Thời gian bị giam giữ tại Phú Quốc cũng là quãng thời gian thử thách nhất đối với những người tù Cộng sản. Địch đã dùng nhiều hình thức tra tấn hết sức dã man. Nhẹ thì giội nước sôi vào miệng, nhốt trong “chuồng cọp”, cặp điện vào tai, vào môi, vào bộ hạ; gõ thùng phi cho ù tai, long óc... Nặng thì lấy kìm nhổ móng tay, móng chân, đập gãy hết răng, đóng từng chiếc đinh vào đầu cho đến chết.
Chuyện hai bức ảnh sau 50 năm
Trận đánh của Trung đoàn lính mũ sắt Hà Nội (Trung đoàn 209, Sư đoàn 312) tại Cao điểm 995, trên dãy núi thuộc huyện Sa Thầy, chiến trường Bắc Kon Tum rạng sáng 26/3/1968 là trận đánh khốc liệt, sinh tử. Hơn 200 người lính đã ngã xuống. Họ nằm lại bên nhau trong những hố chôn tập thể khi lính Mỹ thu dọn chiến trường. Cuối tháng 3/2018, nhóm cựu binh Mỹ cùng gia đình trở lại nơi đã từng tham chiến tại Cao điểm 995, Việt Nam, trong đó có gia đình John L.Cimino.
Sau đó, một ngày tháng 6/2018, ông John L.Cimino đã gửi hai bức ảnh cho Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 209. Bức ảnh màu là ảnh một chiến sỹ của quân đội Việt Nam bị thương nằm bất tỉnh trên chiếc võng tăng trải trên nền đất, khuôn mặt anh lấm lem vì khói đạn. Bức ảnh đen trắng chụp một chiến sỹ khác cũng bất tỉnh. Xung quanh anh là những người lính Mỹ-ngụy với giày đinh, súng ống. Hai bức ảnh được chụp vào tháng 3/1968 tại Cao điểm 995 huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Ông John L.Cimino cho biết: “Bức ảnh màu do Ralph Haun - Trung đội trưởng trong Đại đội A, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư luôn mang bên mình chiếc máy ảnh 35mm trong suốt thời gian quân ngũ ở Việt Nam chụp. Bức ảnh đen trắng có người lính Mỹ đeo súng sau lưng do ông Ed Hawes - một nhiếp ảnh gia của quân đội Hoa Kỳ chụp ngày 27/3/1968 khi ông đi trực thăng cùng một linh mục Công giáo đến thực hiện hai nghi lễ tôn giáo.
Công việc chính thức của Ed Hawes là chụp ảnh hai buổi lễ. Những bức ảnh của Ralph là ảnh của cá nhân. Còn ảnh Ed Hawes chụp là ảnh chính thức của quân đội, được lưu trữ trong Kho lưu trữ quốc gia ở Washington DC”.
Hai bức ảnh đó được ông Hồ Đại Đồng - Trưởng ban liên lạc CCB tìm đồng đội Trung đoàn 209 đăng trên facebook của nhóm CCB 209 mũ sắt Hà Nội với câu hỏi: “Các bạn CCB E 209 có ai nhận ra người lính bị thương (bị quân Mỹ bắt) này không?”. Ngay sau đó, ông Phạm Minh Ngọc - CCB C5 nhận ra đây người trong bức ảnh màu là anh Bành Văn Y ở Thượng Thanh, Gia Lâm (nay là quận Long Biên, Hà Nội). Anh Y ở Tiểu đội 3, Tiểu đoàn 7, Đại đội 2. Một số CCB E209 khác nhận ra người trong bức ảnh đen trắng là anh Đinh Tiên Phong ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Ông Bành Văn Y và ông Đinh Tiên Phong đều xác định đó là ảnh của mình. Tối 25/3/1968, đơn vị nhận nhiệm vụ đánh Cao điểm 995. Ông Y bị một mảnh đạn pháo văng vào đầu, bị thương ngất đi. Đến khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm ở trong nhà bạt bệnh viện dã chiến của Mỹ, đầu băng bó. Đồng đội không tìm thấy nên nghĩ rằng ông Y đã hi sinh.
Năm 1968, gia đình nhận được giấy báo tử. Còn ông Y, sau khi điều trị vết thương, ông bị đưa về Biên Hòa rồi chuyển thẳng ra Nhà tù Phú Quốc. Còn ông Phong, trong trận đánh rạng sáng 26/3/1968, 2 chân gãy do mảnh pháo, một tay dính đạn. Do mất nhiều máu, kiệt sức nên ông ngất lịm. Lúc tỉnh dậy, ông thấy bên tai có tiếng xì xồ của một tốp lính Mỹ.
Ông Phong được sơ cứu và đưa tới Pleiku bằng máy bay trực thăng, phẫu thuật nhiều lần đã giữ được đôi chân. Sau đó, ông bị giam tại Trại giam Biên Hòa rồi đến Nhà tù Phú Quốc.
Sau ngày trao trả tù binh vào tháng 3/1973, hai ông Đinh Tiên Phong và Bành Văn Y được đưa ra Bắc, nghỉ dưỡng một thời gian rồi trở về quê. Ông Phong công tác trong ngành giáo dục tại địa phương một thời gian sau đó về hưu. Ông Y trở về làm công nhân trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm 10 năm rồi về hưu. Cuộc sống khá khó khăn. Hiện ông được Nhà nước cấp 70 triệu đồng để xây Nhà tình nghĩa.
Thầy thuốc trong chốn lao tù
Năm 1966, học xong lớp 10, chàng trai trẻ Nguyễn Trường Tộ (xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đã lên đường nhập ngũ, trở thành lính quân y thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 812 thuộc Sư đoàn 324 tham gia chiến đấu tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế với cấp bậc Thượng sỹ y tá. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, anh được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ.
Ngày 29/5/1968, trong một trận đánh tại Triệu Phong (Quảng Trị), Nguyễn Trường Tộ bị thương và bị địch bắt giam tại Đồng Lâm (Thừa Thiên Huế), sau chuyển sang Trại giam Non Nước (Đà Nẵng), ngày 24/6/1968, chuyển ra Phú Quốc (Kiên Giang).
Trong lao tù, không thuốc men, không dụng cụ, ông Tộ đã bí mật nhặt nhạnh những mẩu thép nhỏ, hay sợi dây đàn hỏng của quân cảnh, rồi mài sắc thành những chiếc kim châm dùng để châm cứu cho những người bị đánh đập bầm giập, thương tích tụ máu. Việc ông cứu chữa cho đồng đội bị cai tù phát hiện.
Chúng lấy những cây kim châm cứu do ông tạo ra từ những sợi dây thép gai đâm vào đầu ngón tay. Sau đó, chúng găm một tờ giấy mỏng ở đầu kim, bật quạt vặn cỡ lớn. Tờ giấy quay tròn khiến chiếc kim châm quay tít, đâm sâu vào ngón tay, đau nhức nhối.
Dù vậy, ông Tộ vẫn không quản nguy hiểm, khó khăn, tiếp tục làm công việc trị bệnh, cứu người. Những lần đi tạp dịch, ông và các anh em tranh thủ hái những thứ lá như lá sim, lá khế, lá tàu bay, lá cây ngũ sắc, hà thủ ô trắng… mang về chữa các bệnh kiết lỵ, sốt rét, các thương tích, đến chấn thương sọ não.
Là người có văn hóa cao nên trong thời gian bị giam tại Nhà tù Phú Quốc, anh Tộ còn được Đảng bộ nhà giam giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ Đảng, có nhiệm vụ dạy chữ, dạy văn hóa, triết học cho các đồng chí trong tù. Lúc đầu, Nguyễn Trường Tộ dạy chữ cho anh em bằng cách dùng viên đá, mảnh ngói viết xuống nền đất. Khi nào thấy lính canh đi tuần thì xóa đi.
Sau này, thầy giáo Tộ sáng tạo ra chiếc bảng viết từ một tấm bìa giấy cứng cắt theo hình chữ nhật, rồi dùng một tấm vải xé ra từ quần áo tù binh bọc lên tấm bìa đó. Ông dùng nhọ nồi và mỡ xe lấy trộm từ xe chở nước vào trong trại giam trộn đều rồi phết lên tấm vải, dùng tấm bao nilon mỏng đặt lên bảng. Khi dùng que tre vót nhọn viết lên trên tấm ni lông, chữ sẽ hiện ra, gặp quân cảnh hay giám thị vào chỉ cần nhấc tấm bao bóng lên sẽ mất hết chữ, không bị phát hiện, bảo đảm an toàn bí mật. Nhờ vậy mà lớp học được tổ chức thường xuyên, trong thời gian dài.
Bảo tàng cá nhân “độc nhất vô nhị”
Làng Nam Quất (xã Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội) có hai anh em ông Lâm Văn Quần và ông Lâm Văn Bảng đều là cựu tù Phú Quốc. Ông Quần sinh năm 1925, lớn lên tham gia cách mạng tại địa phương, giữ cương vị Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính xã Nam Phong (Phú Xuyên, Hà Nội). Năm 1951, ông bị địch phục kích bắt và tra tấn dã man vẫn một mực không khai.
Sau đó chúng giam ông tại các nhà lao ở Hà Đông, Sơn Tây. Đầu năm 1954, chúng đưa ông ra Nhà tù Phú Quốc. Sau Hiệp định Genève năm1973, ông Quần được tự do trở về quê tiếp tục tham gia chính quyền xã đến năm 1980 nghỉ hưu.
Ông Lâm Văn Bảng tình nguyện nhập ngũ năm 1965, vào chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ. Sau trận Bù Đốp, ông được kết nạp Đảng và về Trảng Bàng (Tây Ninh) chiến đấu. Cuối năm 1967, đầu năm 1968 ông tham gia chiến dịch Mậu Thân. Trong đợt 2, ông bị thương, gãy hết chân tay, bị địch bắt đưa về Khám Chí Hòa rồi Nhà giam Biên Hòa.
Tại Nhà giam Biên Hòa, ông Bảng đã vận động anh em thành lập chi bộ trong tù và được bầu làm Bí thư Chi bộ T18 dưới quyền chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Sang - Bí thư Đảng ủy trong Nhà tù. Tháng 10/1970, ông bị chúng đưa ra đảo Phú Quốc. Ông Bảng vẫn nhớ như in những hành động dã man của tên Thượng sĩ nhất Nhu - một tên cai ngục khét tiếng mà ai đã từng vào nhà tù Phú Quốc đều căm thù đến xương tủy. Ngày trở lại Phú Quốc, ông Bảng và đồng đội đã gặp lại Nhu. Gặp các tù binh năm xưa, Nhu đã khóc và xin các ông tha tội.
Khi trở về, những vết thương trên chính cơ thể đã 7 lần lên bàn mổ của ông những hôm trái gió, trở trời vẫn khiến ông rất đau đớn. Nhưng nhức nhối hơn cả lại chính là nỗi trăn trở đeo đẳng người tù năm xưa về những đồng đội đã hy sinh nằm lại chốn lao tù nơi đảo xa. Vì vậy, ông đã sưu tầm hiện vật chiến tranh mang về cất giữ ở nhà mình.
Sau bao gian nan, vất vả, khi số hiện vật đã quá tải, ông Bảng đã xây nhà trên diện tích đất 1.600 m2 do bố mẹ để lại để làm nhà truyền thống. Ngày 19/12/2004, lấy Ngày toàn quốc kháng chiến, nhà truyền thống được Hội những chiến sĩ bị địch bắt tù đày khai trương sau thành Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Trong số 2.000 hiện vật tại khu trưng bày, mỗi hiện vật đều có một hành trình riêng, một số phận riêng. Bảo tàng của ông Bảng có những hiện vật hết sức đơn giản, bình thường, nhưng khi biết xuất xứ rồi thì ai cũng phải rùng mình rơi nước mắt. Chẳng hạn như 9 chiếc đinh cỡ 5 phân nhỏ bé trong một chiếc hộp bọc nỉ đỏ.
Đó là những chiếc đinh mà địch lấy để đóng vào đầu đồng chí Phạm Hồng Sơn, một Thiếu úy đặc công Hải quân cho đến chết tại nhà tù Phú Quốc. Khi ra Phú Quốc bốc mộ liệt sĩ, ông Bảng đã lấy những chiếc đinh này từ hộp sọ người đồng chí, đem về giữ như một kỷ vật để mọi người nhớ đến anh.