Thành phố Chicago chìm trong biển lửa
Vào ngày chủ nhật, 8/10/1971, bỗng nhiên trên đường phố Chicago nước Mỹ, trời tối dần rồi một ngôi nhà ở Đông Bắc thành phố bốc cháy dữ dội. Đội chữa cháy của thành phố vừa nghe tin, chưa kịp hành động thì tiếp tục có đám cháy thứ 2, rồi thứ 3 xảy ra. Còi báo cháy vang lên khắp nơi của thành phố, khiến chính họ cũng náo loạn bởi không biết phải đến chỗ nào xử lý trước.
Thành phố Chicago được mệnh danh là “Thành phố gió”. Do hạn hán và gió Tây Nam thổi mạnh khiến ngọn lửa càng nhanh chóng lan rộng. Hơn 2/3 trong số các công trình tại Chicago lúc bấy giờ được làm hoàn toàn bằng gỗ và hầu hết các nhà cửa cũng như công trình được lợp mái bằng nhựa đường hoặc ván lợp rất dễ cháy. Tất cả vỉa hè của thành phố và nhiều tuyến đường cũng đều được làm bằng gỗ. Thêm nữa, trong khoảng thời gian này thành phố Chicago nhận được lượng mưa rất thấp nên gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng.
Chính vì vậy chỉ sau nửa tiếng từ khi khi đám cháy thứ nhất xuất hiện, cả thành phố chìm trong biển lửa. Nói cách khác, Chicago không có khả năng phòng thủ trước ngọn lửa khổng lồ này.
Lúc đó, các lính cứu hỏa hy vọng rằng các nhánh phía Nam của sông Chicago và một khu vực đã bị đốt cháy hoàn toàn trước đây sẽ là một vành đai ngăn cháy tự nhiên. Tuy nhiên, dọc theo sông lại là những bãi gỗ, kho, bãi than và có nhiều sà lan, cầu qua sông. Ngọn lửa quá lớn, gió tây mạnh, tạo bức xạ nhiệt lớn, các tòa nhà bị cháy do bức xạ và do tàn lửa do gió mang đến. Khoảng 11h30, các mảnh vỡ lớn đang cháy bị thổi bay qua sông, rơi trên các mái nhà South Side Gas Works khiến đám cháy tiếp tục lan rộng.
Chicago tan hoang sau bão lửa tàn phá. |
Khi đám cháy lan được qua sông, chúng nhanh chóng lao về phía trung tâm của thành phố khiến tình hình trở nên hoảng loạn. Trong khi nhiều tòa nhà không chịu đựng được ngọn lửa thì một yếu tố chính góp phần vào sự lan truyền của đám cháy là một hiện tượng khí tượng được biết đến là vòng xoáy nhiệt.
Không khí bị quá nhiệt và bay lên tiếp xúc với không khí lạnh, tạo ra một hiệu ứng như lốc xoáy. Những xoáy nhiệt này cuốn phăng các mảnh vỡ cấu kiện đang bốc cháy bay cao và bay xa. Những mảnh vỡ như vậy được thổi qua nhánh chính của sông Chicago tới một toa xe chở dầu hỏa. Cứ như vậy, đám cháy lại lan truyền qua sông lần thứ hai, hoành hành khắp phía Bắc của thành phố.
Mặc dù đám cháy lan truyền và phát triển nhanh chóng, lính cứu hỏa thành phố tiếp tục chiến đấu với ngọn lửa. Chốc lát sau khi ngọn lửa qua sông, một mảnh gỗ đang cháy mắc lại trên mái nhà của Nhà máy nước thành phố. Trong vòng vài phút, toàn bộ tòa nhà bị nhấn chìm trong biển lửa và bị phá hủy. Do đó, thành phố mất nước hoàn toàn và tình hình trở nên tuyệt vọng. Đám cháy lan truyền tự do từ nhà này sang nhà khác, từ khu này sang khu khác mà không có sự ngăn chặn nào.
Cuối cùng, vào đêm 9/10 trời bắt đầu đổ mưa, nhưng lúc này đám cháy cũng đã tàn dần. Nó đã lan đến khu vực phía Bắc thưa thớt sau khi thiêu trụi hoàn toàn phía Nam đông đúc, trù phú.
Nguyên nhân của thảm hoạ được đưa ra
Chỉ trong thời gian ngắn, vùng trung tâm thành phố Chicago biến thành đống đổ nát, gạch vụn cùng với hơn 17.000 ngôi nhà bị cháy trụi. Theo báo cáo tổn thất của toàn thành phố lên tới 150 triệu USD (tương đương hơn 2 tỷ USD ngày nay).
Giải thích nguyên nhân của vụ hỏa hoạn, tờ Thời báo Chicago và một số báo lớn của Mỹ đưa tin: Do sơ suất của bà chủ, một con bò cái đã húc đổ ngọn đèn dầu gây cháy chuồng, đám cháy phát lửa từ chuồng bò đã lan khắp Chicago.
Tuy nhiên, lời giải thích này bị đa số dân Chicago phản bác. Một vị chỉ huy trực tiếp tham gia cứu hỏa cho biết: Chỉ trong chớp mắt, thành phố đã tràn ngập trong biển lửa, do đó bảo rằng “đám cháy lan ra từ chuồng bò” là điều vô lý và không có sức thuyết phục, đây thực sự là một trận lửa bay mới nhanh đến như vậy! Cả bầu trời bốc cháy, những hòn đá nóng bỏng như từ trên trời trút xuống.
Thành phố Chicago hoa lệ trở thành hoang phế sau vụ hoả hoạn. |
Nhiều người dân thoát chết sau vụ hỏa hoạn cũng khẳng định: Lửa giống như mưa từ trên trời rơi xuống. Sau khi tập hợp thông tin, cảnh sát liên bang Mỹ cho biết: Buổi tối đó, cùng với Chicago, ở các nơi như Wisconsin, Michigan, Nevada và một số vùng rừng núi, đồng cỏ phía đông Mỹ đều xảy ra cùng một lúc.
Điều khiến mọi người nghi ngờ hơn cả là bên cạnh hồ, một giá sắt đỡ tàu của xưởng đóng tàu cũng bị đốt cháy đến chảy cả sắt, trong khi xung quanh đó không có công trình kiến trúc gì cả. Cùng với đó, trong thành phố, một pho tượng đá hoa cương bị nung nóng chảy. Nhiều điều nghi vấn đã được đặt ra ngay sau đó. Nhà gỗ cháy thì nhiệt độ chỉ lên đến vài trăm độ, không thể làm nóng chảy được sắt và đá hoa cương. Điều đó chứng tỏ nhiệt độ phải rất cao.
Tiến sĩ W. Ximoberin, một chuyên gia lừng danh về các vụ án thiên văn, đối chiếu quan hệ giữa khí quyển với hỏa hoạn, đi đến giả thiết “mưa sao băng đem lửa đến”. Theo ông, nguyên nhân của vụ hoả hoạn này là sao chổi Bira (tên nhà thiên văn Tiệp Khắc tìm ra nó vào năm 1826). Sao chổi Bira có chu kỳ quanh mặt trời là 6,6 năm. Vào năm 1846, trong khi bay qua trái đất, nhân sao chổi Bira bị vỡ làm hai mảnh. Những quan sát tiếp theo cho thấy, đến năm 1852, hai phần nhân bị vỡ đôi kia đã cách nhau tới 2,4 triệu km để rồi mất hút trong vũ trụ.
Đúng vào ngày 8/10/1871, một phần nhân sao chổi Bira lại rơi vào trái đất và điểm giao tiếp lần này nằm trên không phận Mỹ. Kết quả là trận mưa sao băng dữ dội đã xảy ra. Phần lớn thiên thạch bị đốt cháy khi ma sát với không khí, phần còn lại rơi ào ạt xuống mặt đất có nhiệt độ rất cao, đủ năng lực hóa lỏng sắt thép và các loại đá hoa cương. Chicago không may mắn nằm gọn trong vòng trung tâm của trận mưa lửa.
Giả thuyết của Ximoberin được nhiều người quan tâm. Nhưng thực tế, đến nay người ta vẫn chưa tìm được một bằng chứng nào ủng hộ giả thuyết đó, ví dụ như các mẩu thiên thạch còn sót lại ở Chicago thời bấy giờ hay các mẫu cây cối, thực vật bị lửa trời thiêu đốt,...
Thậm chí một số nhà khoa học đã phản bác lại giả thuyết trên của ông. Họ cho rằng, sao chổi là vật thể khổng lồ không tồn tại, bầu khí quyển là tấm chắn tự bảo vệ của Trái Đất, nhân sao chổi cũng không thể gây ra tai họa nếu gặp phải Trái Đất, bởi nó sẽ bị thiêu cháy hết trong bầu khí quyển, sẽ không có mảnh vỡ nào có thể rơi xuống đất nữa.
Dù không có chứng cứ chứng minh, nhưng người ta cũng không đưa ra được chứng cứ gì bác bỏ những giả thuyết trên. Cho đến nay, “đại hoả hoạn ở Chicago” vẫn chưa được khám phá, có lẽ phải cần thêm rất nhiều thời gian của các nhà khoa học nữa thì bức màn bí ẩn này mới có thể dần dần được sáng tỏ.