Chuyện tình “vợ nhặt” thời hiện đại

(PLO) -Trên con thuyền cũ nát, tạm bợ đậu ở ven sông Rạch Chiếc (bờ phía quận 2, TP.HCM), đôi vợ chồng nghèo khổ “nhặt” được nhau trên vạn đường mưu sinh. Dù nghèo đói, họ vẫn 30 năm quấn quýt yêu thương.
Bà Huệ ngậm ngùi lau tấm di ảnh đầy bùn đất của người mẹ.
Bà Huệ ngậm ngùi lau tấm di ảnh đầy bùn đất của người mẹ.

Chuyện tình hiếm gặp trên là của vợ chồng ông Lê Du (SN 1960, ngụ quận 5, TP.HCM) và bà Lâm Thị Huệ (SN 1964, quê Trà Vinh). Ông Du “nhặt” được bà Huệ cách nay đã 30 năm. Hai vợ chồng không nhà cửa, nghèo khó nên cùng nhau sống dưới con thuyền cũ nát neo đậu hơn 10 năm qua dưới chân cầu Rạch Chiếc.

Chuyện tình “vợ nhặt” 

Nhìn từ xa, chiếc thuyền của vợ chồng ông Du như một cái “ổ chuột”, vậy mà 30 năm nay là tổ ấm che nắng mưa cho họ. Con thuyền rộng chừng 1m, dài 3m, được quây kín bằng mớ bạc cũ rách chồng chồng lớp lớp. 

“Ông Du tích cóp nhiều năm đi làm phụ hồ mới mua được chiếc thuyền cũ của người ta. Ai không quen nếu đi từ ngoài bước vô thuyền sẽ thấy ngột ngạt, chứ vợ chồng tôi sống gần 30 năm ở đây nên quen rồi”, bà Huệ bắt đầu câu chuyện.

Ngẫm lại cuộc đời mình, bà kể rời quê lên Sài Gòn năm 17 tuổi, mưu sinh bằng nghề rửa chén thuê, bưng bê, phụ quán cafe. Ông Du đạp xích lô. Ông Du mồ côi cha từ nhỏ, mẹ ông phải cật lực bán nhang tại khu Chợ Lớn ở quận 5 nuôi bảy người con.

Công việc khấm khá, gia đình mua được căn nhà nhỏ. Nhưng rồi việc làm ăn đổ bể, mẹ ông phải bán nhà trả nợ. Tám mẹ con đành phải ra đường tá túc qua ngày ở gầm cầu, góc chợ. Do ông Du là con út nên được đi cùng mẹ, các anh em khác phải lưu lạc khắp nơi.

“Dù mang tiếng là người Sài thành đô hội nhưng gia đình ông Du cũng không nhà, không tài sản. Ông Du đạp xích lô kiếm tiền mua thuốc thang cho mẹ già ốm đau. Tình cờ, một lần ngồi nghỉ ở vỉa hè cạnh quán cơm ven đường, ông Du gặp tôi đang làm thuê rửa chén bát cho mấy quán cơm bình dân. Thấy hoàn cảnh tôi cũng nghèo khó, ông chủ động làm quen. Hai người từ đó là chỗ dựa của nhau. Đôi lần gặp nhau, không rõ duyên trời định sẵn hay sao mà cả hai có tình cảm”, bà Huệ kể.

Người phụ nữ ngậm ngùi, gia đình bà nghèo, gia đình ông Du cũng hoàn cảnh. Đôi bên “không một cục đất chọi chim”. Nhưng gia đình ông Du vẫn ngăn cấm. Bà Huệ đoán có lẽ họ muốn ông tìm một nơi nào đó có thể đổi đời được.

Dù bị phản đối tình cảm, gười mẹ thậm chí không nhận bà Huệ làm con dâu, ông Du vẫn một mực yêu thương bà. Cả hai không cần cưới xin, không cần họ hàng chứng giám, tự xem nhau như vợ chồng, dọn về chung sống.

Ông Du nghĩ rằng mình nghèo, phúc phận lắm mới “nhặt” được một người vợ như bà Huệ. “Về ở với nhau, ông Du khuyên tôi cố gắng, mặc cho người ta nói, miễn là chúng tôi thương nhau”, bà Huệ nhớ lại.

“Nhặt” được vợ, ông Du không còn đạp xích lô mà cất ngay một cái chòi cạnh miếng đất dưới gầm cầu để trông coi cây cảnh thuê. Chưa được hai năm thì miếng đất bị giải tỏa, ông Du đi làm phụ hồ, bà Huệ vẫn tiếp tục với công việc rửa chén bát. 

Khi bà Huệ sinh được hai người con trai, mẹ ông Du mới chịu nhận dâu, nhận cháu. Nhưng khi ấy, cuộc sống khó khăn, cả năm người cả già cả trẻ phải sống dưới gầm cầu, mặc cho mưa gió, giá rét. Thương mẹ, thương vợ, ông Du cố gắng “cày” bằng nghề phụ hồ kiếm tiền. Tích góp mãi, ông mới mua được một chiếc thuyền cũ nhỏ. Cả nhà lại dắt nhau xuống thuyền, tiếp tục cuộc sống lênh đênh, trôi dạt nơi mé sông.

Bà Huệ bên chiếc ghe cũ nát là nơi vợ chồng bà sinh sống gần 30 năm qua.

Bà Huệ bên chiếc ghe cũ nát là nơi vợ chồng bà sinh sống gần 30 năm qua.

Hi vọng “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”

Con thuyền nhỏ ngày xưa còn chèo ra sông neo đậu ở nhiều bến sông khác nhau. Nhưng hơn 10 năm nay, thuyền cũ nát, thủng nhiều lỗ, chỉ nằm im, mặc cho con nước đầy vơi. Thuyền chỉ vỏn vẹn vừa chỗ hai vợ chồng nằm. Muốn vào được bên trong phải cúi khum người xuống mà bò vào. Bên trong tối đen, đồ đạc không có gì quý giá. Mùa nắng thì hầm hập nóng. Mùa mưa thì dột nước khắp nơi. 

“Thuyền cũ quá rồi. Mỗi ngày, đi bán vé số về, con nước lên ngập khoang thuyền, tôi phải đợi nước xuống, tát cho cạn để tối còn có chỗ ngủ. Bao nhiêu năm rồi, nghèo lắm nhưng đành phải chịu”, bà Huệ nói.

Sinh hoạt trên thuyền, nước dùng để tắm giặt, nấu nướng và thậm chí là để uống, vợ chồng ông Du đều dùng nước sông. Trong cái thùng nước to, bà Huệ diễn tả: “Nước múc dưới sông lên, mình quây quây cho nó lắng cặn, rồi cho vào thùng xài dần. Người ta bảo dùng nước như thế sinh bệnh tật, nhưng không tiền, nước lại ở xa nên đành chịu. Tới đâu hay tới đó”.

Hai người con của vợ chồng ông Du được gửi về Trà Vinh cho một người bà nuôi chăm sóc. Người con cả hơn 20 tuổi đi làm mướn kiếm tiền phụ giúp bà. Cũng vì túng thiếu quá sinh cùng quẫn, người thanh niên này từng phải ngồi tù vì tội trộm cắp.

Nhiều đêm nằm nghĩ, vợ chồng ông Du lại thấy có lỗi với con. Giờ con ra tù làm lại cuộc đời nhưng cũng cơ cực lắm. Còn người con út đang học lớp 12, mỗi tháng, vợ chồng ông Du tích góp được ít đồng gửi về quê cho con ăn học.

Chỉ tay vào tấm ảnh đầy bùn đất, bà Huệ nói: “Mẹ tôi mất đã lâu nhưng không có tiền làm đám giỗ. Tết nhất người ta tưng bừng ăn uống, vợ chồng không dám lên bờ, sợ mình mang điều xui cho người ta. Nghĩ cũng buồn vì mẹ tôi không có lấy một nén nhang, một đĩa trái cây để cúng. Nhưng khổ quá biết làm sao. Cái ăn hàng ngày còn kiếm không ra”. 

Vậy mà, tai nạn cứ ập đến. Bà Huệ kể một lần ông bà đi vắng, bọn trộm vào lấy sạch đồ đạc, tiền bạc. Tiếp đó, bà bị xe tông nằm viện cả tháng phải vay nóng, giờ ngày nào cũng phải trả lãi. 

“Mấy chục năm rồi, vợ chồng ở với nhau, tôi không dám một lần về quê nhà. Chỉ mong trời thương, đừng bắt vợ chồng đau ốm thêm, đặng ráng làm ăn kiếm chút tiền mua chút đất cắm chòi mà ở. Sống mãi trên thuyền sao được”, bà tâm sự.

Ngày trước, ông Du chạy xe ôm, có hôm được vài ba “cuốc” kiếm vài chục ngàn đồng, có hôm ế ẩm chẳng có được đồng nào. Nhưng gần đây, xe ôm ế quá, ông Du chuyển sang nghề phụ hồ. Dù sức yếu, ông vẫn cố gắng kiếm tiền. 

Còn bà Huệ ngày ngày đi bán vé số, cứ đến tầm trưa và chiều bà lại tranh thủ đi phụ quán cơm. Sau tai nạn xe tải tông ngã phải vào viện khâu gần 10 mũi trên đầu, từ ngày đó, hôm nào trưa nắng gắt, bà lại ngất xỉu nên vé số cũng thường xuyên ế ẩm. Còn ông Du, đầu cứ đau nhức thường xuyên nhưng cũng chẳng dám đến bệnh viện khám sợ tốn kém, chỉ mua thuốc giảm đau để uống.

Thấy cảnh vợ chồng ông Du nghèo khổ, một số người có lòng hảo tâm cũng giúp đỡ. Người giúp gạo, nước mắm, quần áo. Ai cho gì, vợ chồng ông Du cũng nhận. “Tôi đi bán vé số, mỗi bữa, vào quán cơm xin mấy thức ăn thừa, cơm người ta không dùng mang về vợ chồng cùng ăn. Hôm nào có gạo thì nấu cơm ăn với rau luộc. Mấy chục năm nay như vậy rồi, nên cũng thành quen. Đôi lúc nhớ bữa cơm gia đình nhưng đành chịu, con cái ở xa quá”, bà Huệ nói.

Mặc dù khổ, mặc dù nghèo, cuộc sống tạm bợ, vợ chồng ông Du chưa một lần to tiếng với nhau. Tình cảm vẫn mặn nồng như lúc vừa mới quen. Bà Huệ chia sẻ: “Mình nghèo, có một tấm chồng biết yêu vợ cũng mãn nguyện rồi. Lắm người giàu mà bỏ nhau. Chúng tôi luôn hi vọng qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”.

Đọc thêm