Hãi hùng chuyện " bố chồng - nàng dâu"

(PLO) - Xưa nay, dân gian vẫn có câu “mẹ chồng, nàng dâu” chứ mấy ai đề cập đến nhân vật bố chồng. Ấy thế nhưng, một khi bố chồng đã “xuống tay” với con dâu thì mọi chuyện còn kinh hoàng hơn rất nhiều!
Hãi hùng chuyện " bố chồng - nàng dâu"
Hạnh Dung (Hà Đông, Hà Nội) là một cô gái sinh ra trong một gia đình trí thức, giàu có. Cô bén duyên và kết hôn với một anh chàng nhà cũng gia phong, bề thế và phép tắc đâu ra đấy. Thế nhưng, mọi chuyện không “xuôi chèo, mát mái” như cô tưởng. Ngày đầu về làm dâu, Hạnh Dung đã bị bố chồng giáo huấn đủ kiểu, từ cách đi đứng, ăn mặc, nói năng, chào hỏi… 
Vốn quen dậy muộn buổi sáng, giờ Hạnh Dung phải tập với việc để chuông báo thức dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa sáng cho cả nhà. Sợ nhất là trong bữa ăn, chỉ cần mời bố mẹ chồng ăn cơm mà không thoát ra lời cũng bị bố chồng “cho một bài ca”, khi ăn chỉ cần vãi vài hạt cơm ra bàn ăn hay tỏ thái độ không vui vẻ trong mâm cơm cũng bị ông lườm nguýt…
Lấy chồng là con một nên áp lực “phải đẻ con trai để nối dõi tông đường” cho nhà chồng đối với Hạnh Dung vô cùng nặng nề. Càng nặng nề hơn khi cô sinh cho nhà chồng liền tù tì hai cô cháu gái. Ngày đứa con gái thứ nhất chào đời, Hạnh Dung đã bị bố chồng nói vào, nói ra rằng “con dâu không biết đẻ”. Sinh đứa cháu gái thứ hai cho nhà chồng, cô càng bị đay nghiến và kỳ thị ra mặt. 
Lạ một điều, người đay nghiến, rỉa rói cô không tiếc lời không phải là mẹ chồng mà là ông bố chồng đầy uy nghi, đĩnh đạc, phong độ mà mọi người vẫn nể phục. Nhiều lúc Dung muốn tung hê tất cả nhưng vì thương hai đứa con vẫn còn quá nhỏ dại, cô lại nén nỗi đau ấy vào lòng…
Cùng chịu chung cảnh “bố chồng, nàng dâu” với Hạnh Dung là thảm cảnh của Hồng Yến (Gia Lâm, Hà Nội). Là con gái tỉnh lẻ xa xôi nên từ ngày lấy chồng, Yến cam tâm sẽ làm tròn phận làm dâu con cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Chính bởi lẽ đó mà cô cun cút nghe theo sự sắp đặt của nhà chồng. 
Thế nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Trong làn nước mắt cứ chực trào mi, cô chia sẻ, ngày mới “chân ướt chân ráo” về nhà chồng cô đã bị đòi hỏi trách nhiệm phải đóng góp các khoản ăn uống sinh hoạt hàng tháng của hai vợ chồng. Với suy nghĩ nhà chồng cũng như nhà mình, ông bà lo liệu thì mình đỡ phải lo nên Yến đưa hết lương tháng cho bố mẹ chồng giữ, tất nhiên chồng cô cũng vậy… 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Trong gia đình chồng, mẹ cô chỉ đứng ở hàng thứ yếu, bố chồng mới là người đứng ra cầm trịch. Phải nỗi ông lại là người tính toán, chi li, tiết kiệm nên suốt năm, suốt tháng bữa cơm gia đình chỉ toàn rau với đậu, họa hoằn lắm mới có thêm tí thịt lợn. Hai lần chửa đẻ và sinh con thì cả hai lần Yến bị thiếu sữa vì không đủ chất dinh dưỡng. Nhìn đứa bé không đủ sữa cứ ngằn ngặt khóc trên tay mà cô không thể cầm lòng, nhưng không biết làm thế nào vì có bao nhiêu tiền cô đưa hết cho bố chồng rồi. 
Có lần nhà ngoại lén mua cho con ít thịt bò để bồi dưỡng thì bố chồng tỏ ý nghi ngờ con dâu lén lút giấu tiền để “ăn mảnh” và không phân minh trong chuyện tiền nong. Cũng vì không có tiền, mỗi khi cơ quan có việc hiếu, hỉ, tham quan du lịch, Yến đành ngậm ngùi từ chối vì không biết làm thế nào, chả lẽ ngửa tay xin tiền bố chồng. 
Có lần cô nói xa, nói gần về chuyện này thì bị bố chồng quát nạt: “Lấy chồng rồi, chỉ cần quan tâm đến chồng, gia đình là đủ, quan hệ nhiều bên ngoài làm gì?”.  Nhà ngoại có giỗ chạp, Yến cũng hãn hữu lắm mới về, phần vì tiền nong không rủng rỉnh, phần vì sợ bố chồng nghi ngờ “mang hết tiền về cho nhà ngoại”…

Đọc thêm