Càng bùng nổ công nghệ, càng vi phạm bản quyền

(PLO) - “Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, môi trường số là nguồn nhanh nhất đưa các tác phẩm đến với công chúng, nhưng đồng thời cũng là nguồn gây tổn thất lớn nhất cho những nhà sản xuất”. 
Trong xe bán đĩa dạo này, 100 số đĩa đều vi phạm bản quyền (ảnh chụp tại TP HCM).
Trong xe bán đĩa dạo này, 100 số đĩa đều vi phạm bản quyền (ảnh chụp tại TP HCM).

Bị phát tán chỉ sau 2 phút trình chiếu

Theo điều tra khảo sát của Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, trên 20 triệu người dân Việt Nam thường xuyên sao chép tác phẩm không xin phép và trả tiền thù lao cho tác giả. Còn số liệu thống kê của Liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ, con số vi phạm tác phẩm ngôn ngữ và băng đĩa của nước ta chiếm tới 85 - 90%, được xếp vào một trong những nước có mức vi phạm cao nhất thế giới. 

Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc tại Việt Nam vừa tổ chức “Diễn đàn về bản quyền tác giả Việt Nam- Hàn Quốc 2016” tại Hà Nội. Từ bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc, mới thấy công tác bản quyền tác giả tại Việt Nam hiện nay còn quá nhiều lỗ hổng. 

Theo ông Trương Xuân Thanh (Phó Chủ tịch Hệ thống phát hành phim BHD Việt Nam): “Việc vi phạm bản quyền là hành vi ăn cắp trí tuệ và tài sản của các chủ sở hữu phải bị ngăn chặn và trừng phạt. Song đáng tiếc tại Việt Nam vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến do chưa đặt vấn đề này đúng tầm, chưa có những chiến dịch cụ thể tuyên truyền đủ độ sâu và không có sức lan tỏa trong cộng đồng vì vậy vi phạm bản quyền còn đồng nghĩa với việc người ta đang sử dụng “của chùa”.

Đại diện của BHD cho biết, vào tháng 4 vừa qua, ngay trong ngày khởi chiếu bộ phim “Gái già lắm chiêu” được đầu tư hàng tỉ đồng, đã có người quay lén một đoạn phim ở trong rạp sau đó phát tán trên mạng, và video này đã được hàng ngàn tài khoản Facebook chia sẻ. Sau khi công ty mời các cơ quan chức năng vào cuộc mới gỡ được video xuống. 

Không chỉ các nhà sản xuất, phát hành như BHD bị ăn cắp bản quyền, mà các kênh truyền hình đi tiên phong mua lại phim chiếu rạp như cũng gặp khó khăn. Năm 2015, ngay sau khi K+ phát sóng phim chiếu rạp “Để Mai tính 2”, chỉ sau 2 phút, bộ phim đã bị ăn cắp và sau đó phát tán trên mạng. Tương tự năm 2016, K+ vừa chiếu “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, ngay lập tức bị phát tán và lưu lại trên mạng suốt thời gian dài.

Ngày càng trắng trợn

Bà Phạm Thị Kim Oanh (Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả) thừa nhận: “Hiện vấn đề vi phạm còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Trên thực tiễn còn có những khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi. Nhiều đơn vị vẫn chưa chủ động trong việc phát hiện ra xâm phạm, chủ động yêu cầu các bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. Nhiều đơn vị vi phạm chưa xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường theo các cơ chế như dân sự. Đồng thời các cơ quan quản lý thực thi vẫn còn thiếu về nhân lực, nguồn lực dẫn đến những bất cập trong việc quản lý”. 

“Hầu hết các nội dung trên internet như các video, bài hát, tài liệu nghiên cứu, tác phẩm văn chương… đều có thể bị sao chép tràn lan và hầu như chưa phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống luật pháp.

Ở Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực truyền hình, điện ảnh trên internet diễn ra một cách công khai và trắng trợn ở mức báo động. Dễ dàng nhận thấy, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, môi trường số là nguồn nhanh nhất đưa các tác phẩm đến với công chúng, nhưng đồng thời cũng là nguồn gây tổn thất lớn nhất cho những nhà sản xuất”, vẫn ý kiến bà Oanh.

Ông Phương Xuân Thanh nói về khó khăn lớn nhất khi đối mặt với vi phạm: “Vì thiếu công cụ, nên chúng tôi không chỉ được đích danh kẻ vi phạm, cũng như đưa ra tòa. Thường là chúng tôi gọi cho cơ quan công an, nhờ họ gọi điện thì những kẻ vi phạm sợ. Nhưng về lâu dài không thể làm như thế mãi được. Nếu các bên cùng ngồi với nhau lại, tìm ra quy trình gọn hơn thì mới có thể giải quyết vấn đề”. 

Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan chỉ đưa ra mức phạt cao nhất là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức, trong khi nhà sản xuất chương trình bị thiệt hại hàng tỉ thậm chí hàng chục tỉ đồng khi bị “xài chùa”.  

Nhà sử học Dương Trung Quốc từng bức xúc nhận định: “Chúng ta không hình sự hoá các giao dịch kinh tế, giao dịch dân sự nhưng “ăn cắp” trí tuệ thì phải xử nặng hơn “ăn cắp” vật thể. Vì sự tổn hại vật chất nó có thể được bù đắp bằng vật chất, còn sự tổn hại tinh thần thì nó làm mất cả sự sáng tạo của xã hội. Ăn cắp tiền hay cái xe máy có thể bị tù, còn ăn cắp bản quyền (tiền tỷ) chỉ bị phạt hành chính là vô lý”.  

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Hàn Quốc, đất nước có nền công nghiệp giải trí phát triển cũng đang đấu tranh với việc vi phạm bản quyền, đã tìm ra nhiều cách làm hay. Trong đó, Hàn Quốc đặt trọng tâm phát triển công nghệ để đối phó với hành vi sử dụng công nghệ cao nhằm ăn cắp bản quyền. Đó là mô hình liên kết giữa công nghệ kiểm tra vi phạm tác quyền (tìm và chặn vi phạm), công nghệ lưu thông nội dung, công nghệ quản lý nội dung, công nghệ phòng tránh vi phạm tác quyền. 

“Với những công ty hay tập thể có hành vi vi phạm bản quyền, chúng tôi sẽ gửi thông báo, hoặc tiến hành xử lý bằng pháp luật. Trường hợp này, thông thường chúng tôi hay ủy quyền qua các hiệp hội bảo vệ bản quyền tác giả. Thời gian qua, riêng liên hiệp hội chúng tôi đã thu về khoảng 2 triệu USD tiền tác quyền, còn con số mà hiệp hội bảo vệ quyền tác giả thu được là hơn 15 triệu USD”, ông Yoo Ki Sun, Giám đốc Quản lý cấp cao Liên hiệp hội Người biểu diễn âm nhạc Hàn Quốc nhận định. 

Tại Việt Nam, K+ cũng cho biết, họ đã tìm giải pháp gắn các loại mã riêng cho sản phẩm của mình để có thể lần theo dấu vết nếu sản phẩm bị đánh cắp. Còn BHD cũng đang phát triển một công cụ cho phép bám theo khoảng 40 triệu tài khoản Facebook, hàng ngàn website chia sẻ phim, thậm chí “đọc vị” được website lậu. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm lập tức hệ thống gửi thư cảnh báo. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít kênh truyền hình “chịu chơi” sắm thiết bị công nghệ tiên tiến để chặn nạn “xài chùa” bởi kinh phí đầu tư thiết bị này không hề rẻ.

Hàn Quốc cũng chia sẻ kinh nghiệm đương đầu với vi phạm bản quyền bằng cách nâng cao nhận thức cho người dân. Năm 2015, gần 500 nghìn người dân xứ sở Kim chi đã được đào tạo về quyền tác giả. Biện pháp này đã được các chuyên gia của Việt Nam tại diễn đàn bản quyền tác giả Việt Nam - Hàn Quốc đánh giá là tích cực và thích hợp. Bởi thực tế cho thấy, không ít trường hợp khi bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm bản quyền đã tỏ ra ngỡ ngàng với lỗi của mình do thiếu hiểu biết.

Đọc thêm