ vào các lĩnh vực mà hoàng tử bin Nayef quản lý”, Brennan nói. “Cảm nhận của tôi về hoàng tử bin Nayef là ông ấy không phải người tham ô, tích trữ tài sản vương quốc làm của riêng”. Một cựu quan chức Mỹ từng có quãng thời gian dài ở Ả Rập Saudi cũng đồng tình: “Ai trong chính phủ Mỹ cũng biết bin Nayef được quốc vương ủy quyền cho các khoản chi bí mật”.

Hoàng tử Bin Nayef được chọn là người kế vị ngai vàng sau khi quốc vương Salman lên nắm quyền năm 2015. Con trai của quốc vương, Mohammed bin Salman, khi đó là phó thái tử. Theo nguồn tin của tờ Washington Post, bin Nayef biết mình không còn được tân quốc vương trọng dụng nên đã âm thầm rút khỏi các công ty bình phong, chuyển quyền sở hữu cho Quỹ đầu tư công của hoàng gia.

Đọc thêm