Ám ảnh 'bóng ma' trên tay các bà nội trợ

(PLO) - Người Việt đang dùng quá nhiều túi ni lông mà không biết những tác hại của nó với môi trường và sức khỏe con người, chúng như 'bóng ma' trên tay các bà nội trợ
Tính trung bình một bà nội trợ mỗi ngày quẳng vào thùng rác gần chục cái túi ni lông đã qua sử dụng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Tính trung bình một bà nội trợ mỗi ngày quẳng vào thùng rác gần chục cái túi ni lông đã qua sử dụng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Túi ni lông trở thành bóng ma

Cứ ra chợ sẽ thấy, mua vài quả cà, một bìa đậu, một cọng hành cũng phải sử dụng một chiếc túi ni lông nhỏ bằng lòng bàn tay. Có bà nội trợ sau khi đi chợ về, kiểm đếm mình đã dùng tới 20 chiếc túi để đựng thực phẩm, hoa quả. Có khi mua một con cá, phải dùng đến hai, ba chiếc túi. Mỗi chiếc túi chỉ sử dụng một vài phút rồi vứt đi ngay, hiếm ai có ý định tái sử dụng lần hai. 

Nhiều người còn thốt lên, đúng là túi ni lông đang thống trị đời sống và con người đang quá lệ thuộc vào nó. Túi ni lông trở thành bóng ma gây hiểm họa cho môi trường và con người.

Cũng theo bà An, túi ni lông rất rẻ, giá chỉ vài chục nghìn/kg, nên người bán thực phẩm sử dụng vô tội vạ. Người đi chợ cũng thấy rằng việc sử dụng túi ni lông rất tiện, gọn nhẹ, nên dùng thả phanh. Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thống kê, trung bình mỗi gia đình sử dụng 1kg túi ni lông/tháng. 

Hơn thế, nhiều người ngộ nhận tưởng túi nào cũng sạch, nhưng thực chất rất độc hại. PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP HCM) cho hay: “Không sạch chút nào đâu. Các loại bao bì nhựa  dẻo chủ yếu là các hóa chất cao phân tử như PVC, PE. Để đúc khuôn tạo dáng cho các bao bì này, người ta phải thêm chất hóa dẻo (plasticizer) là các hóa chất có cấu trúc tương tự tạo thành nhóm gọi là các “dẫn chất phtalat” như monobutyl phtalat (MBP). Các dẫn chất phtalat này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm và dược phẩm. Nhất là nhiều người dùng để đựng đồ ăn nóng, càng dễ làm chất độc ngấm vào thức ăn nhanh hơn”.

Việc tuyên truyền, hạn chế sử dụng túi ni lông đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Thậm chí có những hội thảo đánh giá sự cấp thiết của vấn đề.  Tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã  phê duyệt “Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020” với mục tiêu đến năm 2020 giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010…
Vì sao sắp đến hạn mà Đề án vẫn “giẫm chân tại chỗ”?

Dù hàng năm các cơ quan chức năng đều có những chuyên đề nói về việc hạn chế sử dụng túi ni lông, song đây là vấn đề rất hóc búa, không phải cứ nói là thực hiện ngay được. Các tiểu thương kinh doanh ở chợ đầu mối Hà Nội cho rằng, các loại đồ khô có thể sử dụng túi tự hủy, nhưng đồ ướt thì không thể thay thế được. 

Nhiều người còn cho rằng, túi tự hủy dễ rách, không kinh tế bằng túi ni lông thông thường. Đó là chưa kể đến chuyện nhà sản xuất túi tự hủy và các tiểu thương chưa “gặp” được nhau, thiếu sự phối hợp chặt chẽ vì mục tiêu kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm. 

Từ thực tế này, nhiều người lo ngại “Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020” khó đạt được mục tiêu. Cũng bởi, đã bước sang năm 2016, nhưng các sản phẩm túi tự phân hủy, thân thiện môi trường chưa vào được hệ thống các chợ dân sinh. 

Một đại diện nhà sản xuất cho rằng, hiện nay túi ni lông thân thiện với môi trường rất khó cạnh tranh với các loại túi ni lông bình thường, bởi giá chỉ 30 nghìn đồng/kg, trong khi túi ni lông dễ tiêu hủy giá từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg. Bởi thế, theo thống kê có chưa tới 2% số người sử dụng túi ni lông thân thiện.

Một nguyên nhân khác khiến khó hạn chế sử dụng túi ni lông là lâu nay, công tác kiểm soát sản xuất, cung ứng túi ni lông không chặt chẽ. Phần nhiều là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát nhưng là nguồn cung cấp hàng chính cho hệ thống chợ truyền thống. Chính vì thế mà doanh nghiệp sản xuất túi ni lông tự hủy không có cơ hội để cạnh tranh giá thành. 

Nhà nước cũng chưa có quy chế bắt buộc người tiêu dùng phải sử dụng túi ni lông tự hủy. Về vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng phải hạn chế từ chính ý thức các tiểu thương và người dân và nên học các nước phát triển, đánh thuế cao đối với mặt hàng túi ni lông thông thường, ưu đãi và khuyến khích sử dụng túi giấy, túi tự hủy.

PGS.TS Nguyễn Danh Sơn (Viện Phát triển bền vững khu vực Bắc bộ) cho biết: “Một số siêu thị ở Thái Lan áp dụng giảm 15 -30% cho những khách hàng dùng túi xách của mình để đựng đồ. Nếu chúng ta cũng làm như vậy, hạn chế cung ứng túi ni lông thông thường, tăng cường cung cứng giá rẻ túi ni lông thân thiện, chúng ta sẽ dần thay đổi được thói quen sử dụng của người dân. Đây là việc khó, nhưng vì môi trường chung, cả cộng đồng phải nỗ lực”.

Đọc thêm