Có một ngày gọi là quốc tế nam giới
Đó là ngày 19/11 hàng năm, bắt đầu từ năm 1999. Thật ra, lời kêu gọi về một ngày của đàn ông đã manh nha bắt đầu từ những năm 1960 và mục đích sâu xa của ngày này là để “khuyến khích nam giới dạy cho các bé trai những giá trị, tính cách và trách nhiệm của một người đàn ông trong cuộc sống”. Người đầu tiên nêu ra ý tưởng về một ngày lễ dành cho đàn ông là Thomas Oaster.
Ý tưởng được Oaster hình thành từ tháng 2/1991, được đề xuất một năm sau đó. Nhưng vì nhiều lý do mà mãi đến năm 1999, Ngày Quốc tế Nam giới mới được Tiến sĩ Jerome Teelucksingh - một nhà văn, nhà thơ, nhà lãnh đạo tư tưởng về giới, nhân quyền ở Trường Đại học Tây Indies ở Trinidad và Tobago tổ chức chính thức ở quốc gia này.
Ngày 19/11 được Tiến sĩ Teelucksingh chọn là Ngày Quốc tế Nam giới để tưởng nhớ ngày sinh người cha quá cố của mình và cũng để chúc mừng Đội tuyển bóng đá Trinidad và Tobago giành được vé tham gia vòng chung kết World Cup thời điểm đó (ngày 19/11/1989). Khi đề xuất Ngày Quốc tế đàn ông, Tiến sĩ Jerome Teelucksingh cho rằng: “Một số người nói rằng chúng ta đã có Ngày của Cha, thế nhưng còn các cậu bé, thiếu niên và thanh niên chưa được làm cha thì sao?”.
Mục đích của ông Teelucksingh khi đặt ra Ngày Quốc tế Nam giới là nhằm thúc đẩy những mẫu hình đàn ông tích cực hơn trong cuộc sống hàng ngày, để tôn vinh những đóng góp của đàn ông đối với xã hội, để tập trung vào sức khỏe và điều kiện sống của đàn ông, cải thiện bình đẳng giới và tạo ra một thế giới an toàn hơn, tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Sự kiện này dần được nhiều nước ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi và vùng Caribbean ủng hộ. Hiện nay, thế giới đã có khoảng trên 80 quốc gia công nhận và tổ chức ngày lễ này. Trong số đó có Trung Quốc, Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Ý, Singapore, Canada, Nam Phi, Haiti, Jamaica, Hungary, Malta, Ghana, Moldova…
Bản chất của Ngày Quốc tế Nam giới 19/11 được các quốc gia nhìn nhận cũng không phải nhằm mục đích tặng quà hay vinh danh cho nam giới, mà đây là ngày để tưởng nhớ những hậu quả mà đàn ông phải gánh chịu từ chiến tranh, bạo lực và nạn tự tử.
Theo ước tính của Liên Hợp quốc, nam giới tại 99% vùng lãnh thổ trên thế giới có tuổi thọ thấp hơn nhiều so với phụ nữ. Trung bình, 4/5 số nạn nhân tử vong do bạo lực là nam giới và phái mạnh cũng chiếm 2/3 số ca tự tử.
Tại Anh, ngày này được tổ chức từ năm 2010 dưới hình thức một cuộc hội nghị về các vấn đề của nam giới và trẻ em trai ở Brighton& Hove. Ngày Quốc tế Nam giới ở Anh có ý nghĩa vì nguy cơ đàn ông Anh tự tử cao hơn ba lần so với phụ nữ, theo thống kê của tổ chức từ thiện hỗ trợ cảm xúc Samaritans. Một điểm sáng là tỉ lệ đàn ông tự tử ở Anh năm 2018 đã xuống đến mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua.
Còn theo Independent, Ngày Quốc tế Nam giới là dịp để chúng ta chú ý đến những người đàn ông đã tạo nên sự khác biệt tích cực trên thế giới và gia tăng nhận thức về các vấn đề của nam giới trên phạm vi toàn cầu. Đó là lúc để các quý ông và trẻ em nam cất tiếng nói về các vấn đề của mình qua các cuộc đối thoại về sức khỏe tinh thần và phòng ngừa các vấn đề sức khỏe thể chất đang phổ biến ở nam giới: tình trạng tự tử, các bệnh ung thư của đàn ông như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tinh hoàn...
Và nếu Ngày Quốc tế Phụ nữ là dịp để chúc mừng “những thành tích chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của phụ nữ” và cũng là một lời kêu gọi hành động để tăng cường bình đẳng giới thì Ngày Quốc tế Nam giới được tôn vinh theo các chủ đề nhất định mỗi năm. Chủ đề của Ngày Quốc tế Nam giới năm ngoái 2018 là tôn vinh những hình mẫu đàn ông tích cực, phát triển những cá thể lành mạnh.
Không biết đến hoặc từ chối không nhận
Là thực tế của nhiều người đàn ông khi được hỏi về ngày này. Lý do nhiều người cho rằng bất bình đẳng giới là sự thiệt thòi của phụ nữ so với đàn ông. Bởi vậy, các giải pháp cho vấn đề bình đẳng giới thường chỉ tập trung vào việc giúp đỡ phụ nữ và các bé gái, đồng thời “cải tạo” hành vi của đàn ông và các bé trai. Vì thế nên chính các nhà lãnh đạo phong trào nữ quyền hàng đầu thế giới là nam cũng đã kêu gọi tẩy chay Ngày Quốc tế Nam giới.
Ngày 19/11 được xem là Ngày Quốc tế Nam giới. |
Ở góc độ phụ nữ, nhiều người lý luận rằng nếu hiểu Ngày Quốc tế Nam giới là để đàn ông “vùng lên” hoặc để đàn ông được yêu thương hơn là không đúng. Mà ngày đàn ông là ngày để người chồng, người cha nhìn lại trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội.
“Đàn ông không cần ngày lễ kỷ niệm, bởi họ lúc nào cũng có thể được vinh danh. Ngay cả trong xã hội hiện đại, đàn ông có thể tập trung theo đuổi sự nghiệp, còn phụ nữ phải chăm lo cho công việc gia đình. Chính vì vậy mà tỷ lệ thành công trong sự nghiệp của phụ nữ thấp hơn rất nhiều so với đàn ông.
Theo thống kê, chỉ có 11% trong số các tỷ phú thế giới là phụ nữ, 14% trong số các vị trí điều hành cấp cao thuộc danh sách Fortune 500 là phụ nữ. Nam giới vẫn chiếm một tỷ lệ cao trong các vị trí quyền lực, từ kinh doanh cho đến giải trí. Và vì vậy đàn ông có thể được vinh danh bất kỳ lúc nào từ người khác. Còn đối với phụ nữ, ngay cả khi họ hoàn thành tốt công việc gia đình hay chăm sóc con cái, thật khó để những công lao đó được người khác ghi nhận hay vinh danh.
Đàn ông vô tâm có lẽ là bản chất, có thể do đàn ông luôn phải suy nghĩ về công việc, các mối quan hệ xã hội và nhiều thứ khác. Bên cạnh đó thì đàn ông cũng ít khi thể hiện tình cảm của mình ra bên ngoài thông qua lời nói. Chính vì vậy mà cần có những ngày lễ đặc biệt, để nhắc nhở họ quan tâm tới những người xung quanh của mình, đặc biệt là những người phụ nữ.
Trong những ngày này, đàn ông mới nhớ được rằng mình nên thể hiện tình cảm nhiều hơn, nói những câu yêu thương và gửi tặng những món quà để những người phụ nữ xung quanh mình cảm thấy hạnh phúc…” – là lập luận của không ít người phụ nữ về vấn đề này.
Ở Việt Nam thì sao?
Mặc dù trên thế giới đã có 80 quốc gia công nhận và tổ chức ngày lễ này, trong đó có các quốc gia châu Á và gần nước ta như Trung Quốc, Singapore, nhưng Việt Nam chưa phải là quốc gia công nhận Ngày Quốc tế Nam giới.
Trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2019, khi cho ý kiến về việc bổ sung một ngày nghỉ lễ trong năm, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đã đề nghị nghỉ vào ngày đàn ông hay là ngày của cha. “Tôi đã ấp ủ đề nghị này từ rất lâu, dưới góc độ bình đẳng giới, xin đề nghị có ngày nghỉ là ngày đàn ông hoặc ngày của cha, như thế sẽ rất ý nghĩa”, bà Khánh chia sẻ.
Từ hiệu ứng đề xuất này, nhiều học giả, chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục, lãnh đạo doanh nghiệp… đã bày tỏ quan điểm của họ với truyền thông về ngày đàn ông. Theo ông Lê Minh Cường - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Truyền thông giáo dục Minh Thành: “Nam giới chúng ta đã được mệnh danh là phái mạnh, là trụ cột gia đình, trụ cột xã hội, có cần thiết phải có ngày để mọi người phải nhớ, tôn vinh không? Chúng ta cứ sống và cống hiến, mỗi ngày đều tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội thì đó là ngày của chúng ta rồi”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho rằng, nên có một ngày của nam giới không phải tôn vinh, mà để nam giới cảm nhận trách nhiệm với gia đình.
“Lâu nay, trong những ngày dành cho phụ nữ hay cho ai đó, cũng không ít cánh đàn ông tận dụng để ăn nhậu. Tuy nhiên, ngày dành riêng cho anh em nam giới chắc chắn sẽ là ngày dành cho gia đình và cũng là ngày nhắc nhở anh em cần lo cho gia đình hơn nữa” - theo Thạc sĩ Sơn.
Theo Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Hội Tâm lý xã hội Việt Nam, thế giới có ngày dành cho nam giới (19/11), vì vậy Việt Nam có Ngày đàn ông hoặc lấy Ngày Quốc tế nam giới để kỷ niệm và tôn vinh cánh mày râu cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, trước khi công nhận ngày này, cần cung cấp và truyền thông về vấn đề bình đẳng đầy đủ và chính xác. “Cần gỡ bỏ quan niệm “bình đẳng giới” chính là “đòi quyền bình đẳng cho nữ” mà bỏ quên cánh đàn ông cũng cần sự quan tâm, chia sẻ và tôn trọng” - Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An nhấn mạnh.