Ngày 17/8/1928 phiên tòa diễn ra.Đa phần những người cầm cân vụ án này được đánh giá là công bình hoặc tốt.
Báo chí Nam Kỳ dạo ấy, được cho là theo sát vụ án, nào Đông Pháp thời báo, L’Écho Annamite, L’Impartial, Le Phare, La Tribune Indochinoise… Và hầu hết, rất có cảm tình với bị can. Nguồn cơn án Nọc Nạng, ấy là án ruộng đất.
Thước đất cắm dùi của cố nông
Cánh đồng Nọc Nạn theo miêu tả của nhà nghiên cứu Huỳnh Minh trong Bạc Liêu xưa và nay, thì “thuộc xã Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu”.
Đây vốn là một vùng đất trước đây là vùng sình lầy rộng lớn với những cây choại, dớn, tràm, lau sậy mọc chen chúc, và chim muông, rắn độc lấy đó làm nơi cư ngụ.
Nhưng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, nhiều bần cố nông thời Pháp thuộc không có thước đất cắm dùi, rủ nhau khai phá vùng đất sình lầy này.
Để có nơi che mưa che nắng, họ làm nhà, nhưng đất toàn sình lầy, rắn độc, nên như Lịch sử khẩn hoang miền Nam cho hay, họ “phải xốc nạng theo kiểu nhà sàn”. Có lẽ bởi thế mà thành cái tên Nọc Nạng, hoặc giả thử có thể do tiếng Miên nói trại mà ra.
Từ vùng đất sình lầy, với bàn tay năng làm, cánh đồng Nọc Nạn dần thành hình trở thành vùng đất gieo trồng được.
Dân nghèo yên trí làm ăn trên vùng đất mới, lại mừng vui vì được làm chủ mảnh đất do chính mình khai phá mà nên, cũng bởi thế họ quý biết bao món bất động sản tưởng được ăn đời ở kiếp cùng nó.
Ngặt nỗi, trời đâu dễ chiều lòng, mà trường hợp gia đình Mười Chức là một ví dụ phũ phàng tiêu biểu vậy.
Trong số những gia đình khai phá đất sình lầy Nọc Nạng buổi ban đầu, có gia đình một nông phu. Tận trước năm 1900, gia đình ấy đã có mặt nơi đây, khai phá trên mảnh đất gần 75 mẫu tây đất ruộng.
Năm 1908, ông mất để lại đất cho con là Hương chánh Luông. Anh em Luông cùng nhau cải tạo đất sình, đến năm 1910 thì làm đơn xin khẩn chính thức 20 mẫu và nộp thuế trên đất ấy. Đơn được chính quyền chấp nhận, cấp cho biên lai.
Năm 1912, anh em Luông xin rước kinh lý (trường tiền) đến đo đạc đất theo luật định để xin bằng khoán chính thức.
Viên trường tiền Arboratie đến đo đạc, làm phúc trình và chủ tỉnh Bạc Liêu đã trao cho Hương chánh Luông bản đồ phần đất ấy. Những tưởng anh em Hương chánh Luông cứ thế làm ăn, nào ngờ...
|
Tiểu thuyết về vụ Nọc Nạng |
Cướp đoạt kẻ bé họng
Năm 1916, có tên Tăng Văn Đ. bảo rằng phần đất của anh em Luông có công lao của y nên tranh chấp. Chủ tỉnh xử vụ này, nhưng y thua, ấy vậy mà vẫn vớt vát cho Đ. một sở đất 4 mẫu rưỡi từ phần đất 72 mẫu 95 của chánh Luông.
Vậy là đất của anh em Hương chánh Luông còn 48 mẫu 45. Vụ ấy xong, Hương chánh Luông được chủ tỉnh cấp cho tờ bằng khoán tạm số 303, đề ngày 7/8/1916.
Sau khi Hương chánh Luông mất, con trai lớn là Biện Toại kế thừa. Ấy nhưng, năm 1917, ông bang Tắc, tên thật là Mã Ngân, vốn là một Hoa kiều, một kẻ rành luật lệ thấy bên phần đất nhà Biện Toại là đất của Phan Văn Được và vợ là Nguyễn Thị Dương.
Được chết, Mã Ngân gặp bà Dương gạ mua phần đất ấy, y lại liên hệ với bọn hương chức làng Phong Thạnh, biết rằng đất anh em Biện Toại chưa có bằng khoán chính thức.
Bang Tắc bèn mua đất của bà Dương, cho thêm ít tiền để trong tờ giấy bán đất ghi “bán phần đất với ranh giới bao trùm luôn khoảnh đất anh em Biện Toại đang khai thác”, rồi đánh tiếng cho anh em Biện Toại hay.
Anh em Biện Toại liền gửi đơn cho chủ tỉnh Bạc Liêu, rồi Thống đốc Nam Kỳ và luôn cả Toàn quyền Đông Dương tới 4 lần đơn để trình bày sự vụ.
Trong khi ấy, năm 1919 bang Tắc sai tá điền qua đất nhà Biện Toại đốt chòi ruộng, giết trâu nhưng anh em Biện Toại không nao núng.
Còn chủ quận Giá Rai là H. hay tin tranh chấp, bèn gọi bang Tắc (mà chẳng gọi anh em Biện Toại) đến đề nghị hắn chia đất ấy làm hai phần, một phần cho anh em Biện Toại nhưng anh em Biện Toại không chịu sự bất công ấy.
Còn bang Tắc thì với thế lực của mình, dần biến phần đất không có từ anh em Biện Toại thành đất của hắn. Chứng cứ là, Hội đồng phái viên, trong đó có ông chủ quận H. làm chủ tịch đã xác nhận rằng bà Dương bán lại đất (cả của anh em Biện Toại) cho bang Tắc.
Nghị định ngày 13/4/1926 của Thống đốc Nam Kỳ đã xác nhận bán 50 mẫu đất với giá 5.000 đồng cho Mã Ngân. Anh em Biện Toại mất trắng đất, có nguy cơ trở thành tá điền này trên chính phần đất của mình.
|
Tái hiện cảnh xung đột Nọc Nạng |
Án bênh người thế cô
Dẫu thấp cổ bé họng, lại bị quyền thế o ép, nhưng anh em Biện Toại vẫn chống đối hòng giữ phần đất cha ông để lại đang mất vào tay kẻ khác.
Về phần bang Tắc, vì từng có tì vết trước đó về pháp luật nên không dám làm căng, sợ bị trục xuất về Trung Quốc.
Y liền bán sở đất trên cho bà Hà Thị Tr. là mẹ vợ của anh ông phủ H., rõ là lừa lọc và quyền thế gặp nhau. Đất sang tay, bà Tr. bèn đòi thu địa tô trên phần đất anh em Biện Toại canh tác. Và bà bắt đầu hành động.
Theo Lịch sử khẩn hoang miền Nam, ngày 6/12/1927, án lệnh của tòa cho phép bà Tr. thu tất cả số lúa anh em Biện Toại gặt được. Ngày 13/2/1928, lính mã tà tới thu lúa, anh em Biện Toại chống đối. Sáng hôm sau lính lại vào nhưng tiếp bị chống cự nên lại rút.
Nghĩ không còn bước đường lui, anh em nhà Biện Toại họp gia đình, lạy sống mẹ là bà Hương chánh Luông (trước đó đã bị hương chức làng bắt giam một ngày để hăm dọa anh em Biện Toại, và Biện Toại phải hứa không chống cự nên bà mới được thả về), rồi cắt máu ăn thề quyết sống mái với kẻ thù một phen.
Sáng ngày 16/2, 7g sáng, hai cò Tây là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà và hương chức làng đến đong số lúa đã gặt trên phần đất anh em Biện Toại (trước đó, lúa được hương chức làng Phong Thạnh mướn gặt chứ không cho anh em Biện Toại gặt và thay vì 3.500 giạ như dự đoán thì chỉ có 2.080 giạ. Dư luận nghi có sự ăn bớt ở đây). Vè Nọc Nạn ghi lại việc này là:
Hai cò bước xuống đò nghiêng,
Bảo làng với lính đi liên một đò.
Phong Thạnh hương quản tên Cho,
Ngồi trước mũi đò bàn luận gần xa:
“Xuống đây, ắt bọn nó ra,
Dữ lành chưa biết việc mà làm sao?”.
Khi đến đống lúa đã gặt trên đất Biện Toại, cô Trọng là em Biện Toại đi ra cùng bé Tư cháu gái. Xung đột nổ ra, cô Trọng rút trong áo cây dao nhỏ nhưng chưa kịp hành động thì đã nếm một báng súng của Tournier té xỉu rồi bị trói.
Bé Tư chạy về nhà báo động, một cuộc tắm máu bắt đầu. Anh em Biện Toại người dao mác, kẻ gậy gốc xông ra, hai bên xáp lá cà. Mười Chức em Biện Toại lĩnh một phát đạn chí tử từ Tournier, nhưng kịp đâm mác vào bụng hắn.
Anh em Mười Chức đánh bọn cò và mã tà. Kết quả, Mười Chức và Nghĩa (vợ Mười Chức, đang mang thai), người anh tên Nhẫn, Nhịn đều chết, những người còn lại bị bắt. Phía bên kia, Tournier chết.
Vụ việc lan ra nhanh chóng, báo chí đưa tin rất sát. Ngày 17/8/1928, án Nọc Nạn được tòa Đại hình Cần Thơ đem ra xử. Hai luật sư Tricon, Zévaco biện hộ miễn phí cho anh em Biện Toại. Nhờ báo chí, ai ai cũng biết anh em Biện Toại bị cướp đất trắng trợn, nên dù mắc tội, án xử lại nhẹ:
Biện Toại, Liễu (em út), Tia (con trai Biện Toại) được tha bổng. Cô Trọng bị án 6 tháng. Miều (chồng Liễu) 2 năm tù cho án ăn trộm. Trong phiên tòa, người của Hội đồng phái viên xác nhận phần đất ấy anh em Biện Toại khai khẩn trước.
|
Anh em Biện Toại tế sống mẹ, cảnh trong phim Đồng Nọc Nạng |
Còn Tri phủ H. thú nhận rằng anh ông ta hùn vốn với bang Tắc làm ăn (do đó khuất tất trong việc chuyển nhượng là đương nhiên).
Vụ án kết thúc, dư luận hoan nghênh, còn những bị cáo trong vụ án, mà thực ra là nạn nhân, được người làng Phong Thạnh xin với tòa cho tội nhân được ăn một bữa cơm với thức ăn họ đem đến sẵn.
Nói về vụ án này, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh có câu kết, nghĩ ra thật thấm mà cũng thật đau thương “Bây giờ, đồng Nọc Nạng đã trở thành một địa danh ưu tú, một cánh đồng lịch sử, do công khai hoang lập ấp của dân quê!”..../.