Đám tang không tiếng khóc

(PLO) - Đám tang lặng lẽ không có tiếng khóc, hiu hắt như cuộc sống cô độc của ông Thành hơn 10 năm qua. 
Đám tang ông Thành lặng lẽ không có tiếng khóc, ít khách đến viếng thăm
Đám tang ông Thành lặng lẽ không có tiếng khóc, ít khách đến viếng thăm
Theo lời người con gái, do ông thường xuyên nhậu nhẹt, chửi bới, quậy phá gia đình nên vợ con sống ly thân đã hơn 10 năm. Ông về nhà mẹ đẻ sinh sống từ đó đến nay, làm thợ hồ. 
Người con gái chia sẻ: “Vì chuyện gia đình, rồi công việc bấp bênh, cha em buồn lắm. Mấy đứa em từ khi cha ra ở riêng ít lui tới. Thường thì lúc nào cha rảnh thì về thăm chứ chúng em ít đến nhà gặp cha. Bây giờ nghĩ lại thấy cha sống cô đơn, một mình trong căn nhà hiu quạnh này mà thấy thương. Hối hận đã muộn rồi”.
“Bợm nhậu” đột tử
Sáng 5/9, người dân khu phố 2 (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) tá hỏa phát hiện ông Nguyễn Đức Thành (Hùng “gà”, SN 1963) chết trong nhà riêng với một vết thương trên đầu. 
Ngay lập tức, vụ việc được trình báo cơ quan chức năng. Kết quả điều tra bước đầu xác định ông Thành chết do ngộ độc rượu. Vết thương trên đầu do xỉn không làm chủ được bản thân bị té khi bước từ trên giường xuống đất.
Ông Mai Văn Lên, Trưởng khu phố 2 kể: “Sáng 5/9, ông Thành là trường hợp được chúng tôi mời lên phường làm việc để nhắc nhở về chuyện nhậu nhẹt quá nhiều, gây phiền hà xóm giềng. Không thấy ông ấy đến, anh Long, cảnh sát khu vực vào nhà, thấy ông Thành nằm trên bộ ván, người nồng nặc mùi rượu. 
Lúc đó, ông Thành đã tiểu tiện bậy ra cả bộ ván. Biết ông đã xỉn quắc cần câu không mời đi được, anh Long bỏ về. Chỉ ít phút sau, chúng tôi lại nhận được tin báo của người dân là ông Thành chết rồi. Ai nấy đều ngạc nhiên”.
Ông Lên cùng toàn bộ bảo vệ dân phố nhanh chóng đến bảo vệ hiện trường chờ công an đến. Theo ông kể lại, ông Thành lúc đó nằm “chổng vó” dưới đất, trên đầu có một vết thương lớn. 
Con gái ông Thành kể: “Nghe tin cha gặp nạn, tôi tức tốc về nhà nhưng không kịp. Lúc này, thi thể cha tôi đã được người ta lau sạch vết máu và đặt nằm ngay ngắn trên bộ ván. Hỏi những người xung quanh, ai cũng không rõ việc gì”. 
Bà Lệ, người đầu tiên phát hiện cái chết của ông Thành kể: “Khi anh Long không gặp được ông Thành, anh có nhắn lại với tôi là khi nào ngủ dậy nhớ nhắc lên khu phố làm việc. Đợi một lát, tôi sang thì thấy ông Thành đã nằm chết. Tôi chỉ kịp la lên cho mọi người vào kiểm tra”. 
Những người được hỏi cũng không hề thấy người nào khả nghi lảng vảng gần hoặc vào nhà ông Thành kể từ khi người cảnh sát khu vực trở ra. Trước khi xảy ra vụ việc, buổi sáng hôm đó ông đã mời hàng xóm đến nhà nhậu nhẹt. Sau chầu nhậu, ai về nhà nấy, chủ nhà dọn dẹp rồi lên bộ ván ngủ như thường ngày.
Một cán bộ phường cho hay, sáng nào đi ngang nhà ông cũng nhắc nhở, răn đe nặng nhẹ. Hôm xảy ra sự việc, cán bộ này đi ngang qua không vào nói chuyện thì hay tin ông Thành chết. 
Khám nghiệm cho thấy hiện trường không hề có sự xáo trộn, không có xô xát hay tác động từ bên ngoài. Tài sản, đồ đạc trong nhà không bị lục soát, không mất mát thứ gì. Nghi ngờ đầu tiên là ông Thành tử nạn do bệnh lý. Kết hợp với những tình tiết như vừa mới nhậu say, thường uống rượu và kết quả khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định ông Thành chết do bị ngộ độc rượu, đứt mạch máu não. Vết thương trên trán không dẫn đến tử vong.
Đời cô độc
“Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ ông ấy bị giết người, cướp của. Nhưng ông ta có cái gì đâu để cướp, ngoài tấm thân gầy còm vì nghiện rượu nặng. Trong nhà, không xe máy, không tivi, không tủ lạnh. Trong người, mỗi ngày xin được vài nghìn đồng dùng vào tiền uống rượu hết rồi. 
Còn về mâu thuẫn, ở khu vực, ai cũng ngán cái cảnh ông Thành rượu vào lại chửi cả làng lên nhưng nghe hoài cũng quen, có ai ghét ông ta bao giờ. Tự tử lại càng không, coi ông vậy chớ còn “tươi xanh” lắm. Mỗi ngày đều có chiến hữu đến tụ tập, ăn nhậu, chẳng buồn lo, nghĩ ngợi gì”.
Hoàn tất thủ tục điều tra, cơ quan chức năng đã trao trả thi thể ông Thành cho gia đình mai táng. Đám tang lặng lẽ không có tiếng khóc, hiu hắt như cuộc sống cô độc của ông Thành.
Theo lời người con gái, do ông Thành thường xuyên nhậu nhẹt, chửi bới, quậy phá gia đình nên vợ con sống ly thân đã hơn 10 năm. Ông về nhà mẹ ruột sinh sống từ đó đến nay, làm thợ hồ. 
Nói về người qua đời, ông Tổ trưởng cho biết: “Cha bỏ theo người vợ mới ở Sài Gòn, Thành từ nhỏ sống nghèo khổ với mẹ ở khu phố này, sau đó theo vợ lên ở hồ Trị An. Năm 1998, nghe nói Thành chạy xe ôm, thường nhậu nhẹt làm mất xe nên vợ “đuổi” về đây.
Về đây rồi, không nhập hộ khẩu, sống chung với mẹ ruột nhưng cũng không chí thú làm ăn, cứ rượu chè tối ngày. Tầm 7h sáng là xỉn rồi, nằm ngủ tới trưa, dậy uống tiếp ca chiều. Nhà thì nghèo mà có chịu lo làm ăn đâu. Toàn nhậu với nhậu. Bao nhiêu lần khu phố phải phát quà, trợ cấp cho ông Thành”.
Nhiều năm nay ông Thành tự biến mình thành “Chí Phèo” thời hiện đại, đi khắp làng xin tiền, nhặt ve chai để có tiền uống rượu. Một ngày được vài ba nghìn đồng là tụ tập các chiến hữu chén chú, chén anh. Nghe có đám tiệc ở đâu, ông lảng vảng tới nhậu ké, thường nhậu cho đến khi không biết đường về mới chịu thôi.
“Nhậu vào, ông ta không đi phá làng phá xóm gì nhưng gặp ai cũng chửi, không biết lớn bé gì cả. Tôi đây, vai vế ở hàng chú mà đôi lúc gặp nhau cứ phang ngang như cùng trang phải lứa, chung quy cũng tại rượu”, ông Lên nói.
Mấy tháng trước, hàng xóm thấy ông Thành ngày nào cũng xách bộ đồ nghề đi xây nhà cho người khác, còn nói chỉn chu: “Phải đi làm mới có cái ăn chứ. Ở nhà mãi không được”. Được ít hôm lại về tật cũ, lao vào rượu chè.