Sự việc không chỉ gợi lòng trắc ẩn thương cảm với động vật, với thiên nhiên. Sự việc còn khiến người ta phẫn nộ vì công sức nghiên cứu, tiền bạc Nhà nước… nguy cơ trôi sông trôi biển. Chưa hết, câu chuyện còn chứng tỏ ở một số nơi vẫn còn nhức nhối tình trạng cán bộ và thủ tục hành chính quan liêu trì trệ, “sống chết mặc bay”.
Dự án nghiên cứu 11 con bò lai này là sự hợp tác giữa Sở KH&CN Lâm Đồng và Ninh Thuận, mục tiêu “khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hoà”. Dự án thực hiện năm 2015, kết thúc năm 2019, kết quả nghiên cứu được hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu, sau khi tiêu tốn số tiền hơn 3 tỷ.
Bi kịch cho đàn bò xảy ra ở chỗ “hết dự án là hết tiền”, trong khi nếu không được thả về rừng, thì bò vẫn phải ăn phải uống mới có thể sống. Suốt thời gian dài mòn mỏi chờ các cơ quan “tìm phương án xử lý tài sản”, đàn bò bị bỏ bê, may mắn còn xiêu vẹo dặt dẹo tồn tại nhờ cái tâm một số nông dân địa phương.
Sòng phẳng mà nói, không thể đổ lỗi cho nhóm nhà nghiên cứu trong đề tài này. Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đề tài bất lực cho biết dự án đã hoàn thành, đàn bò là tài sản của nhà nước và chỉ nhà nước mới có quyền “xử lý tài sản”, các nhà nghiên cứu có muốn can thiệp cũng không thể làm được gì, chỉ có thể kêu cứu giúp đàn bò. Riêng việc “chờ bàn giao” đã kéo dài một năm rưỡi. Ì ạch như vậy, đến sắt cũng phải rỉ, đá cũng phải mòn, nói gì đàn bò đói khát ngày ngày thiếu ăn thiếu uống. Đó là hệ quả đến từ vấn nạn rắc rối thủ tục hành chính và sự thiếu trách nhiệm, vô cảm của một số cán bộ thẩm quyền.
Theo số liệu Bộ trưởng Tài chính báo cáo Quốc hội, giai đoạn 2016-2018, chi NSNN cho KHCN được đảm bảo ở mức 2% tổng chi. Thế nhưng phần lớn số tiền này vẫn để nuôi bộ máy nghiên cứu, với 1.629 tổ chức nghiên cứu khoa học công lập và 141.000 người (chiếm 84%), còn phần thực chi cho KHCN (nghiên cứu - phát triển) chiếm tỷ lệ nhỏ, kết quả nghiên cứu ra lại có ứng dụng rất ít, phải cất ngăn kéo dẫn tới sự lãng phí.
Chính người đứng đầu ngành KHCN hồi đầu năm 2018 cũng thừa nhận có tình trạng đề tài nghiên cứu bỏ ngăn kéo, cất vào tủ. “Với trách nhiệm trước từng đồng thuế của dân, chúng tôi rất trăn trở trước thực trạng này”, ông chia sẻ và thừa nhận có sự lãng phí không nhỏ.
Nhưng chẳng lẽ cứ mãi “hòa cả làng” như vậy? Đã đến lúc phải đặt ra câu hỏi nếu cứ mãi trì trệ trong nghiên cứu khoa học như thế, thì có cần phải thực hiện những “đề tài” vừa vô bổ lãng phí, vừa “phản khoa học” tác dụng ngược, vừa gây bức xúc xã hội hay không?
Đất nước đã bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Lẽ ra tư duy, cơ chế, cách làm khoa học cũng phải thay đổi. Những nhà nghiên cứu, những đề tài khoa học lẽ ra phải là những người lính tiên phong trong cuộc cách mạng này, nhưng thực tế đã không đáp ứng được kỳ vọng. Đàn bò “quý hiếm” được “nghiên cứu chăm sóc” mà lại đói khát bị đọa đày khổ sở hơn thời tiền sử. Đó là điều không thể chấp nhận ở thời đại 4.0.