Đan Mạch: Cha mẹ “đau đầu” vì muốn đặt tên con phải... tra danh sách

(PLVN) - Các quốc gia trên thế giới đều có bộ luật hoặc quy định về vấn đề đặt tên, trong số đó có nhiều bộ luật độc đáo và kèm theo là những câu chuyện “dở khóc dở cười”. Điển hình như ở Đan Mạch, cha mẹ không được phép đặt tên con theo ý thích của bản thân và buộc phải tra danh sách 7.000 cái tên đã được chính phủ phê duyệt.
Đan Mạch: Cha mẹ “đau đầu” vì muốn đặt tên con phải... tra danh sách

Lắt léo chuyện đặt tên

Nếu như ở Việt Nam, việc đặt tên cho con là chuyện rất đơn giản, mỗi cặp vợ chồng có thể tùy chọn một cái tên mình thích để đặt mà không sợ vi phạm quy định nào của pháp luật. Thậm chí, con trai có thể mang cái tên giống con gái như Hồng, Hoa, Lan... và ngược lại. Dĩ nhiên, nghe thì hơi trái tai, nhưng cũng chẳng có ai để tâm hay bị phạt vì cái tên đó cả.

Các bậc cha mẹ luôn muốn đặt cho đứa con mới chào đời một cái tên ý nghĩa
Các bậc cha mẹ luôn muốn đặt cho đứa con mới chào đời một cái tên ý nghĩa

Ở Việt Nam quy định tên của một người phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Mỗi người đều có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

Đối với những trường trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó. Còn trong trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Một cái tên không dài quá 5 từ và sử dụng bí danh, bút danh không được trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Việc này nhằm tránh trường hợp tên quá dài, rườm rà gây khó khăn phức tạp trong việc làm các hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan đến nhân thân...

Trong khi đó, theo quan niệm của người Đức, cái tên phản ánh giới tính. Nếu đó là một cái tên trung tính, bố mẹ phải đặt thêm một tên phụ vào tên của đứa trẻ để mọi người biết đó là bé trai hay bé gái. Ngoài ra, bố mẹ không được phép đặt cho bé cái tên nghe ngu si, không được đặt tên theo đồ vật hoặc sản phẩm.

Hay ở một đất nước đa tôn giáo (Hồi giáo, Phật giáo, Cơ Đốc giáo...) như Malaysia, để cho công bằng, chính quyền nước này không cho phép bố mẹ đặt tên con theo tên động vật, rau củ quả hoặc tên có chữ số...

Đặt tên cũng tạo nên một câu chuyện “dở khóc dở cười” ở đất nước Thụy Điển. Theo đó, đầu những năm 1990, một cặp vợ chồng người Thụy Điển đã đặt tên cho con trai họ là “Brfxxccxxmnpcccclllmmnprxvclmnckssqlbb11116” (gọi tắt là B-11116). Theo Luật Đặt tên tại Thụy Điển, B-11116 chắc chắn là cái tên không qua vòng kiểm duyệt bởi nó không phù hợp và gây khó khăn cho chính người mang tên này. Sau 5 năm bé B-11116 chào đời, cặp vợ chồng này đã bị xử phạt vì chưa đổi tên phù hợp cho con. Tuy nhiên, thay vì đổi tên con thành một cái tên bình thường, cặp vợ chồng này còn thách thức chính quyền và đổi tên con trai họ là... A. Tất nhiên, tên “A” không được chấp thuận vì chỉ có một chữ cái.

Không dừng lại tại đây, cặp vợ chồng này tiếp tục kiện lên tòa án và nhận lấy thất bại. Gần 30 năm trôi qua, B-11116 vẫn là cái tên nằm trong danh sách chưa được chính quyền Thụy Điển phê duyệt, nhưng bố mẹ của B-11116 có lẽ vẫn được an ủi phần nào vì tên của con trai họ đã được “Google” chấp nhận và chỉ cần gõ tìm kiếm là sẽ thấy. Nhiều người thắc mắc cái tên dài ngoằng này sẽ phát âm như thế nào, thì câu trả lời chỉ đơn giản đọc là “Albin”.

Đan Mạch không được tự do đặt tên còn theo ý thích

So với một số nước có thể thoải mái hơn trong việc lựa chọn cái tên cho con mình, ở Đan Mạch, đặt tên thực sự là vấn đề gian nan và đôi lúc là “nan giải”. Trong khi các nước Bắc Âu khác cũng có những đạo luật tương tự, thì quy định của Đan Mạch là chặt chẽ nhất. Một phần cũng là do người Đan Mạch không thích điều gì quá độc đáo hay khác biệt. Do vậy, việc chọn tên cho một đứa trẻ là một việc làm nghiêm túc, theo luật định và cần phải được Bộ Các vấn đề giáo hội cùng Bộ Các vấn đề gia đình và tiêu dùng thông qua.

Để đặt được tên cho con ở Đan Mạch thật sự là một câu chuyện... đau đầu
 Để đặt được tên cho con ở Đan Mạch thật sự là một câu chuyện... đau đầu

Luật Đặt tên này của Đan Mạch được thi hành nhằm bảo vệ trẻ em khỏi việc bị trêu chọc hay xa lánh, cô lập vì mang những cái tên quá lạ, trở thành trò cười trong tương lai hoặc đôi khi chỉ mang tính giải trí cho bố mẹ. Đặt tên con theo kiểu kỳ dị như: Apple Paltrow Martin sẽ bị bác bỏ vì tên này giống hoa quả, Jett Travolta thì giống máy bay (và có thể đọc nhầm nữa), hay Brooklyn Beckham cũng không được vì giống tên của một địa điểm.

Những bậc cha mẹ sắp có con ở Đan Mạch sẽ phải chọn tên từ danh sách 7.000 tên mà chính phủ đã phê duyệt, hầu hết là kiểu Anh và Tây Âu, gồm 3.000 tên con trai và 4.000 tên con gái. Những cái tên thông thường mà có cách viết sáng tạo hay phá cách về chính tả thường không được duyệt. Luật quy định tên con trai và con gái phải thể hiện được rõ giới tính, không được phép sử dụng tên họ làm tên gọi. Ngoài ra, Đan Mạch cũng có những điều luật nhằm bảo vệ những tên họ hiếm mang tính truyền thống quốc gia. Một số tên theo tộc người và tôn giáo, như Ali và Hassan, cũng vừa được bổ sung. 

Tuy nhiên, nếu bậc cha mẹ nào muốn đặt tên khác trong danh sách thì họ phải nộp đơn và đầu tiên là chờ sự cho phép của nhà thờ địa phương, nơi đăng ký tên cho trẻ sơ sinh. Tiếp theo, cái tên sẽ được Ban Điều tra tên Đại học Copenhagen xem xét. Sau cùng, Bộ Các vấn đề giáo hội của Chính phủ mới là cơ quan có quyền chấp thuận hay bác bỏ cái tên đó.

Ở Đan Mạch, các bậc cha mẹ phải đặt tên con theo danh sách được Chính phủ phê duyệt
Ở Đan Mạch, các bậc cha mẹ phải đặt tên con theo danh sách được Chính phủ phê duyệt 

Luật khắt khe tới mức, hàng năm khoảng 1.100 tên riêng được trình lên đánh giá, nhưng có tới 15 đến 20% trong số đó bị từ chối, phần lớn là vì cách phát âm kỳ quặc. Trong một số trường hợp, đứa trẻ mới ra đời mà không có tên chính thức trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng. Kết quả là các bậc phụ huynh tức giận, mất ăn, mất ngủ vì không nghĩ ra được tên cho con.

“Muốn đặt tên con là Cuba cũng khó. Tôi phải xác định: Đó là tên con trai hay con gái? Và có cả vấn đề với những tên mang tính địa lý nữa”, anh Michael Lerche Nielsen, giáo sư khoa Nghiên cứu tên, Đại học Copenhagen nói.

Trong khi đó, cô Lan Tan (27 tuổi, gốc Singapore) lấy người chồng Đan Mạch có tên Brian Farndsen, cho biết hai vợ chồng đang chờ giới chức trách chấp thuận tên con gái, Frida Mei Tan-Farndse. “Bạn không nên khác mọi người cũng như không nên nghĩ mình giỏi hơn người khác. Đây là đặc trưng của vùng Scandinavia”, Lan Tan nói.

Hai vợ chồng anh Greg Nagan (39 tuổi) và chị Trine Kammer (32 tuổi) có đặt tên cho con gái mình là “Molli Malou”. Trong khi từ “Malou” không có vấn đề gì, nhưng “Molli” là từ mà họ nghĩ là có vẻ mang tính Đan Mạch lại bị chính phủ đem ra xem xét. Nhà thờ địa phương thông báo cho cặp vợ chồng phải viết đơn giải thích lý do tại sao lại chọn cái tên “Molli Malou”. Đáp lại, cặp vợ chồng này đã gửi tờ đơn, trong đó có viết rằng, “Đây là lá đơn vớ vẩn mà ông muốn. Chúng tôi chọn Molli chỉ đơn giản vì thích cái tên ấy, chứ chẳng vì lý do tại sao cả”. Sau cùng, cái tên Molli Malou đã được chính phủ cho phép sử dụng.

Ở Đan Mạch cách đây một thế kỷ, đạo luật đặt tên đã được áp dụng nhằm quản lý trật tự trong việc đặt họ. Theo đó, tên họ sẽ thay đổi theo thế hệ. Chẳng hạn, Peter Hansen sẽ đặt tên con mình là Hans Petersen. Rồi Hans Petersen đặt tên con là Peter Hansen. Được biết, quy định này tại thời điểm đó là nhằm xoa dịu giới quý tộc vì họ lo ngại những người mới phất sẽ bắt chước tên của họ.

Đến những năm 1960, một cuộc tranh luận nổ ra xung quanh tên Tessa, có nghĩa “đi tiểu” theo tiếng Đan Mạch. Quá mệt mỏi vì đạo luật thiếu định hướng, chính phủ quyết định mở rộng đạo luật sang cả tên riêng. Chính vì vậy mới có danh sách 7.000 cái tên như hiện nay. 

Đọc thêm