Chi tiền triệu săn quả “độc” chơi tết để tỏ lòng hiếu thuận?

(PLO) - Không ít người khá giả bỏ tiền triệu săn lùng những loại quá “độc”, quái dị như khoai tây hình người, ớt hình rắn, bưởi “bàn tay Phật”, hình xe hơi… để trưng lên bàn thờ ngày tết. Tuy nhiên, đó có phải là cách để thể hiện lòng thành kính hay chỉ là thói chơi ngông thể hiện đẳng cấp ảo không có bến dừng?
Săn quả “độc” giá chục triệu để chưng tết
Chuẩn bị đến Tết Âm lịch, các nhà vườn ở Hưng Yên, Hà Nội đã tung ra nhiều loại quả có hình hài “độc”, lạ đáp ứng thú chơi của các đại gia như bưởi “bàn tay Phật”, dưa hấu hình xe hơi, thỏi vàng, quất mini, các loại quả ớt hình con vật, hình nộm người … 
Các loại quả dù được bán với giá rất cao, dao động từ trên 2 triệu đến hàng chục triệu mỗi quả nhưng vẫn được tìm mua. Với những đại gia chơi ngông hơn sẽ được giới thiệu các loại quả bưởi “bàn tay Phật”, dưa hấu hình xe hơi, hồ lô có giá cao ngất ngưởng trên 10 triệu mỗi quả. 
Các chủ nhà vườn cho biết, dưa hấu hình xe hơi và “bàn tay Phật” giá cao nhưng rất hiếm. Những quả bưởi hồ lô một vài năm trước rất được giới thượng lưu chuộng, nhưng giờ phần nhiều họ chuyển sang chơi dưa hấu hình xe hơi, bưởi “bàn tay Phật”, bưởi hình đứa trẻ. 
Ông chủ vườn Lê Minh ở Mễ Sở, (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: Đại gia mua quả chưng tết với ba xu hướng chính: một là, mua theo thói chơi ngông, phung phí tiền của; hai là, mua quả theo sự mê tín, những quả đem lại an lành cho năm nay phù hợp với gia chủ sẽ được tìm mua; ba là, gia chủ mua quả chơi ngũ quả theo năm tuổi với mong muốn đem lại an lành, tài, lộc. Dưa hấu thỏi vàng, xoài hình bình rượu, lê hình chữ lộc là bộ ba tượng trưng cho sự giàu có, dư giả, tiền tài, lộc lợi đầy nhà, hạnh phúc cả năm cũng được bán rất chạy hiện nay. 
Theo ông Bình, chủ nhà vườn ở Văn Lâm (Văn Giang, Hưng Yên) thì từ đầu tháng, khách gọi đến xin địa chỉ nhà vườn để đến xem trực tiếp hàng rất nhiều. Dưa hấu hình thỏi vàng, hình xe hơi không còn để bán. 
Như thường lệ, cách Tết Âm lịch khoảng một tháng, khách hàng đến đặt mua quả nếu ưng ý phải đặt cọc 1/3 số tiền để chủ vườn chăm sóc quả trên cây đến ngày cận tết khách về nhận quả và giao nốt số tiền còn lại. Giá các loại quả hiện vẫn giữ nguyên so với năm ngoái. Tuy nhiên, có thể đến thời điểm cận Tết, giá cả cao hơn nhiều. 
Riêng với các loại quả “độc”, lạ phục vụ đại gia sẽ chỉ tăng, ít có khả năng hạ xuống. Các loại quả có hình càng lạ, giá càng cao. Chẳng hạn, mỗi cặp dưa hình chữ nổi “Phúc – Lộc – Thọ” có giá lên đến cả chục triệu đồng.
Ngũ quả “độc” mới đủ 
thể hiện chữ hiếu?
Để biện hộ cho thói chơi ngông của mình, không ít người quan niệm rằng, cả năm mới có một cái tết nên phải sắm những thứ lạ, hiếm đặt lên bàn thờ để thể hiện lòng thành kính với gia tiên. Dường như đang có một sự thay đổi về quan niệm, những thứ quả có hình càng “độc”, càng hiếm mới là thư quý giá để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên? 
Việc săn trái lạ đặt lên bàn thờ chợt làm người viết bài này nhớ đến  làng làm vàng mã Văn Hội (Thường Tín, Hà Nội). Có rất nhiều người đến đây để đặt xe hơi, nhà lầu, tiền âm, iphone, máy tính … đủ loại để cúng cho người âm. Có lẽ cái thời đốt vàng mã, mũ áo, giày dép giản đơn giờ chỉ dành cho những người nghèo. Còn khi tiền nong rủng rỉnh thì phải thể hiện đẳng cấp khác, từ mua trái lạ và làm đồ mã như thật để cũng kiếng thì mới hợp thời!
Xét đến cùng, chữ hiếu và lòng thành kính cốt ở tâm. Nếu có tâm thì thắp hương bằng củ khoai, đĩa dưa hàng hay cái bánh chưng cũng được gia tiên phù hộ độ trì. 
Nhìn ở một góc độ khác, những thú chơi ngông có thể được chuyển bằng những món quà vật chất như gói quà, cái bánh giúp trẻ em nghèo, người già cơ nhỡ thêm phần ấm cúng trong những ngày năm hết, tết đến. Hẳn hành động ấy sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều. 

Đọc thêm