Đi trong tiếng trống hội làng

(PLO) - Tháng Giêng, khi mưa phùn rắc lên vạn vật làn sương mờ ảo và cây cối đâm chồi nảy lộc là lúc hội làng bắt đầu khai cuộc. Quanh năm vất vả hai sương một nắng, mùa xuân đến, người nông dân cho mình quyền nghỉ ngơi, vui chơi giải trí bằng cách hát lên câu ca dao quen thuộc: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”.
Đi trong tiếng trống hội làng
“Ăn chơi” với người nông dân đó là lúc được thảnh thơi với công việc đồng áng. Ruộng đã cấy xong từ trước tết, vụ làm cỏ, bắt sâu còn chưa đến, vậy thì còn có lý nào để họ tất bật sớm hôm? Hội làng mùa xuân chính thức mở ra khi tiếng trống ngoài đình thúc từng hồi rộn rã, cờ phướn ngũ sắc bay trong làn gió xuân, những lượt rước kiệu thần linh được diễn ra long trọng và oai nghiêm. 
Nghi lễ được tiến hành trang trọng, những sản vật đặc biệt của một vùng quê luôn có mặt trên mâm tế thần linh. Người người đều thành kính cầu nguyện cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà an lạc, thái bình… 
Sau đấy là những buổi biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn” của đội văn nghệ thôn làng. Những người nông dân quê mùa, thô ráp ngày thường, dưới ánh đèn sân khấu đêm hội làng mùa xuân bỗng biến thành những liền anh, liền chị duyên dáng, đằm thắm với giọng hát ngọt như chứa đầy men rượu. Vẫn đôi tay cầm cày cuốc sao đêm nay lại uyển chuyển, điệu đà đến thế. 
Vẫn ánh mắt chân quê thường ngày sao đêm nay cũng lúng liếng, đa tình đến vậy, nhất là khi cất lên câu hát: “Anh còn xoan, em cũng còn xoan, ước gì ta được… ước gì ta được làm con một nhà…”. Các cụ ông áo the, khăn xếp. Các cụ bà cũng vận những trang phục rực rỡ nhất. Rồi những tà áo mớ ba, mớ bảy làm thướt tha thân hình vốn thô mộc do hàng ngày phải lam lũ với đồng ruộng, với con trâu, cái cày, cái búa…
Hội làng mùa xuân không chỉ có những đêm văn nghệ tưng bừng mà còn có những trò chơi giàu ý nghĩa như đánh cờ người giữa sân đình làng. Sân đình được kẻ những vạch vôi trắng xóa trở thành bàn cờ, hai đội quân là những thiếu niên mặc áo đỏ, áo trắng tay cầm quân cờ tượng trưng  mà mình đứng giữ. Hai người chơi mặt mũi đăm chiêu đi đi lại lại trên sân để xem xét thế trận và tính toán đường đi nước bước. 
Mỗi khi có ai đó rơi vào thế bí hoặc có người đi được nước cờ hay, tiếng trống lại rộ lên làm bừng bừng không khí “trận mạc”. Tiếng người xem cổ vũ, “bày mưu hiến kế” khiến người trong cuộc nếu không bình tĩnh thì rất dễ bị dao động. Đôi khi, người thi đấu còn thách nhau khiến ván cờ trở nên hấp dẫn cả người trong và ngoài cuộc. 
Phần thưởng dành cho sự thắng  trận tuy không lớn lắm nhưng nó là niềm vui, sự vinh quang vì thắng trước cả “bàn dân thiên hạ”. Có lúc, hai “kì phùng địch thủ” gặp nhau khiến ván cờ kéo dài cả buổi mà vẫn chưa phân thắng bại, hai “cao nhân” đành tạm rời  sân đình, tỉ thí với nhau trên bàn cờ nhỏ, nhường sân đình cho những người chơi khác.
Ngay trước cửa đình, nơi chiếc ao có nhà thủy đình uy nghiêm soi bóng cũng đang tưng bừng với buổi biểu diễn của phường rối nước xã. Những tích chèo cổ được đem ra trình diễn, không chỉ người lớn mà đám trẻ con cũng tỏ ra vô cùng thích thú, chúng chen nhau để được vào thật gần, nhìn được cho thật rõ những con rối sắc màu rực rỡ biết múa hát, biết đi chăn trâu hay bắt rắn, đuổi vịt,… hết sức linh hoạt. Tiếng trống chèo, tiếng hát rộn ràng làm ấm sực cả không gian mùa xuân đang còn se lạnh.
Rồi để mặc cho mưa xuân đang bay lất phất, cái giá rét vẫn lẩn khuất quanh đây. Trên bãi cỏ rộng, một đám đông  hò reo cổ vũ cho hai đô vật đang cởi trần trổ tài, khoe sức. Người đứng xem ủng hộ đô này, người lại ủng hộ đô kia thật rôm rả. Tiếng trống đánh từng hồi rộn rã làm không khí trên sân nóng hẳn lên, chẳng ai cảm thấy rét mướt, kể cả hai đô vật cởi trần trong kia cũng lấm tấm mồ hôi. 
Họ chẳng phải là người đi vật chuyên nghiệp mà chỉ là những thanh niên có sức vóc trong làng vì mê tinh thần thượng võ mà vào xới vật trổ tài. Với họ, thắng, thua không quan trọng mà phải thể hiện được cho bà con xem mình có những “miếng” hay, đẹp, vật để đối phương dù “lấm lưng, trắng bụng” mà trong lòng thầm cảm phục, ngưỡng mộ.
Hội làng qua đi khi Giêng, Hai cũng vừa tạm biệt. Người nông dân lại chuẩn bị cho mình những vật dụng cần thiết để bước vào mùa vụ mới. Với họ, hội làng mùa xuân đã nạp thêm năng lượng  để đương đầu với những thách thức mới của cuộc sống vốn còn nhiều vất vả, khó khăn. Và họ lại chờ đón những lễ hội năm sau khi mùa vui quay trở lại với tâm thế giống như cô gái đang yêu chờ đón đêm hội làng mùa xuân bên khung cửi của thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính. Chờ đợi để nghe lòng mình vững tin và thêm yêu cuộc sống... 

Đọc thêm