Bất chấp nắng cháy da, đám trẻ 'đóng chốt' xin tiền người đi đường

(PLO) - Hàng ngày, giữa cái nắng cháy da cháy thịt trên quốc lộ 1A (đoạn qua khu vực phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) hàng chục trẻ em đầu không nón, chân không dép bất chấp nguy hiểm xin tiền người đi đường tại các cột đèn giao thông.

Hình ảnh những đứa trẻ xin ăn người nước ngoài đã từ lâu không còn xa lạ với người đi đường trên quốc lộ 1A đoạn qua ngã tư Lotte, ngã tư Vũng Tàu. Theo ghi nhận của PV tại ngã tư Vũng Tàu, có khoảng 15 đứa trẻ dưới 10 tuổi bắt đầu công việc xin tiền từ 6h sáng và kết thúc khoảng 18-19h, nghĩa là các em phải “làm việc” 12-13 giờ mỗi ngày.

Những đứa trẻ đen nhẻm, gầy guộc đứng giữa trời nắng chói chang. Mỗi khi đèn tín hiện giao thông chuyển sang màu đỏ, những em nhỏ một tay cầm thau, một tay bồng bế những đứa trẻ nhỏ hơn tiến về phía người tham gia giao thông. Như được huấn luyện bài bản, những đứa trẻ chắp tay vái lạy xin tiền. Vừa xin xong người này thì nhóm trẻ nhanh chóng chuyển sang xin người bên cạnh cũng bằng cử chỉ vừa rồi.

Điều lạ rằng tất cả các em nhỏ đều nói thứ ngôn ngữ như tiếng nước ngoài, í ới vài câu tiếng Việt, hoặc ra kí hiệu với nhau. Bác xe ôm ở khu vực này cho biết: “Mấy đứa nhỏ này ở đây mấy tháng rồi. Thấy có mấy bà đến trưa cho mấy cháu ăn, toàn bánh mì hay đồ ăn của người đi đường cho thôi. Chẳng biết họ là người thân hay là những kẻ chăn dắt”. 

Gần đó, có những người được xem là “bà mẹ” khoảng 30-40 tuổi ngồi trong bóng mát luôn đưa mắt quan sát những đứa trẻ. Cứ khoảng 30 phút, những người phụ nữ này đến lấy tiền các em nhỏ xin được rồi quay lại chỗ mát ngồi. 

Khi chúng tôi tiếp cận với các em nhỏ bằng những món đồ ăn, những gương mặt vui vẻ lấy và chia nhau. Nhưng khi thấy có người chụp hình, các em nhanh chóng tản ra xa, gọi nhau í ới bằng tiếng “nước ngoài” chạy về các hướng khác nhau. 

Một người dân sống gần ngã tư Vũng Tàu cho hay: "Vì các em còn nhỏ chưa ý thức được hết nên nhiều lúc đùa giỡn giẫm đạp cây cối, có đứa còn tiểu tiện ngay giữa vườn hoa vòng xoay. Tuy nhiên tụi nhỏ không có lỗi vì chúng chưa thể ý thức, phải làm sao lần ra nguồn gốc sự việc, xử lý những người chăn dắt, bắt trẻ đi xin ăn".

Đọc thêm