Khám phá nhà tù tự do và 'tử tế' nhất thế giới ở Na Uy

(PLO) - Nhà tù trên đảo Bastoy nằm cách bờ biển Oslo của Na Uy khoảng 75km. Đây là nơi giam giữ 115 tù nhân phạm tội giết người, hiếp dâm và buôn bán ma túy… Song, khác với những nhà tù bình thường trên thế giới, Bastoy rất bình yên.
Nhà tù Bastoy
Nhà tù Bastoy

Tuy nhiên, nói là “giam giữ” nhưng những gì mà tù nhân đang được hưởng ở đây có vẻ giống một kỳ nghỉ sang trọng hơn. Không giống như những nhà tù khác, nhà tù ở đây không có những bức tường cao vút, cũng không nhìn thấy những hàng rào kẽm gai hay hàng điện bao xung quanh như những nhà tù kiên cố khác. Thêm vào đó, nhà tù trên đảo Bastoy cũng không có nhân viên an ninh được trang bị vũ trang đi tuần, không có bảo vệ đứng canh gác suốt ngày đêm, cũng không có chó tuần tra. Tại đây, tù nhân, lính canh và cả các cư dân trên đảo chung sống hòa bình với nhau. 

Giống như một khu nghỉ mát 

Được thành lập vào năm 1982, nhà tù Bastoy nằm trên một hòn đảo cây cối xanh tốt, xung quanh là bờ biển xanh ngát với phong cảnh thơ mộng. Mang danh là nhà tù nhưng người ta cảm thấy đây giống như một khu nghỉ mát thì đúng hơn. 

Theo CNN, cuộc sống của tù nhân ở nhà tù Bastoy không khác gì cuộc sống của một người bình thường. Họ được sống trong những ngôi nhà gỗ nhỏ sơn màu sáng, được ngủ trong phòng riêng có TV, máy tính, đầu đĩa DVD; được tham gia các lớp học hội họa và nấu ăn với các đầu bếp 5 sao; được đạp xe dã ngoại và tắm nắng bên bờ biển. Ngoài ra, tù nhân còn có rất nhiều các lựa chọn khác như câu cá hay chơi các môn thể thao. Họ được đi lại tự do và làm các công việc thường ngày như chăn nuôi, trồng trọt.

Hình ảnh giống như khu nghỉ mát của nhà tù Bastoy
Hình ảnh giống như khu nghỉ mát của nhà tù Bastoy

Để cho các tù nhân giải trí, ở đây có hẳn một bãi biển riêng, nơi họ có thể tắm nắng vào mùa hè. Ngoài ra, tù nhân còn có rất nhiều các lựa chọn khác như câu cá, đua ngựa, tắm hơi hay chơi quần vợt. Bữa ăn của tù nhân bao gồm các món “sơn hào hải vị” mà nhiều người dân thường phải mơ ước như bong bóng cá với nước sốt, tôm, các món gà hay cá hồi…

Ba nguyên tắc: bình thường, nhân đạo và tái hòa nhập

Hệ thống nhà tù ở Na Uy dựa trên ba nguyên tắc: bình thường, nhân đạo và tái hòa nhập. Theo quan điểm của chính phủ Na Uy, nhà tù không phải là nơi để thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc để “trả đũa” cho những hành vi phạm tội của họ. Thay vào đó, nhà tù là nơi giúp một con người từng lầm lỡ trở thành một công dân tốt. 

Hơn nữa, do không có mức án chung thân nên người Na Uy cho rằng cuộc sống trong tù nên giống với cuộc sống bình thường hàng ngày để tù nhân sau khi mãn hạn sẽ nhanh chóng tái hòa nhập với xã hội. Có thể nói, với quan niệm “Nếu đối xử với con người như rác rưởi, họ sẽ trở thành những kẻ tàn nhẫn. Nếu coi họ là những con người thực thụ, họ sẽ hành động như người bình thường”, Na Uy đã tạo ra một nhà tù vô cùng êm ái, không hình phạt, và đầy đủ tiện nghi như một khu nghỉ dưỡng sang trọng.

Hình ảnh giống như khu nghỉ mát của nhà tù Bastoy
Hình ảnh giống như khu nghỉ mát của nhà tù Bastoy

Nhà tù Bastoy khuyến khích sự thay đổi bằng cách giao trách nhiệm cho phạm nhân thông qua việc mang đến cho họ một loạt các lựa chọn. Một số phạm nhân có thể lựa chọn chăm sóc ngựa, hoặc chăn nuôi gia súc, cừu, hay trồng trọt. Một số người khác có thể chọn công việc đầu bếp, quản lý cửa hàng tạp hóa, thợ mộc hay thợ cơ khí. Không có kẻng đánh thức mỗi buổi sáng, các phạm nhân tự giác có mặt ở nơi làm việc đúng giờ. Ngày làm việc của họ bắt đầu từ lúc 8h30 sáng và kết thúc vào 3h30 chiều.

Jan Petter Vala, người đàn ông đang phải chịu án tù vì tội giết bạn gái của mình. Trong lúc say, ông đã dùng sức mạnh của đôi bàn tay siết cổ bạn gái đến chết. Nhưng giờ đây, tại nhà tù hẻo lánh này, công việc của ông là chăm sóc đàn bò. Và mới đây ông đã đỡ đẻ cho một con bò. Ông đã khóc khi bê con chào đời, chính đôi bàn tay đã từng siết cổ ấy giờ đây lại dùng để lau sạch những vết máu trên cơ thể chú bê con và đón nhận hơi thở đầu tiên của nó trong niềm xúc động vô bờ bến.

Sau đó, ông Vala đã gọi mẹ mình để chia sẻ tin tốt lành này. “Tôi nói với mẹ rằng tôi sẽ trở thành một người cha”, Vala cười rạng rỡ nói. 

Theo ông Arne Kvernvik Nilsen, cựu thống đốc Bastoy, cách giúp “thuần hóa” phạm nhân ở đây là nhờ thái độ, sự tôn trọng và sự tự khám phá. “Cách duy nhất để thay đổi con người là đặt họ vào hoàn cảnh nơi sự thay đổi bắt đầu từ bên trong mỗi cá nhân. Và hãy bắt đầu bằng việc giúp họ khám phá bản thân theo một cách hoàn toàn mới, thay vì nhìn anh ta như một kẻ thất bại”.

Sự khác biệt mang lại kết quả khác biệt 

Chính sự khác biệt nên nhà tù này đã gây nên nhiều tranh cãi. Nhiều người tỏ ra tức giận và nói rằng những kẻ phạm tội không xứng đáng để được nhận những điều tốt đẹp này. Có phải những người này có phải đang bị trừng phạt không? Tại sao lại để họ sống trong sung sướng trong khi những người tốt khác phải sống trong đói nghèo?...

Tuy nhiên, nếu như mục đích cuối cùng của nhà tù là nhằm thay đổi con người, thì có vẻ như Bastoy đã làm khá tốt. Theo số liệu thống kê, chỉ có 16% số phạm nhân tái phạm trong khoảng thời gian 2 năm sau khi được mãn hạn tù tại Bastoy trong khi đó, con khi con số này ở Na Uy là 20% và mức trung bình của toàn Châu Âu lên tới 70%.

Theo ông Ryan King, một nhà nghiên cứu về tội phạm nói rằng, rất khó để so sánh tỷ lệ tội phạm giữa bang này với bang khác, quốc gia này ít hay quốc gia khác nhiều. Do vậy, thay vì tập trung vào con số, chính phủ các nước cần tập trung vào những gì nên làm và không nên làm để giải quyết tỷ lệ tội phạm của đất nước mình. 

Các quan chức Na Uy cho rằng, đây là phương pháp tạo nên sự khác biệt.  Bastoy không phải là nơi để trừng phạt hoặc tìm cách trả thù. Mục đích của Bastoy là tạo dựng một môi trường mà tù nhân có thể xây dựng lòng tự trọng và cải biến lại cuộc sống của họ. Tù nhân sẽ tự phải soi mình vào trong gương và tự nhủ với bản thân.

Nhà tù này sẽ cho những tù nhân một cơ hội để thấy bản thân mình có giá trị và không phải là một người xấu. Hình phạt duy nhất và được cho là nặng nề nhất của nhà tù này là lấy đi cái quyền được trở thành một công dân tự do giống như bao người dân Na Uy khác. 

Tom Remi Berg, một thanh niên 25 tuổi, từng tham gia đánh bom và đánh một người đàn ông gần như đến chết. Nhưng khi bị bắt tới nhà tù Bastoy, anh được làm việc trong nhà bếp và đang học nghề để có thể trở thành một đầu bếp khi được thả.

“Mặc dù nhà tù rất tự do, thoải mái, thậm chí không có nhiều lính canh nhưng không mấy ai tìm cách bỏ trốn. Nếu cố gắng bỏ trốn mà thất bại, người tù nhân ấy sẽ bị chuyển đến một nhà tù nghiêm khắc hơn. Do vậy, thay vì bỏ trốn những người như chúng tôi cố gắng rèn luyện bản thân, cố gắng thay đổi để có thể nhanh chóng lấy lại sự tự do và tái hòa nhập cộng đồng”, Tom Remi Berg cho hay. 

Đọc thêm