Thấp thỏm đi qua cây cầu “tử thần” chực chờ

(PLO) - Nhiều năm qua, chiếc cầu phao dài chưa đến 200 mét, rộng không quá 2 mét cũ nát, xập xệ trở thành con đường huyết mạch thông thương của hàng trăm người dân xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) và thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Và cứ thế, bất kể nắng - mưa, đông - hè, ngày - đêm, chiếc cầu phao kia vẫn lặng lẽ ngày ngày đưa người qua sông với bao hiểm nguy rình rập.
Người dân mong mỏi ngày có cây cầu kiên cố hơn
Người dân mong mỏi ngày có cây cầu kiên cố hơn
Cây cầu “tử thần”
Sông Bà Rén là ranh giới phân chia giữa huyện Quế Sơn và huyện Duy Xuyên. Vì vậy, dù có những đoạn sông cách nhau chỉ khoảng 200 mét nhưng người dân lại chưa bao giờ biết đến nhau. Bởi, người dân hai bờ sông muốn gặp nhau để chuyện trò phải đi đường vòng, ngắn nhất cũng 5km, dài nhất đến trên 10km.
Để phục vụ nhu cầu thông thương giữa hai bờ sông Bà Rén, người dân địa phương đã tự “phát minh” ra cầu phao tự chế. Tuy nhiên, qua thời gian, phần do kinh phí tự túc có hạn, phần không được gia cố, thanh, kiểm tra thường xuyên nên cầu ngày một xuống cấp, gây nhiều nguy hiểm cho người dân. Chiếc cầu phao bắc từ phần đất của xã Quế Xuân 1 qua thôn Phước Mỹ 3 (thị trấn Nam Phước) là một điển hình.
Theo đó, cây cầu phao được người dân và chính quyền địa phương quyên góp tiền mua 200 chiếc thùng phuy nhựa và hàng ngàn tấm ván “dỏm”, thanh tre để làm cây cầu phao bắc qua sông cách đây gần 15 năm (2001).
Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, chiếc cầu phao thì nhỏ nhưng lưu lượng người qua lại quá đông nên cầu phao thường xuyên bị hư hỏng, xuống cấp, xuất hiện nhiều chỗ thủng rất nguy hiểm. Cầu không có lan can nên đi lại không cẩn thận rất dễ rơi xuống sông. Những thanh đà dưới và trên làm bằng gỗ đã bị mục, gãy gục chúi đầu xuống mặt sông. 
Ván lót mặt cầu hầu hết đã bị bong ra. 1/3 trong số 200 cái thùng phuy lót dưới mặt nước đều bị thủng, bấp bênh, những thanh tre chống đỡ thành cầu gãy đôi, đặc biệt, những dây buộc bằng thép níu giữ cầu đã bị hoen gỉ. Rõ nhất có thể thấy, chiếc cầu phao trở nên cong queo như hình chữ S, thành lan can  chỗ có, chỗ không nên rất nhiều trường hợp bị rơi xuống sông khi đi qua đây.
Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra trên cây cầu này
Nhiều tai nạn thương tâm
đã xảy ra trên cây cầu này
 
Chuyện rơi xuống sông như cơm bữa…
Khi “tận mục sở thị” mới cảm nhận hết nỗi phập phồng, nơm nớp lo sợ khi đi qua cây cầu này; mới hiểu được hết nỗi lo mà người nông dân và những em học sinh hàng ngày phải đối mặt khi phải thường xuyên đi lại trên chiếc cầu lắc lư, gập ghềnh này.
Hầu như ngày nào cũng có người bị sụt ván cầu, hay rớt xuống nước. Việc đi học, đi viện, đi làm luôn bị chậm trễ, đe dọa đến tính mệnh. Thậm chí, khiêng đám ma qua cầu phao thì cả xóm phải tổ chức đóng cọc dọc bên thành cầu để cầu không bị chao đảo. Việc chở hàng hóa qua cây cầu này là điều vô cùng khó khăn.
Có mặt tại đây đúng lúc người dân đang đi lại mới cảm nhận hết sự hãi hùng khi đi qua chiếc cầu phao này. Những hình ảnh vặn vẹo, rệu rã hình  vòng cung của cây cầu phao tách ra khỏi những cây trụ nằm cách đó không xa với những tiếng kêu cót két phát ra từ những cây tre đã mục mỗi lần đi qua.
Theo lời kể của em Nguyễn Văn An (học sinh Trường THPT Sào Nam, thị trấn Nam Phước): “Mới đi thì có cảm giác sợ lắm, nhưng đi nhiều, đi miết thành ra chây lỳ đi…” khiến chúng tôi không khỏi trăn trở, lo lắng về nỗi lo tử thần đang rình rập và có thể ập đến cướp mạng bất cứ lúc nào.
Theo đó, toàn xã Quế Xuân có khoảng 500 em học sinh đang theo học ở thị trấn Nam Phước nên ngày nào cũng thường xuyên đi qua đây. Nhiều người dân sống nơi đây cho hay, ở nơi đây cứ 2-3 ngày là có một vụ rơi xuống sông được người dân phát hiện ứng cứu, trong đó chủ yếu là các em học sinh, người già.
Tuy nhiên, cũng có những người không may mắn nên khi bất cẩn đi qua cầu bị rơi xuống sông, người dân không hay biết nên đã thiệt mạng. Gần đây nhất là anh Hoàng (35 tuổi, trú xã Quế Xuân 1) trên đường đi từ Nam Phước về qua cây cầu này thì bị trượt chân khiến cả xe và người rơi xuống sông, chết đuối. Hay chuyện cụ Nguyễn Thị Chơi (70 tuổi, thôn Phước Mỹ 2) cách đây hơn 1 năm, khi đi bộ qua cầu thì đạp phải đoạn gỗ bị mục nát, hãm chân nên rơi xuống khúc sông này tử nạn. Và còn nhiều, nhiều câu chuyện thương tâm khác…
Khi hỏi về thực trạng trong thời gian gần đây thường đoạt mạng biết bao con người vô tội, nhiều người dân không ngần ngại nói: “Chuyện rơi xuống sông như cơm bữa… May mà vào mùa mưa, cây cầu được người dân cho đi “ngủ đông” chớ phục vụ liên tục thì sẽ như thế nào. Khi đó, mọi sinh hoạt của người dân đều phải dựa vào xuồng ghe để đi lại qua sông, còn học sinh thì phải đi đường vòng xa gấp nhiều lần so với khi đi qua cầu. Nhưng có xa một tí mà an toàn hơn, còn có cầu thì hết lo này đến lo khác”, một người dân chia sẻ.
Qua thời gian, cây cầu xuống cấp nghiêm trọng, gây nhiều hiểm nguy cho người dân
  Qua thời gian, cây cầu xuống cấp nghiêm trọng,
gây nhiều hiểm nguy cho người dân
Theo thống kê chưa đầy đủ của người dân ở thôn này cho biết, tính từ trước đến nay đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm vụ tai nạn khi đi qua cây cầu này, con số tử vong là khoảng 5 người, còn bị thương thì không sao đếm xuể, kể xiết. Nếu không được mọi người xung quanh phát hiện và cứu kịp thời thì số người chết là rất nhiều. Khổ và khó nhất là người dân xã Quế Xuân, có diện tích đất canh tác tại thôn Phước Mỹ 3, thị trấn Nam Phước nên mỗi khi đến vụ thu hoạch rất lo lắng. Cầu đã mục và chông chênh nên lúa gặt xong phải vác thành từng bao đi qua cầu; còn rơm rạ phải đốt luôn tại đó. 
Nhưng cực nhất có lẽ là những em học sinh nơi đây. “Không chỉ riêng em mà hàng trăm bạn học sinh khác cũng vậy, rất sợ khi đi qua cây cầu hư này. Nhất là vào những ngày mưa lớn, nước sông dâng cao, nhưng đây là con đường ngắn  nhất để đi học, còn muốn đi con đường an toàn hơn phải đi vòng mất 5-10km, trong khi tụi em lại đi bộ, không có xe…”, một em học sinh tâm sự.
Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của chiếc cầu phao trên khiến nhiều người gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm  khi đi qua cầu, những người dân tốt bụng đã nguyện ngày ngày ra túc trực bên cầu “ để lỡ có ai không may sụt ván, té xuống nước còn kịp thời cứu vớt”. Trong số đó có ông Phạm Xân, người dân thôn Phước Mỹ 3, nhà gần cầu lại là người  bơi giỏi.
Trước đó, trong các cuộc tiếp xúc cử tri hai địa phương, người dân đã nhiều lần kiến nghị về thực trạng của cây cầu. Xã cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhưng đến hiện tại, do kinh phí chưa có nên chưa thể triển khai xây một cây cầu bê tông kiên cố được. Người dân nơi đây họ chỉ có thể mơ chứ không dám nghĩ đến ngày quê hương sẽ có cầu để thay thế chiếc cầu phao chông chênh, xập xệ, cũ nát. Họ cần lắm một cây cầu!

Đọc thêm