Đại võ sư Việt mang 'tuyệt kỹ' gặp hoàng thân quốc thích

(PLO) - Việc được mời hoặc được cử sang nước bạn truyền thụ võ học đã trở thành quen thuộc với gia đình và người thân của đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo. Chúng tôi may mắn được diện kiến ông một vài lần, được ông chia sẻ về chuyện đời, chuyện võ…
Đại võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo (ngoài cùng bên phải) cùng các võ sư chụp ảnh kỷ niệm với nhà vua Faso tại Hoàng cung của Ngài
Đại võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo (ngoài cùng bên phải) cùng các võ sư chụp ảnh kỷ niệm với nhà vua Faso tại Hoàng cung của Ngài

Mỗi lần tiếp xúc là mỗi lần chúng tôi khám phá thêm nhiều điều mới mẻ, thú vị, để “ngộ” ra rằng, võ thuật không phải chỉ là võ, không chỉ là một môn thể thao đơn thuần, mà đó là cả một di sản văn hoá; “gánh” Võ Việt ra thế giới không phải chỉ để giao lưu hay truyền dạy những tuyệt kỹ võ Việt mà còn là giao lưu, truyền bá cả văn hoá, nhân cách Việt. 

Nhờ võ, được “diện kiến” vua

Một buổi chiều thượng tuần tháng 6, sau chuyến công tác dài ngày cùng Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam (WFVV) ở hải ngoại, đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm của chuyến đi đặc biệt này. Bởi đây là lần đầu tiên ông được diện kiến nhà vua Vương quốc Burkina Faso (Châu Phi). Theo cách nói hóm hỉnh của ông, là nhờ có “duyên võ”, ông mới có được may mắn ấy.

Lão võ sư chậm rãi kể, từ ngày 17/5 - 29/5/2018, WFVV cử ông và võ sư quốc tế Trần Việt, cùng 2 thành viên là đại võ sư quốc tế của WFVV phụ trách công tác ở nước ngoài, sang giúp tổ chức huấn luyện, đồng thời thi nâng đai, đổi đai theo quy chế của WFVV tại Roma và Milano (I-ta-li-a), Velaux Marseille (Pháp), Ouagadougou (Burkina Faso). 

Nhân dịp này, đoàn Võ sư WFVV chuyển lời thăm hỏi của Chủ tịch Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam đến các tổ chức Võ cổ truyền Việt Nam ở hải ngoại và tặng quà lưu niệm của WFVV cho Đức vua Mogho Naaba Bâongho và ông Daouda Azoupion, Bộ trưởng Bộ Thể thao Burkina Faso.

Các võ sư đã giới thiệu Võ cổ truyền Việt Nam từ góc nhìn lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; tập luyện các bài căn bản công pháp 1, 2, 3; thực hành phương pháp phân thế, trao đổi các thế võ tự vệ cận chiến của võ cổ truyền Việt Nam với các môn phái, võ đường ở nước ngoài; tập luyện một số bài võ quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam áp dụng ra thế giới; tập huấn Luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam (thi đấu đối kháng trên võ đài và thi đấu biểu diễn)...

Đến với lớp tập huấn ở Ouagadougou - Burkina Faso có gần 200 học viên theo học của 5 quốc gia là: Burkina Faso, Algerie, Maroc, Mali và Niger. Ngày khai mạc và bế mạc đều có quan chức cấp cao của Burkina Faso đến dự, như: Ông Jules Tapsoba - Cố vấn đặc biệt Thủ tướng Chính Phủ; Jean Yameogo - Chủ tịch Uỷ ban Olympic Burkina Faso; Trung tá Nationale - Đại diện Bộ Công an; Chủ tịch các Liên đoàn Vovinam, Võ cổ truyền, Sơn Long Quyền thuật, Võ Khí Thuật và Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Burkina Faso.

Ngoài giờ tập huấn, đoàn Võ sư của WFVV được ông Daouda Azoupion, Bộ trưởng Bộ Thể thao Burkina Faso tiếp đón tại tư dinh và Đức vua Mogho Naaba Bâonghođón tiếp tại Hoàng Cung với phong cách bình dị, thân thiện, lưu lại những tình cảm sâu lắng và quà tặng là những cuốn sách có thủ bút của Đức vua, với những vần thơ hòa bình, nhân ái, trên tinh thần:

“Đem yêu thương vào nơi oán thù/ Đem thứ tha vào nơi lăng nhục/ Đem an hòa vào nơi tranh chấp/ Đem chân lý vào chốn lỗi lầm/ Đem niềm vui đến chốn u sầu…”.

Tuy Faso là đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng rất hiếu khách và giàu tinh thần thượng võ, tôn sư trọng đạo. Đặc biệt, đức vua Faso rất gần gũi với người dân, Ngài tiếp cả thứ dân, từ kẻ ăn mày đến những bậc trí thức. Cánh cổng hoàng cung bao giờ cũng rộng mở, không có lính gác mà chỉ có người hầu, họ không mang súng ống hay giáo mác mà chỉ mang bên mình một cây kiếm gỗ chỉ để “tạo dáng”.

“Khi chúng tôi thắc mắc về điều này, Đức vua mỉm cười nói, khi tâm mình rộng mở, hiền hoà, lấy yêu thương đối đãi với người, với đời thì ta sẽ nhận lại sự bình an, thanh thản nên chẳng cần phải “trông cậy” quá nhiều vào lưỡi gươm, đường kiếm”, võ sư Bảo kể.

Lần đầu được gặp vua, lại ở một đất nước vừa xảy ra một trận khủng bố, nhưng ai ai cũng đều gần gũi, thân thương. Đặc biệt, Vua nước Faso là một đức vua trọng hoà bình, nhân ái, hoà hiếu và giàu đức độ.

Sách và thủ bút của Nhà vua Faso đề tặng Võ sư Bảo
Sách và thủ bút của Nhà vua Faso đề tặng Võ sư Bảo

Ấn tượng nhất là hình ảnh “ngai vàng” là cây hoà bình, được điểm xuyến bởi những chồi non nảy lộc, cánh chim bồ câu trắng, gắn với những nhánh, chi là bản đồ đất nước Ngài đang trị vì. Cuộc “diện kiến” c trong vòng 3 tiếng đồng hồ quả thực là một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa và ấn tượng. “Đó là cơ hội hiếm có trong cuộc đời của một võ sư”, thầy Bảo chia sẻ.

“Căng mình” ở trời Tây

Hơn 60 năm cuộc đời gắn với nghiệp võ, Võ sư quốc tế Trương Văn Bảo không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần xuất ngoại để truyền thụ võ học, nhưng ông nhớ rất rõ rằng, cả năm châu lục, đã từng in dấu chân ông. Nơi nào ông cũng hết lòng truyền bá tinh hoa võ cổ truyền dân tộc, kết hợp giải thích, chuyển tải những bài học quý báu về đất nước, con người Việt Nam, về những giá trị truyền thống, văn hoá và cả những trang sử hào hùng của dân tộc ta. 

Tuy nhiên, ở mỗi miền quê, mỗi đất nước lại có những cá tính, văn hoá riêng, nên muốn truyền thụ võ học ở đâu, phải tham khảo và có hiểu biết nhất định về nơi đó. Điển hình như, cùng là I-ta-li-a, nhưng Roma lại rất nhẹ nhàng, chậm rãi, khoan thai; trong khi đó, Milano lại mạnh mẽ, trẻ trung, nhiệt huyết; nhưng tựu trung là họ rất ngưỡng mộ và thiết tha học Võ cổ truyền Việt Nam và rất tò mò tìm hiểu về văn hoá Việt. 

Võ sư Bảo kể, khi nghe có thầy võ của ta sang truyền thụ võ cổ truyền Việt Nam, họ rất hào hứng theo học. Chẳng hạn như chuyến tập huấn mới đây tại Milano, thời gian dạy chỉ có 2 ngày, nhưng môn sinh đăng ký theo học rất đông, phải chia thành 3 nhóm dạy cùng 1 lúc vì chỉ có một mình mình dạy.

Đó là một kỷ niệm không thể nào quên trong đời dạy võ của mình, dù phải vận động liên tục, mệt đến rã rời chân tay, nhưng vì thấy họ rất đam mê, thiết tha học Võ cổ truyền Việt Nam của mình nên phải căng mình ra dạy.

Tôi xem đây cũng là một thử thách của người nước ngoài đặt ra đối với một ông thầy võ Việt Nam, nên lúc đó phải vận dụng trí tuệ, sự nhạy bén của mình để phân bổ thời gian sao cho hợp lý, truyền dạy sao cho hiệu quả.

Thời gian gấp rút, nhưng với lương tâm và trách nhiệm, tôi phải nỗ lực hết mình để làm sao dạy đến nơi đến chốn. Mỗi nhóm, sau khi dạy qua một lượt, tôi chọn ra một võ sinh nổi trội, giao điều khiển nhóm tập.

Võ sư Bảo cùng rất đông các môn sinh tại lớp tập huấn ở Milano
 Võ sư Bảo cùng rất đông các môn sinh tại lớp tập huấn ở Milano

Cứ thế, tôi lần lượt vòng quanh dạy đến nhóm tiếp theo, rải sức bền, chú trọng kỹ thuật, kết hợp xen những câu chuyện văn hoá, lịch sử nước ta nhằm giải thích giá trị của Võ Việt, để giờ học thêm phần sinh động, hấp dẫn, thuyết phục. Vậy nên, hầu hết võ sinh nước ngoài đều cảm thấy thích thú, hứng khởi mỗi khi có dịp tái ngộ hoặc nghe danh thầy. 

Thầy Bảo kể, có những chuyến đi kéo dài trên dưới nửa tháng, di chuyển qua nhiều nước, trái múi giờ, sự khắc nghiệt của thời tiết, thời gian tập luyện dày đặc, khẩn trương nhưng nhu cầu thiết tha học hỏi của võ sinh lại rất cao, do đó, đòi hỏi võ sư phải nỗ lực, tận tâm hết mình để truyền dạy. 

Điều đáng nói là, Võ cổ truyền Việt Nam có những bài rất khó, đòi hỏi người võ sư phải khéo léo chuyển ngữ, đồng thời, biến hoá linh hoạt sao cho phù hợp để giúp người học dễ tiếp thu. Trong quá trình dạy võ của mình, Võ sư Văn Bảo chú trọng yếu tố kỹ thuật đòn, thế và tinh thần võ đạo, trải sức, rèn luyện tính nhẫn, tính bền. 

Võ sư Bảo đúc kết, phương Tây họ rất thực dụng, sòng phẳng, trọng thực học và khoa học nhưng qua tiếp cận và lĩnh hội họ cũng phải “nghiêng mình kính cẩn” nền võ học nước ta. Họ học Võ Ta là hỏi ở tinh thần thượng võ, sức mạnh đoàn kết, họ trân trọng những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc ta.

Họ luôn tò mò và hiếu kỳ: “Vì sao một dân tộc nhỏ bé như thế mà lại có thể đánh đuổi giặc ngoại xâm một cách hào hùng, hiển hách? Phải chăng có sự yểm trợ của một lực lượng siêu nhiên nào ở đây?”.

Trước những câu hỏi “khó” và những thử thách “khó” như thế, được sự tin tưởng và uỷ thác của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, tôi bình tĩnh, tự tin, mạnh dạn trả lời: “Đó là nhờ vào ý thức dân tộc, tinh thần thượng võ, đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn của đất nước ta.

Trải qua hơn 4 ngàn năm lịch sử, chúng ta có quyền tự hào về các thế hệ cha anh đi trước đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì nền hoà bình, độc lập, tự do dân tộc. Bởi những điều ấy đã được ghi vào sử sách, bạn bè quốc tế rất đỗi ngưỡng mộ, khâm phục”.

Võ học vô biên

Với võ sư Bảo, võ học là không biên giới! Bởi theo ông, mỗi môn võ, mỗi dân tộc đều có những chiêu thức võ thuật đặc sắc riêng. Mỗi chuyến đi là một cơ hội để ông mở rộng tầm mắt, nâng cao kiến thức, từ đó so sánh, đối chiếu, học hỏi, vận dụng khéo léo, linh hoạt, góp phần nâng tầm võ thuật nước nhà, để hoà vào dòng chảy chung của võ học nhân loại.

Nói đời võ của đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo ông là những chuyến đi, quả không sai! Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn luôn sẵn sàng đồng hành cùng với Liên đoàn Thế giới Võ thuật cổ truyền Việt Nam, mang trên mình sứ mệnh truyền bá di sản văn hoá nước ta ra thế giới. 

Ông cho rằng, chặng đường phía trước của Võ cổ truyền Việt Nam trong nước cũng như nước ngoài cần có thời gian, điều kiện, phương tiện và con người làm việc, nhất là sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển trên tinh thần thượng võ với ý nghĩa Võ cổ truyền Việt Nam là một nhà, bốn bể đều là anh em.

“Nhờ vào “duyên võ” mà tôi được đi đây, đi đó để truyền bá Võ Việt, được mở rộng tầm mắt. Song có lẽ dù đi đâu, về đâu thì trong trái tim tôi vẫn một lòng hướng về quê cha đất tổ, về đất nước nghìn năm văn hiến. Bởi nơi đây đã gắn liền với những ký ức tuổi thơ của một thời gian khó nhưng hết sức vẻ vang, giàu tinh thần thượng võ”, Đại Võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo, chia sẻ. 

Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ V (2018 - 2023). Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang, tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. 

Đại hội cũng bầu ra 9 Phó chủ tịch, trong đó có ông Đặng Danh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục thể thao, giữ chức Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký; Đại võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo, được bầu giữ chức Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế, Phó Trưởng Ban chuyên môn kỹ thuật.

Đọc thêm