Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả Cuộc vận động
Bên cạnh việc tiếp tục tổ chức triển khai tuyên truyền theo các hình thức trước đây như: tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; treo pano, áp phích…, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Đăk Lăk đã triển khai Cuộc vận động theo tinh thần của Chỉ thị số 03 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Theo đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Đăk Lăk đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam” tỉnh Đăk Lăk năm 2023 với mục tiêu: Phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng mạng lưới, quy mô kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; Đến hết năm 2023, tăng thị phần hàng Việt Nam có uy tín, có thương hiệu tại siêu thị, Trung tâm thương mại chiếm trên 90%; thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối truyền thống trên toàn địa bàn tỉnh chiếm trên 90%; Nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại nội địa, gắn kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ cho các doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, trong năm 2023 tỉnh đã có 2 điểm bán hàng Việt Nam (Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột và Siêu thị Co.opmart Buôn Hồ) để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và bán hàng Việt đến người tiêu dùng trong tỉnh và du khách trong và ngoài nước, đây cũng là một hình thức tuyên truyền hiệu quả nhằm thay đổi nhận thức của nhân dân về hàng hóa sản xuất trong nước, thay đổi hành vi mua sắm, tiêu dùng.
Việc xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam của tỉnh Đăk Lăk năm 2023 đã đạt được mục tiêu phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh phân phối, hệ thống bán lẻ hàng hóa sản xuất trong tỉnh, khuyến khích đầu tư phát triển thương mại nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi.
Ngoài ra, Sở Công thương tỉnh cũng đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chương trình xúc tiến thương mại địa phương. Cụ thể, triển khai 25 phiên chợ, 57 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, hàng hóa chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao. Các doanh nghiệp đã tổ chức nhiều đợt khuyến mãi giảm giá bán sản phẩm, tặng quà khuyến khích tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Đặc biệt, năm 2023, tỉnh tổ chức thành công Hội nghị kết nối giao thương quốc tế trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với sự tham dự của 450 đại biểu của 170 đơn vị, gồm đại diện lãnh đạo các nhà nhập khẩu, phân phối, sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng các mặt hàng nông sản, nhất là cà phê trong và ngoài nước…Tổ chức tuyên truyền đến hơn 61.000 lượt người dân về Cuộc vận động; phối hợp tổ chức 66 hội chợ, phiên chợ, chuyến hàng Việt về vùng nông thôn.
Thúc đẩy Cuộc vận động vừa lan tỏa rộng, vừa đi vào chiều sâu
Trong năm tới, tỉnh Đăk Lăk sẽ tiếp tục chú trọng tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mọi điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận ưu tiên lựa chọn mua sắm sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. (Ảnh minh họa - Nguồn: daklak.gov.vn). |
Để thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Đăk Lăk cho biết, năm 2024, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục tuyên truyền phổ biến, quán triệt các văn bản Trung ương và địa phương; Kế hoạch số 87 –KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động trong tình hình mới. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; tuyên truyền về tiêu chuẩn, chất lượng ưu thế của hàng Việt Nam, các mặt hàng có lợi thế của các doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh các sản phẩm đạt chất lượng đã được công nhận như VietGap, OCOP; phát huy vai trò mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị, các doanh nghiệp trong tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức hệ thống chính trị các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý thị trường đấu tranh phòng chống gian lận thương mại; thường xuyên công bố tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm hàng hóa; vận động nhân dân vào cuộc tố giác hành vi sản xuất, kinh doanh tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mọi điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận ưu tiên lựa chọn mua sắm sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh khuyến công, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ chuyên ngành, chương trình kết nối giao thương, chương trình hàng việt về nông thôn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước, từng bước tiếp cận với giải thưởng doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia.