Đảm bảo an toàn để không bị tai nạn lao động dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời điểm cuối năm là giai đoạn “chạy nước rút” của nhiều công trình để kịp tiến độ. Khối lượng công việc lớn, đồng thời bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, người lao động đang đối mặt với những vụ tai nạn lao động thương tâm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 3/12, trong quá trình làm việc, anh L.V.Q. (Thanh Yên, tỉnh Điện Biên) làm việc tại Hải Phòng, bị mảnh thép bắn vào vùng ngực trái, xuyên ra sau lưng gây tổn thương vùng ngực, bụng khiến người bệnh đau ngực, khó thở và chảy máu nhiều qua vết thương.

Người bệnh được chuyển đến bệnh viện Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) trong tình trạng sốc chấn thương, tiên lượng nặng. Trong ổ bụng người bệnh có khoảng 1.500 ml máu. Người bệnh nhanh chóng được tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, xét nghiệm COVID-19 và hội chẩn phẫu thuật.

Sau hơn 6 giờ tập trung cao độ, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại Tiêu hóa, Thận Tiết niệu, Lồng ngực – Tim mạch, Gây mê – Hồi sức tiến hành dẫn lưu khoang màng phổi trái, khâu cầm máu động mạch liên sườn, khâu vết thương cơ hoành, khâu vết thương gan, khâu lỗ thủng dạ dày, cắt lách, cắt đuôi tụy, nối tụy ruột, cắt thận trái. Ca phẫu thuật thành công.

Sau thời gian hậu phẫu tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực ngoại, tình trạng sức khỏe của anh L.V.Q dần ổn định và đang được tiếp tục điều trị tại Khoa Ngoại Lồng ngực – Tim mạch.

Đây chỉ là một trong những trường hợp tai nạn lao động may mắn được các bác sĩ kịp thời cứu chữa.

Trước đó, khoảng 15h ngày 3/12 tại một căn nhà hướng ra biển Thương Chánh thuộc khu phố 6, phường Hưng Long, TP Phan Thiết đã xảy ra vụ việc tai nạn lao động thương tâm khiến 1 người tử vong.

Thời điểm đó, anh L. (trú tạiTP Phan Thiết) là thợ hồ thi công công trình này đang đứng trên mái tôn của ngôi nhà. Theo các nhân chứng, bất ngờ phần mái tôn chỗ anh đứng bị sập khiến anh L. rơi xuống đất từ độ cao khoảng 5 mét.

Nạn nhân được đưa đến trạm y tế phường cấp cứu sau đó chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Tại đây, nạn nhân được xác định đã tử vong.

Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe để tiếp tục công việc trong những ngày cuối năm, bác sĩ Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM khuyến cáo, sức khỏe tốt là yếu tố giúp hạn chế tai nạn lao động. Đặc điểm của người lao động tay chân là cường độ lao động vừa hoặc nặng, phải làm thêm giờ, giờ giấc ăn uống thất thường…

Để đảm bảo đủ sức khỏe tốt, người lao động cần đáp ứng đủ năng lượng theo mức lao động và tình trạng dinh dưỡng, đối với nữ cần cung cấp đủ 1.800-2.200 Kcal/ngày, nam cần 2.200-2.600 Kcal/ngày.

Phải cân đối dưỡng chất gồm: đạm (thịt, cá, trứng, sữa…), chất béo (dầu, mỡ…), chất bột đường (cơm, bánh mì…), vitamin và chất xơ. Khi làm việc dưới trời nắng nóng, đổ nhiều mồ hôi, người lao động cần uống khoảng 3 lít nước/ngày.

“Tránh việc bỏ bữa, nếu bỏ bữa sẽ dễ hạ đường huyết, dẫn đến kém tập trung, buồn ngủ, thao tác kém chính xác khiến dễ xảy ra TNLĐ. Hơn hết, sau ngày làm việc mệt mỏi thì người lao động cần được nghỉ ngơi, phải ngủ đủ 6-8 giờ/ngày”, bác sĩ Dương Thị Kim Loan nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, năm 2021, trên địa bàn tỉnh này xảy ra 17 vụ tai nạn lao động làm 28 người bị nạn. Trong đó có 8 người chết, 8 người bị thương nặng, 12 người bị thương nhẹ. Thiệt hại về vật chất liên quan đến các vụ tai nạn lao động hơn 150 triệu đồng.

Tai nạn lao động chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về an toàn vệ sinh lao động như: Xây dựng (một vụ, 3 người chết, 8 người bị thương nặng); sản xuất công nghiệp (4 vụ, 4 người chết); khai thác khoáng sản (một vụ, một người chết).

Đọc thêm