Huyền thoại và sự thật về Ninja (kỳ 2): 'Lộ tẩy' bí kíp thôi miên

(PLO) - Ninjutsu, taijutsu và genjutsu là những môn võ thuật đã góp phần tạo nên tên tuổi của những ninja lừng danh. Trong đó, taijutsu là nghệ thuật sử dụng cơ thể, đặc biệt là trong môi trường chiến đấu, chú trọng việc sử dụng các đặc tính thể chất của cơ thể con người, phục vụ cho các hoạt động đột nhập và tẩu thoát của ninja. Còn genjutsu chính là kỹ thuật thôi miên “có một không hai”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Yếu tố của những câu chuyện huyền thoại

Nghệ thuật chiến đấu bằng tay không của người Nhật đã có lịch sử từ rất lâu, được ghi chép trong nhiều cuốn sách cũng như trong những ghi chép, tranh vẽ. 

Nghệ thuật chiến đấu bằng tay không thường được các võ sỹ Nhật sử dụng trong chiến đấu ở cự ly gần nhằm đánh bại hay kiểm soát kẻ thù. Trong đó, taijutsu là môn võ chú trọng cách thức để ninja dễ dàng tẩu. Nói một cách đơn giản, đây là những thủ thuật cùng kĩ năng chiến đấu bằng tay mà không cần bất cứ một vũ khí nào. 

Môn võ này gồm nhiều động tác mang tính hệ thống khoa học, dựa trên những đặc điểm sinh lý, phản xạ, khả năng cơ bản nhất của con người mà tạo ra các đòn đánh vừa nhanh lại vừa chậm phù hợp với tình hình. 

Trong taijutsu, các yếu tố khoảng cách, thời gian, góc cạnh và tâm lý đều được khai thác một cách triệt để, tạo điều kiện để các ninja có thể kết hợp các nguyên tắc chiến đấu cơ bản nhằm vượt qua mối đe dọa một cách hợp lý và nhanh nhất.

Mỗi khi ra đòn, các ninja sẽ cố gắng dốc toàn lực, vận dụng lực cổ tay đánh mạnh có thể gãy xương đối phương, thậm chí những đòn đánh của họ dù đơn giản nhưng có thể gây chết người nếu trúng chỗ hiểm.

Tất cả mọi người đều có thể thực hành taijutsu nhưng không giống như 2 môn võ thuật còn lại của các ninja là ninjutsu và genjutsu, khả năng thực hành taijutsu của các ninja chỉ có thể đạt được thông qua việc làm chủ võ thuật. 

Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để làm chủ được các kỹ thuật taijustu đòi hỏi không chỉ thời gian mà còn cả công sức và cả khả năng vận dụng các giác quan một cách nhanh nhạy. 

Với ý nghĩa như vậy, taijutsu được xem là nền tảng cho tất cả những phương pháp chiến đấu, bao gồm cả các hoạt động chiến đấu có và không có vũ khí. Các nguyên tắc di chuyển cơ thể dù là có vũ khí hay không có vũ khí giống hệt nhau và trong quá trình huấn luyện, các ninja sẽ được tập song song cả chiến đấu bằng vũ khí và không có vũ khí.

Trong taijutsu, các điểm tấn công, hay còn gọi là những vũ khí tự nhiên bao gồm đầu, miệng, vai, nắm đấm tay, lòng bàn tay, cạnh bàn tay, đầu ngón tay, khuỷu tay, hông, đầu gối, đầu ngón chân, cạnh bàn chân, bàn chân và gót chân. Taijutsu sử dụng nhiều kỹ thuật tấn công, trốn thoát khỏi những nơi bị khóa, nhào lộn, kỹ thuật giải giáp… 

Những võ sư đã đạt trình độ taijutsu cao có thể đối phó với đối thủ sử dụng kiếm chỉ bằng tay không thay vì phải trốn chạy. Trường hợp như vậy được gọi là muto. Những phương pháp tấn công cơ bản được họ sử dụng bao gồm đấm, đá, phi thân, đạp, kẹp người, bóp cổ, khóa khớp. Ngoài ra, các võ sỹ cũng có thể khiến đối phương bị đau thông qua các phương pháp phòng vệ hiệu quả.

Hình minh họa
Hình minh họa

Nhiều nghiên cứu xác nhận rằng taijutsu chính là bộ môn võ thuật đã được các ninja Nhật Bản trung đại nghiên cứu, rèn luyện, kết hợp cùng nhiều kĩ năng sử dụng vũ khí, do thám khác để tạo thành bộ môn ninjutsu với nhiều câu chuyện huyền thoại. 

Taijutsu bao gồm nhiều chiêu thức đặc trưng như Asa Kujaku (có nghĩa là công buổi sáng, theo đó võ sỹ sẽ sử dụng sức mạnh và tốc độ để tấn công đối thủ; Dainamikku-Entori có nghĩa là tấn công thẳng mặt...

Taijutsu hiện nay vẫn đang được giảng dạy tại nhiều nước trên thế giới. So với kỹ thuật cổ xưa, taijutsu hiện đã được phát triển với hệ thống kĩ thuật khoa học, dựa trên những đặc điểm sinh lý, phản xạ, khả năng cơ bản nhất của con người, đồng thời được phát triển thêm những kỹ năng, kỹ thuật mới để phù hợp với hoàn cảnh chiến đấu thường gặp trong xã hội ngày nay. Thêm vào đó, taijutsu hiện đại cũng cho phép người học sử dụng những thủ thuật “chơi xấu” đối thủ như tấn công vào hạ bộ đối thủ…

Ninja và kỹ thuật gây ảo giác

Một trong những điều khiến ninja trở nên bí ẩn trong con mắt mọi người là việc kiểm soát ảo giác. Trong những bộ phim hay những cuốn truyện tranh về đề tài ninja, không khó để có thể bắt gặp cảnh những ninja sử dụng năng lực của mình để thôi miên, điều khiển đối phương, vô hiệu hóa họ để dễ bề hành động. 

Trong những bộ phim hay mẩu truyện như vậy, ngay sau khi giơ ngón tay để thực hiện những động tác mang tính biểu tượng, các ninja sẽ bay lên không trung và biến mất như một làn khói. Vậy, trên thực tế, các ninja có thực sự làm chủ được những kỹ thuật như vậy không và nếu có thì họ thực sự đã dùng phù phép gì?

Câu trả lời là những ninja đúng là đã sử dụng các kỹ năng được gọi là genjutsu nhưng các nguyên tắc của genjutsu không hề siêu nhiên như phù thủy mà chỉ giống như những thủ thuật được các ảo thuật gia sử dụng.

Kỹ thuật gây ảo giác hay ảo thuật trong tiếng Nhật là genjutsu, là một trong những thuật chính sử dụng luân xa (chakra). Khác với ninjutsu, thay vì tấn công cơ thể của nạn nhân, các ninja tìm cách điều khiển dòng chảy luân xa trong hệ thống thần kinh não của mục tiêu, làm gián đoạn giác quan của nạn nhân, tạo ra ảo ảnh hay dẫn dụ khiến đầu óc nạn nhân tin rằng cơ thể của họ đang bị đau đớn. 

Genjutsu cũng có thể được sử dụng để thao túng nạn nhân – tương tự như tẩy não – bằng cách khiến nạn nhân lâm vào tình cảnh bị choáng ngợp bởi những ảo ảnh. Hầu hết trường hợp sử dụng genjutsu đều được thực hiện qua trực quan, đòi hỏi mục tiêu phải tiếp xúc bằng mắt với các ninja nhưng cũng có những trường hợp việc gây ảo giác này được thực hiện bằng âm thanh và các ninja có thể thôi miên nạn nhân từ xa. 

Đây được xem là phương thức thi triển ảo thuật nguy hiểm nhất, cho phép các ninja ẩn mình khi tấn công. Cũng có những trường hợp ninja cho mục tiêu uống những viên thuốc thôi miên đặc biệt sẽ phát huy tác dụng khi mục tiêu ngủ. 

Thông thường, những người bị tác động của genjutsu sẽ bị bất tỉnh hoặc vẫn di chuyển nhưng việc đi lại khi đó là vô định. Để chống lại những ảnh hưởng của genjutsu, nạn nhân chỉ có vài lựa chọn. 

Đầu tiên, họ phải ngăn được dòng chảy luân xa trong cơ thể và sau đó phải sử dụng một năng lượng thậm chí còn mạnh hơn nguồn năng lượng mà các ninja phát ra để phá vỡ dòng chảy luân xa của người thực hiện ảo thuật. Kỹ thuật này được gọi là Hóa giải ảo thuật. 

Cách thức thứ 2 để người bị ảo giác thoát khỏi ảnh hưởng của thuật này là họ phải chịu đựng một cơn đau dữ dội, có thể do người khác gây ra. Ngoài ra, một số người có thể luyện tập đôi mắt để ngăn không bị thôi miên trước các ninja. Với các ninja thực thụ, họ có thể phá vỡ ảnh hưởng của thuật genjutsu bằng cách sử dụng năng lượng của họ.

Một trong những bậc thầy ninja về sử dụng kỹ thuật ảo giác này được cho là Kato Danzo, một ninja sống ở thế kỷ thứ 16. Theo các truyền thuyết, Danzo từng khiến người dân xôn xao khi biểu diễn màn nuốt cả con bò hay làm cho những hạt của cây hoa hướng dương lớn lên, trổ bông trong chốc lát. 

Chính nhờ tài nghệ này mà ông ta được một lãnh chúa tên Kenshin thuê làm người bảo vệ. Cũng chính nhờ sử dụng kỹ thuật genjutsu mà Danzo đã thản nhiên vào được nhà của một lãnh chúa khác, đánh cắp được kho báu của nhà ông ta và thậm chí còn dụ được thêm 1 cô hầu gái theo về theo chỉ đạo của chủ nhân!

Tuy hữu dụng là vậy nhưng genjutsu không được sử dụng thường xuyên như ninjutsu hay taijutsu vì các ninja thường thích sử dụng các thuật gây hiệu ứng hữu hình bởi ảo thuật thường đòi hỏi nhiều kỹ năng và nếu thực hiện không đúng sẽ không có hiệu quả. Và trên thực tế, những tài liệu cổ về ninja cũng không ghi chép gì nhiều về kỹ thuật này.

Đọc thêm