Bấp bênh nghề dệt lụa Vạn Phúc

(PLO) - Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông được biết đến như cái nôi sản sinh ra những tấm lụa tơ tằm mềm mại, óng mịn, khi hầu như cả làng từ trẻ con cho đến người già ai cũng háo hức tham gia dệt lụa. Thế nhưng đấy là câu chuyện của nhiều năm về trước, còn hiện tại số hộ dân tham gia dệt lụa đã giảm đi đáng kể.
Bấp bênh nghề dệt lụa Vạn Phúc

Làng Vạn Phúc ngày nay đã hình thành một trung tâm kinh doanh lụa, với các cửa hàng trưng bày sản phẩm thuận tiện cho khách tham quan cũng như mua hàng. Vì không phải là người dân của Vạn Phúc, thế nên khi có mặt tại một cửa hàng ở trung tâm kinh doanh, chúng tôi đượcc chủ cửa hàng cho biết về cách phân biệt lụa Vạn Phúc với lụa của địa phương khác, nhất là khi hàng Trung Quốc kém chất lượng đang trà trộn vào thị trường Việt Nam như hiện nay.

Trong khi người thợ dệt dày kinh nghiệm của Vạn Phúc chỉ cần đặt tay lên tấm lụa cũng đủ biết đấy có phải là lụa quê mình hay không, với độ mềm, độ mịn, độ óng và độ buông, thì những người như chúng tôi được chỉ cho cách để phân biệt. Một cách khác là có thể đốt một mẩu lụa, nếu có mùi khét như mùi của tóc bị cháy thì đó là lụa Vạn Phúc.

Dệt lụa tơ tằm không phải chuyện dễ dàng

Theo một số thợ dệt có tay nghề tại làng Vạn Phúc, để có được một tấm lụa như ý mình mong muốn, vừa mềm, vừa mịn, lại vừa sáng bóng không phải chuyện đơn giản. Nó phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người thợ dệt, quan trọng nhất vẫn là khâu chọn tơ.

Muốn có tơ tốt, người thợ dệt phải nắm được “lý lịch” của tơ xuất phát từ vùng miền nào. Hơn  nữa cần có kinh nghiệm trong việc nhìn tơ, theo ngôn ngữ của những người trong nghề hay nói là phải lựa được “sĩ số” tơ nhỏ, to theo mặt hàng mình muốn dệt nên.

Tơ tốt nhất là tơ được mua vào mùa thu, bởi trong sợi tơ có hai phần là phần tơ và phần keo. Phần keo không cần thiết cho tấm lụa sau dệt, và phần keo này sẽ bị tan ra trong nước trong quá trình nấu. Do đó, tơ vào mùa thu sẽ có ít phần keo hơn.

Một người thợ đang dệt lụa
Một người thợ đang dệt lụa

Người thợ dệt nếu chỉ lơ đãng một chút trong lúc chọn tơ, cũng có thể lựa phải những sợi tơ kém chất lượng, khiến cho qúa trình dệt gặp nhiều khó khăn. Không những thế lụa thành phẩm sau này cũng sẽ bị lỗi, biểu hiện là có nhiều vết sọc trên bề mặt, khiến tấm lụa không được óng đều. Nếu mắc phải lỗi này sẽ không có cách nào để khắc phục, ngoại trừ việc chọn những màu sẫm, tối để nhuộm lụa, một phần nào đấy có thể “giấu” đi những vết sọc ấy.

Hiện nay, máy móc đã giải phóng được sức lao động cho con người rất nhiều, nhưng không vì thế mà vai trò của người thợ dệt bị giảm sút, bởi có nhiều trường hợp dù muốn hay không thì máy vẫn không thể nào thay thế được. Như khi đánh suốt để cho chặt ngang thì buộc phải ngâm tơ vào nước cho phần keo mềm ra, mà khi tơ đã ngâm nước đưa vào máy thì không thể làm được, lúc này buộc người thợ dệt phải làm thủ công. Hay như trong tơ có những đoạn bị chun lại, thợ dệt gọi là tơ bị gùn, ghẻ, lúc này phải dùng tay để tháo gỡ chỗ tơ bị chun, nếu cố tình cho vào máy có thể tạo thành những cục, hoặc sợi to đột biến trên bề mặt lụa về sau, lỗi này bị cho là kiêng kị với những người dệt lụa lâu năm ở Vạn Phúc.

Nhiều người dân Vạn Phúc đã từ bỏ nghề dệt truyền thống

Nhiều năm về trước, làng lụa Vạn Phúc đang còn ở độ hưng thịnh, khi suốt ngày đêm tiếng máy dệt rền vang cả một khu, khi người người, nhà nhà tham gia vào dệt lụa. Thì nay chuyện ấy chỉ diễn ra lẻ tẻ tại một số hộ gia đình.

Bà Nguyễn Thị Hảo đã có trên 40 năm làm nghề dệt lụa ở Vạn Phúc cho biết, bà bắt đầu dệt từ năm 16 tuổi và cho đến thời điểm hiện nay chồng bà đã nghỉ dệt vì mắt kém, các con bà lại không ai theo nghề của cha mẹ, chỉ còn mình bà nay đã ở cái tuổi 60 vẫn cặm cụi ngày đêm bên máy dệt: “Thu nhập từ dệt lụa thật ra rất bấp bênh, khoảng 3 triệu đồng/tháng; đấy là chưa kể những hôm trái gió trở trời, sức khỏe yếu còn không dệt nổi một mét lụa nào. Nhưng giờ già rồi không biết làm gì, nên cố làm để có đồng ra đồng vào”, bà Hảo tâm sự.

Bà Hảo cho biết thêm, mặc dù cặm cụi làm như thế nhưng trung bình mỗi ngày bà cũng chỉ dệt được khoảng 10m lụa; trong suốt quá trình dệt luôn phải để ý đến máy để thay suốt. Hiện nay lụa bán ra với giá khoảng 100 nghìn đồng/mét, tùy vào cấu tạo bao nhiêu phần trăm tơ tằm. Chủ yếu người thợ dệt cũng chỉ làm ra tấm lụa có tỉ lệ khoảng từ 50-70% tơ tằm, vì sợi tơ tằm càng ít, giá thành càng rẻ thì nhiều người sẽ mua, hơn nữa hiện nay khách cũng chỉ nặng về mốt hơn là về chất liệu. Trong khi lụa 100% tơ tằm có giá lên đến 500nghìn đồng/mét, rất ít người mua, chỉ phù hợp với những gia đình khá giả hoặc làm quà biếu.

Dệt lụa cần phải rất cẩn thẩn và tỉ mị
Dệt lụa cần phải rất cẩn thẩn và tỉ mị

Chúng tôi cũng tình cờ gặp được một người đàn ông khoảng 70 tuổi trong một hiệu cắt tóc ở làng Vạn Phúc. Ông cho biết trước đây ông cũng đã có một khoảng thời gian khá dài làm nghề dệt lụa. Ông cũng không nhớ rõ gia đình ông đã trải qua bao nhiêu thế hệ theo nghề dệt này, chỉ biết rằng từ đời ông của ông, bố của ông cho đến thế hệ ông ngày nay khi mới 4-5 tuổi đã được làm quen với máy dệt. Vì vậy, những công đoạn để làm nên tấm lụa ông đều thuộc làu. Thế nhưng ông đã nghỉ dệt khoảng 5 năm nay, phần vì sức khỏe yếu, phần khác để phụ vợ ông chăm cho người con gái 20 tuổi bị nhiễm chất độc da cam.

Ông cho biết, trước đây khi còn làm nghề gia đình ông vốn chỉ có một máy dệt và diện tích đất hạn hẹp, nên không thể bao trọn cả một quy trình từ chọn tơ cho đến nhuộm lụa, nên ông phải gửi nguyên liệu đến các hộ xung quanh để nhờ làm giúp, mà những hộ dân xung quanh này ông gọi với cái tên vui là “các vệ tinh”. Ông lý giải, muốn có được một tấm lụa thành phẩm ngay tại gia đình mình, thì ông phải cần đến một diện tích đất khoảng vài trăm mét vuông, riêng một máy dệt đã chiếm mất khoảng 10m2.

Một số cửa hàng bán lụa tại làng Vạn Phúc
Một số cửa hàng bán lụa tại làng Vạn Phúc

Ông cho biết thêm, sở dĩ gia đình không làm dệt lụa nữa ngoài vấn đề sức khỏe cá nhân, thì các “vệ tinh” xung quanh đều thi nhau bỏ nghề nên không có ai làm giúp và không có ai tiếp thêm cho ông động lực yêu nghề. Không những thế, nguyên nhân khiến nhiều hộ dân ở Vạn Phúc bỏ nghề dệt lụa cũng được ông phân tích cặn kẽ; diện tích đất hiện nay ở Vạn Phúc rất có giá, nên thay vì phải mất 10m2 cho một máy dệt, thì họ dùng diện tích ấy để xây phòng trọ cho thuê.

Với những hộ dân ở tận trong ngõ ngách đất không có “mặt tiền” thì may ra họ mới tiếp tục nghề. Hơn nữa việc đầu tư cho dệt lụa mất rất nhiều thời gian, không phải 8 tiếng đồng hồ/ngày như giờ hành chính, mà ít nhất là 12 giờ trở lên. Đó là chưa kể đến công của một người thợ dệt cũng chỉ ở mức khoảng trên dưới 100 nghìn đồng/ngày. Trong khi chính quyền địa phương cũng như hiệp hội làng nghề không hỗ trợ được nhiều về mặt tài chính, mà chủ yếu chỉ động viên, khích lệ về mặt tinh thần.

Dù đã thôi không làm nghề nữa, nhưng chiếc máy dệt của gia đình ông vẫn để đấy, ông nói rằng việc giữ máy không bán cũng xem như là lưu giữ một kỷ niệm, và không quay lưng lại với nghề, dù nó không giàu sang nhưng cũng từng nuôi sống cả gia đình ông.

Chủ hiệu cắt tóc cũng cho hay, năm lên lớp 8 anh cũng đã tham gia dệt lụa cùng gia đình, nhưng vì thu nhập bấp bênh, nghề lại chiếm nhiều thời gian, trong khi tuổi trẻ đứng một chỗ không yên, lại thích bay nhảy. Do đó đến năm 2004 anh bỏ nghề và theo học lớp cắt tóc, rồi mở được một tiệm cắt tóc trong con ngõ của làng Vạn Phúc như hiện nay.

Đọc thêm